Nhân 10 năm ngày mất cố Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương: GS. Đỗ Nguyên Phương với dấu ấn một chặng đường phát triển

01-10-2018 06:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - GS. TS. Đỗ Nguyên Phương là người giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế 7 năm (1995 –2002), đã để lại những dấu ấn quan trọng trong lịch sử Y tế Việt Nam. Mười năm kể từ ngày ông mất (3/10/2008) những việc mà Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương tạo dựng nên, luôn luôn là tấm gương về một người thầy, một vị lãnh đạo mà đồng nghiệp đặc biệt kính trọng và tin yêu.

GS. Đỗ Nguyên Phương.

GS. Đỗ Nguyên Phương.

Làm việc với Cố vấn Phạm Văn Đồng và ban hành 12 điều quy định về y đức

Mùa thu năm 1996, Bộ trưởng Bộ Y tế  GS.TS. Đỗ Nguyên Phương được thông báo: Cố vấn BCH Trung ương Đảng, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng có buổi làm việc với người đứng đầu ngành y tế. Tháp tùng Bộ trưởng lên khu nhà nghỉ Tam Đảo để gặp Cố vấn có TS. Nguyễn Quốc Triệu, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Sau khi tặng  hoa và kính chúc sức khỏe cố vấn, Bộ trưởng bày tỏ xúc động biết ơn cố vấn tuy tuổi đã cao nhưng rất quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bộ trưởng  báo cáo với cố vấn, ngành y tế đang đứng trước rất nhiều thách thức: đó là yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, trong khi đó ngân sách dành cho ngành y tế của Nhà nước có hạn. Sự chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có đem lại những hiệu quả cho nền kinh tế, nhưng cũng bộc lộ những hạn chế, có những tác động tiêu cực ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề giữ gìn đạo đức, phẩm chất của người thầy thuốc.

Cố vấn Phạm Văn Đồng chăm chú lắng nghe Bộ trưởng báo cáo, rồi nói: “Tôi rất lo lắng việc các thầy thuốc chăm sóc sức khỏe đối với người nghèo. Tôi đề nghị các đồng chí không được để cho các bệnh viện bị thương mại hóa từ khâu khám chữa bệnh, cung cấp thuốc đến các dịch vụ khác. Tôi muốn lưu ý các đồng chí phải thực hiện cho tốt, rất tốt lời dạy của Bác Hồ: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Muốn làm được mẹ hiền thì thầy thuốc phải có tâm, có đức, có trình độ chuyên môn giỏi. Nếu không giỏi, mẹ không cứu chữa được con. Thầy thuốc phải có thái độ tốt với  người bệnh, tùy theo bệnh nặng hay nhẹ mà có  biện pháp  cứu chữa và chăm sóc đúng, chứ không phải phụ thuộc vào người đó giàu hay nghèo. Phải có kế hoạch thực hiện tốt việc này”.

Sự quan tâm của Cố vấn BCH Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng khiến GS. Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương rất cảm động và càng trăn trở: phải làm sao y tế không bị thị trường hóa, mọi người dân, đặc biệt là dân nghèo phải được chăm lo sức khỏe đầy đủ công bằng. 12 điều quy định về y đức được Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương ký ban hành ngày 6/11/1996 đã ra đời trong hoàn cảnh đó và đã được vận dụng linh hoạt trong hành trình khám chữa bệnh, giúp cán bộ y tế không chệch hướng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu tặng hoa Cố vấn BCH TW Đảng Phạm Văn Đồng (1996).

Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu tặng hoa Cố vấn BCH TW Đảng Phạm Văn Đồng (1996).

“Bộ trưởng của cơ sở”, “Bộ trưởng của người nghèo”

Với sức khỏe dẻo dai, GS. Đỗ Nguyên Phương đã tới gần như tất cả các vùng của Tổ quốc từ địa đầu cực Bắc tới tận cùng miền Nam, bằng đôi chân bộ đã đi khắp các bản làng xa xôi hẻo lánh. Những chuyến đi đó giúp ông hiểu hơn về khó khăn của y tế cơ sở để tổ chức mạng lưới, xóa các xã trắng chưa có trạm xá y tế trên các bản Mèo vùng cao, phấn đấu nâng dần số bác sĩ phục vụ dân tại các xã trong cả nước.

Trong các chuyến công tác đó, bao giờ Bộ trưởng cũng dành thời gian thăm các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và tặng quà cho từng má. “Con là Phương, Bộ trưởng Bộ Y tế đến thăm má đây...”. Bộ trưởng quan tâm đặc biệt đến công việc và đời sống của những nhân viên y tế ấp, thôn bản, hỏi thăm các chế độ bồi dưỡng xem đã phù hợp chưa, có được nhận đầy đủ không? Bộ trưởng dành thời gian thăm các bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo hoặc nghiện hút, tiêm chích. Bộ trưởng ân cần hỏi han từng người, bằng sự nhân ái và bằng cả tấm lòng thương yêu, Bộ trưởng đã truyền cho họ. Song song với việc thành lập hai Trung tâm y tế chuyên sâu tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội và đào tạo đội ngũ thầy thuốc có trình độ cao tiếp thu công nghệ tiên tiến  trong chẩn đoán và điều trị; Bộ trưởng đã xây dựng nhiều chính sách như: đưa cán bộ tuyến trên chi viện cho tuyến dưới với khẩu hiệu “cầm tay chỉ việc”; các chính sách về Y tế Biển đảo, Quân dân y kết hợp; đồng thời ông đưa ra chủ trương Xã hội hóa y tế để tăng thêm nguồn lực đầu tư cho y tế  góp phần thúc đẩy sự nghiệp y tế phát triển. Ông đặc biệt quan tâm tới việc khám chữa bệnh cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa với tâm nguyện làm sao người bệnh ở khắp nơi không kể sắc tộc, giàu nghèo đều được chăm sóc và hưởng thụ những dịch vụ y tế có chất lượng. Ông trăn trở với vấn đề thu viện phí. Theo ông, đó chỉ là giải pháp trước mắt còn lâu dài chỉ có bảo hiểm y tế  toàn dân mới có thể giải quyết tận gốc những vấn đề bất cập hiện nay. Với tác phong chân thành, bình dân, ông đã giành được rất nhiều tình cảm của cán bộ y tế cơ sở và bà con ở vùng sâu vùng xa; nhân dân đã gọi ông là “Bộ trưởng của cơ sở”, “Bộ trưởng của người nghèo”.

Vị Bộ trưởng hết lòng vì sức khỏe trẻ em

Chiều 15/12/2000 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà nước đã tổ chức buổi lễ trọng thể công bố thành quả thanh toán bại liệt. Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương đứng trên bục báo cáo: “Với sự nỗ lực của toàn ngành y tế và toàn cộng đồng, sau suốt 7 năm kiên trì phấn đấu (1993-2000), từ năm 1998 Việt nam không còn ca bại liệt nào và năm 2000 Việt Nam được quốc tế công nhận là nước đã thanh toán được bệnh bại liệt. Từ một nước có bệnh bại liệt lưu hành rất nặng với những vụ dịch hàng chục nghìn cháu mắc vào các năm 1960 và 1961, 40 năm sau Việt Nam đã thanh toán vĩnh viễn căn bệnh này một cách thành công”.

Trong nhiệm kỳ của ông, thuật ngữ “Ngày hội tiêm chủng” được sử dụng rộng rãi và đúng nghĩa với việc cho gần 10 triệu trẻ em dưới 5 tuổi uống vắc-xin bại liệt hàng năm. Đây là đỉnh cao của công tác xã hội hóa hoạt động y tế dự phòng, là một giải pháp hữu hiệu để một nước còn nghèo chăm lo hiệu quả sức khỏe cho trẻ em thông qua công tác tiêm chủng. Với sự quan tâm của Bộ trưởng, ngành y tế dự phòng các tỉnh miền núi đã tập trung nhân lực, vật lực và phối hợp cùng các lực lượng quân y, đặc biệt là Quân y Bộ đội Biên phòng xóa thành công các xã trắng, bản trắng về tiêm chủng tại những vùng sâu, vùng xa trong cả nước vào các năm 1997, 1998.

Thành công to lớn của Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) vì sức khỏe trẻ em ở Việt Nam có vai trò và sự đóng góp quan trọng của nhiều thế hệ Bộ trưởng Bộ Y tế, các lãnh đạo ngành y tế các cấp, trong đó có những thành tích đặc biệt trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Trương Vĩnh Trọng, Thứ trưởng Bộ Y tế Đoàn Thúy Ba chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt tại Tam Nông  và Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp tháng 10/2001.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Trương Vĩnh Trọng, Thứ trưởng Bộ Y tế Đoàn Thúy Ba chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt tại Tam Nông và Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp tháng 10/2001.

Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính trị và chuyên môn của một nhà triết học

Không chỉ là một bác sĩ, một nhà quản lý, GS. Đỗ Nguyên Phương còn là một giáo sư  triết học. GS. TSKH. Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã nói: Bài học lớn nhất mà những cán bộ giúp việc cho Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương học được từ ông, đó là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa chính trị và chuyên môn: trong chuyên môn có chính trị và trong chính trị có chuyên môn.

Với sự kết hợp nhuần nhuyễn đó, định hướng “công bằng” luôn là chủ đề xuyên suốt trong quản lý y tế của nước ta trong thời đổi mới với cách quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa (lấy nhân đạo và công bằng là mục tiêu chính của y tế). Sự nhuần nhuyễn giữa chính trị và chuyên môn của ông lại càng được thể hiện khi đầu năm 2001, các tỉnh Tây Nguyên có rối ren, ông đã chỉ thị cho y tế các tỉnh Tây Nguyên tổ chức thầy thuốc mang cơm, mang nước, mang thuốc và mang cả chính sách của Đảng đến với dân. Việc làm này của y tế Tây Nguyên đã góp phần không nhỏ vào việc vãn hồi an ninh trật tự tại vùng.

Thuật sử dụng người tài

Tấm lòng đôn hậu và cách đối xử chân thành của Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương đã tạo cho ông một ê kíp làm việc hiệu quả với với tinh thần trách nhiệm cao. Những người cộng sự thân cận giúp việc cho Bộ trưởng Phương kể rằng: Những lúc làm việc nhóm để bàn cho thấu đáo từng chính sách, từng ý trong dự thảo nghị quyết hay chỉ thị, có lúc căng thẳng do chưa có sự đồng thuận giữa các thành viên, Bộ trưởng lại làm việc với từng người để tạo điều kiện cho họ được nói hết ý nghĩ của mình. Ông luôn luôn chăm chú lắng nghe khi cộng sự trình bày ý kiến và ghi chép tỉ mỉ; thỉnh thoảng có chỗ ai đó diễn đạt không tốt làm ông khó hiểu, ông hỏi lại ngay. Sự chân tình lắng nghe và thẳng thắn trong trao đổi khiến mọi người không ngần ngại đưa ra những ý kiến mặc dầu có thể trái ngược.

Nói về ông, GS. TSKH. Phạm Mạnh Hùng luôn bày tỏ lòng tri ân sâu sắc: “Cái quý giá đối với những người làm công việc giúp Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương là được ông nghe và áp dụng những ý hay vào công việc. Tất cả những gì khái quát về ông qua thực tiễn đó là: tôn trọng triết lý - lý luận và thực tiễn, giải quyết vấn đề với nhân sinh quan, nhãn quan khoa học và tình người”.


TRẦN GIỮU
Ý kiến của bạn