Các bác sĩ Khoa Cấp cứu- Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận 3 cháu bé trong đó có 2 chị em ruột và một bé là em họ ở Mỹ Đức, Hà Nội, bị ngộ độc thuốc điều trị tâm thần.
Theo đó, hai chị em ruột là N.T.M (4 tuổi) và N.T.H ( 3 tuổi) cùng em họ là N.T.T (3 tuổi) đều nhập viện trong tình trạng li bì, hôn mê sâu.
Theo lời kể của gia đình, mẹ bé H, cho hay: Khoảng 11h, khi đang chơi với nhau, các cháu có lấy lọ thuốc điều trị thần kinh của bố để trong hộp xốp, tưởng là kẹo nên 3 cháu đã cùng nhau ăn. Sau đó, đến chiều, 3 cháu đều ngủ lịm đi không biết gì. Buổi chiều tôi đi làm về phát hiện ra thì đưa các cháu đi viện ngay. Khi nhập viện, các cháu vẫn đang trong tình trạng li bì, đánh thức không dậy, gọi hỏi không đáp ứng.
Theo Ths.BS Ngô Anh Vinh - Khoa Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi nhập viện, cả 3 bệnh nhi đã được xử trí theo hướng tiên đoán trẻ bị ngộ độc thuốc, rửa dạ dày, truyền dịch để đào thải các chất độc trong cơ thể, lấy máu để xét nghiệm.
BS Ngô Anh Vinh khám cho bé H ăn nhầm thuốc đang được điều trị tích cực tại BV Nhi TƯ.
Hiện tại, sau hai ngày điều trị, M. và T. đã ổn định sức khỏe, bé có thể đi lại và tỉnh táo nói chuyện và tương tác tốt. Vì vậy chúng tôi đã cho các cháu xuất viện. Riêng cháu H., hiện vẫn còn mệt mỏi, hạn chế trong vận động và giao tiếp nên tiếp tục giữ lại để theo dõi thêm"- BS Vinh nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ, do cơ thể trẻ em còn nhỏ, hệ thần kinh và các bộ phận khác của các cháu còn đang phát triển, chưa hoàn thiện. Vì vậy, việc uống nhầm thuốc của người lớn, nhất là thuốc thần kinh có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh rất nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo các bác sĩ, uống nhầm thuốc khiến nhiều người phải nhập viện là tình trạng thường gặp ở khoa Cấp cứu- chống độc. Tất cả các loại thuốc người lớn sử dụng được không phải là phù hợp với trẻ em, các loại thuốc đó có thể ảnh hưởng đến trẻ em từ mức độ nhẹ đến nặng. Đặc biệt, khi các cháu uống nhầm thuốc thần kinh của người lớn có thể gây ra tình trạng hôn mê sâu, thay đổi ý thức, nếu không được phát hiện sớm thì hậu quả rất nặng nề.
Vì vậy, BS Vinh cảnh báo những người sử dụng thuốc thần kinh đều phải được giám sát, cần quản lý tốt các loại thuốc, để tránh xa tầm tay trẻ em, nên có những tủ riêng, thậm chí phải có khóa. Không để chung thuốc uống với những thuốc khử khuẩn, dùng ngoài.
Sau sơ cứu ban đầu cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện ngay để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc. Mang theo vỏ loại thuốc hoặc chai hóa chất mà người bệnh đã uống nhầm để các bác sĩ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.
Để phòng tránh hậu quả của việc uống nhầm thuốc và hóa chất cần:
- Để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ. Tốt nhất là để ở những hộp riêng, có khóa, không để trẻ em lấy được.
- Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống như lavie, vital… nhằm tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra. Các chai, lọ đựng hóa chất nên dán chú thích rõ ràng, đặt xa tầm tay trẻ em.
- Nên tránh tái sử dụng những chai nhựa màu, vỏ đục, khó quan sát màu sắc của chất bên trong để đựng hóa chất.
- Không đựng các đồ uống vào các chai lọ vốn là bao bì đựng hóa chất.
- Không để chung thuốc uống với những thuốc khử khuẩn, dùng ngoài.