Độc giả đang phải mở to mắt để đọc theo nhiều sự điều khiển không mong muốn thay vì nhắm mắt lại và đọc bằng trái tim. Sáng tác văn học có chủ đích, theo lối mòn của một số tác giả đang được báo chí tung hô lại không nhận được sự đồng tình của độc giả.
Vòng “tục lụy” viết lách
Việc cập nhật kịp thời những sự kiện, những thay đổi của cuộc sống cũng như đi sâu vào những suy tư của tâm hồn con người là một trong những phương cách để nhà văn đến gần hơn với độc giả hiện đại. Tuy nhiên, sử dụng hoàn cảnh, sự kiện làm mục đích tiến thân trong văn chương cũng như cầu viện đến ngôn ngữ hoặc mùi mẫn, ướt át, bắt chước hoặc mang tính khẩu hiệu cao để kêu gọi tình cảm và sự chú ý của công chúng là một cách làm không bền trong sáng tác văn chương. Và rất nhiều cơ quan báo chí, bộ phận có chức năng đưa tin, giới thiệu đã vô tình “đồng lõa”, đã đưa những tác giả này “lên mây” trong khi chưa nắm được về cơ bản giá trị nội tại của tác phẩm. Tình trạng “dựa hơi” sự kiện và “kêu gọi” cảm tình của công chúng qua các tác phẩm đã khiến không ít độc giả cảm thấy mệt mỏi. Điều đáng ngạc nhiên là báo chí bất chấp phản ứng của độc giả, cứ ra sức PR cho các tác phẩm này.
Thẩm thấu những vấn đề của xã hội đương đại là một trong những đặc điểm thể hiện sự nhạy cảm của người viết văn, nhưng lợi dụng điều này để mưu lợi danh tiếng lại thể hiện sự bế tắc trong sáng tác và thể hiện cái tâm thiếu trong sáng của người viết. Điều đáng nói là kể cả những cây bút dày dặn cũng đang loay hoay trong vòng “tục lụy” này, thí dụ như Hồ Anh Thái. Bên cạnh đó là một số cây bút trẻ được biết đến chủ yếu nhờ sự tung hô của báo chí chứ không phải là ý kiến khen chê của độc giả như Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Quỳnh Trang, Phong Điệp... Có thể nói, lối sống và cách suy nghĩ của các cây bút thể hiện rất rõ trong tác phẩm. Cái tâm với đề tài sáng tác cũng đồng thời được đúc kết lại trong cách triển khai và dàn dựng diễn biến câu chuyện. Việc “lợi dụng” những vấn đề mà dư luận đang quan tâm, có sức ảnh hưởng lớn đến đất nước để sáng tác nhằm mục đích tiến thân được thực hiện một cách có chủ đích và kéo dài từ tác phẩm này đến tác phẩm khác là một điều bất nhẫn. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này qua phản ứng không chỉ của độc giả mà còn là của những người viết. Sức bật và cả sức bền của những “người viết” đơn thuần này vì thế được dự đoán là sẽ nhanh chóng xuống dốc, thậm chí sẽ rơi vào ngõ cụt vào một ngày không xa.
Người viết cần thoát khỏi ánh hào quang
Một khía cạnh khác trong sáng tác văn học theo khuynh hướng “làm quá”, đi theo lối mòn mùi mẫn dông dài nhằm cầu viện đến sự đồng cảm của công chúng dường như cũng đang gây phản ứng ngược. Chúng ta thấy gì từ những tác giả này? Phải chăng báo chí đang đánh lừa độc giả với những bài PR “bốc giời” các tác giả Bích Ngân, Lương Đình Khoa... khi mà điều độc giả nhận lại là cảm giác “ê chề” và thiếu hứng thú khi tiếp cận trực tiếp với tác phẩm của họ. Ai đang đánh lừa ai và các tác giả có nhận thức được vai trò, vị trí cũng như sự thiếu hấp dẫn, thiếu cá tính trong tác phẩm của mình?
Có thể nói, hiện nay, nhiều tác phẩm văn học đã khơi gợi và gây hứng thú cho độc giả nhưng bên cạnh đó, nhiều tác giả, tác phẩm khiến chúng ta ngán ngẩm khi bắt gặp trên báo chí hay vì một lẽ nào đó phải đọc để phục vụ cho những mục đích khác nhau. Việc thưởng thức văn học lúc này trở thành một hành động bị cưỡng ép. Đọc mà không hứng thú, không tìm thấy sự đồng cảm, thậm chí ác cảm và không phục gây nên sự ức chế. Độc giả đang phải mở to mắt để đọc theo nhiều sự điều khiển không mong muốn thay vì nhắm mắt lại và đọc bằng trái tim. Quả thực, việc tiếp nhận ý kiến độc giả của nhiều cây bút vẫn chưa tích cực. Dường như họ bị chính những người bạn viết thảo mai tung hô, những độc giả hạng bét “ru ngủ” và bị mộng du dẫn đi tiếp vào một con đường không mấy ý nghĩa. Điều này gây nên thái độ hãnh tiến, chủ quan, bằng lòng vô cùng nguy hại nếu muốn đi đường dài với văn chương. Thoát khỏi ánh hào quang ảo này vô cùng khó khăn, đòi hỏi một sự chuyển hướng, đằm mình lại để thực sự sống với những con chữ, để nói với độc giả những gì thực sự là “lời gan ruột” của bản thân. Tiếc thay, dường như đó chỉ là chuyện của tương lai. Nhiều người viết vẫn đang ngẩng cao đầu bước tiếp trên hoạn lộ họ đinh ninh là đường dẫn tới vinh quang mà không biết rằng chính họ đang loay hoay, dò dẫm quẫy đạp vô vọng để đến với những độc giả thực thụ.
Ngữ Nam