Việc tồn tại các thuốc dễ gây nhầm lẫn trong sử dụng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây sai sót sử dụng thuốc và vấn đề này đang được cả thế giới quan tâm.
Các thuốc có tên gây nhầm lẫn hay còn gọi là thuốc LASA (look alike, sound alike) là nhóm thuốc bao gồm các thuốc có hình dáng, cách đóng gói, bao bì gần giống nhau (look alike) hoặc các thuốc có tên được viết, phát âm tương tự nhau (sound alike).
Ví dụ : Dexamethasone và dextromethorphan là hai thuốc này có tên và cách đọc gần giống nhau. Tuy nhiên Dexamethasone là thuốc nhóm corticoid để kháng viêm trong khi dextromethorphan là một dẫn xuất của morphin dùng để làm thuốc giảm ho.
Dưới đây là một số ví dụ minh học về một số thuốc LASA.
Việc nhầm lẫn trong dùng thuốc có phổ biến ?
Hiện nay, ngày càng có nhiều thuốc được lưu hành trên thị trường, lượng thuốc sẵn có lên đến 10.000 thuốc và rất nhiều thuốc trong số này là thuốc LASA .
Kể từ năm 2000, FDA của Mỹ đã nhận được hơn 95.000 báo cáo về sai sót sử dụng thuốc. Khoảng 25% trường hợp sai sót là nhầm lẫn tên thuốc do cách nhìn hoặc đọc tương tự nhau. Vào năm 2011, Bộ Y tế Malaysia cũng nhận được 5.003 báo cáo về sai sót sử dụng thuốc trong đó khoảng 6% báo cáo liên quan đến các thuốc LASA.
Riêng đối với Việt Nam, gần đây nhất vào tháng 4 năm 2018 đã xảy ra trường hợp phát nhầm thuốc cho thai phụ tại Trung tâm Y tế huyện Tân Phước. Cụ thể là bác sĩ kê toa thuốc Miproton 100mg dùng dưỡng thai nhưng dược sĩ lại phát nhầm thuốc Misoprostol 200mcg với mục đích phá thai.
Một trường hợp nhầm lẫn khác vào đầu năm 2014, bác sĩ ở Bệnh viện Bình Chánh (TP.HCM) đã ghi đơn thuốc nhầm cho bệnh nhân là Levetiracetam (thuốc chống động kinh) thay vì Piracetam (thuốc cải thiện chuyển hóa tế bào thần kinh, hỗ trợ hoạt động thần kinh trung ương) do tưởng rằng hai thuốc này tương tự.
Sự nhầm lẫn một loại thuốc này với một loại thuốc khác không những không mang lại hiệu quả mà còn sẽ gây hại cho bệnh nhân, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân nào thường gây ra sự nhầm lẫn thuốc?
Đó có thể là do chữ viết người kê đơn không rõ ràng, khó đọc; kiến thức về tên thuốc không đầy đủ; xuất hiện quá nhiều loại thuốc mới trên thị trường; các thuốc được đóng gói, bao bì tương tự nhau; liều, cách sử dụng, hàm lượng, tác dụng giống nhau.
Làm gì để giảm sự nhầm lẫn giữa các thuốc?
Cung ứng thuốc, lưu trữ và cấp phát thuốc
Khoa Dược nếu có thể, hạn chế mua các thuốc có bao bì đóng gói tương tự nhau. Thêm vào đó dùng các chữ cái in hoa để nhấn mạnh sự khác biệt các thuốc có cách đọc giống nhau.
Sử dụng các kí hiệu cảnh báo cho các thuốc có hình dạng giống nhau hoặc dán nhãn chú ý ở các vị trí đựng thuốc tương ứng. Đối với các thuốc có cách đọc giống nhau, tên riêng hay tên thương mại nên được thêm vào để phân biệt với các thuốc còn lại.
Khi cấp phát thuốc, các dược sĩ phải nhận diện thuốc nên dựa vào tên và hàm lượng thuốc chứ không được dựa vào hình dáng và vị trí để thuốc. Luôn kiểm tra liều thuốc trước khi cấp phát, đọc tên thuốc một cách kỹ lưỡng và kiểm tra trước khi cấp phát.
Kê đơn thuốc
Đối với bác sĩ, kê đơn thuốc cần rõ ràng dễ đọc; tên thuốc, liều dùng, cách dùng phải được ghi một cách cụ thể. Ngoài ra việc chẩn đoán cũng cần ghi rõ để có thể dự đoán được trong trường hợp tên thuốc ghi không rõ ràng.
Nếu có thể nên kê đơn bằng máy tính bằng chữ cái in hoa, hạn chế việc kê đơn bằng lời nói trừ những trường hợp thật sự khẩn cấp. Không những vậy, bác sĩ kê đơn nên nhấn mạnh cho bệnh nhân biết được tầm quan trọng của việc mua và sử dụng đúng các thuốc đã được kê đơn.
Sử dụng thuốc cho bệnh nhân
Đối với bệnh nhân các nhân viên y tế có nhiệm vụ cung cấp thông tin sau: hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân không chỉ bằng lời nói mà nên bổ sung bằng giấy, và giao tiếp rõ ràng với bệnh nhân, yêu cầu bệnh nhân lặp lại tên và liều thuốc để đảm bảo rằng bệnh nhân đã thực sự hiểu.
Việc cung cấp cho bệnh nhân đầy đủ thông tin về việc sử dụng thuốc một cách đúng đắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặm các sai sót sử dụng thuốc.
Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được khuyến khích học và nhớ các tên thuốc mà họ đang sử dụng.
Ngoài ra họ cần phải thông báo cho nhân viên y tế nếu phát hiện có sự xuất hiện của bất kì thuốc nào khác so với những thuốc thường được sử dụng.
Giám sát và quản lý
Dựa vào danh mục thuốc LASA, tất cả các khoa phòng cần phải xác định được các thuốc có nguy cơ gây ra nhầm lẫn cao, dễ gây sai sót trong dùng thuốc.
Danh mục các thuốc LASA được thông báo và cập nhật thường xuyên ít nhất mỗi năm một lần.
Triển khai việc báo cáo các trường hợp nhầm lẫn thuốc đã xảy ra và nguyên nhân gây ra sai sót đó.
Thông tin các thuốc LASA mới đến toàn bộ nhân viên trong bệnh viện và các khoa lâm sàng.
Đưa danh mục thuốc LASA lên website của bệnh viện.
Thường xuyên đánh giá và cải thiện hiệu quả các biện pháp chống nhầm thuốc.
Các khoa phòng cần phối hợp thực hiện và chia sẻ kinh nghiệm trong việc chống nhầm lẫn thuốc.