Một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đầu ngón tay phải tím tái, cánh tay hoàn toàn không thể cử động được nhưng vẫn tưởng là do đau xương khớp. Các bác sĩ đã phẫu thuật thành công, lấy ra đoạn huyết khối dài 20cm. Đây là trường hợp tắc động mạch cánh tay cấp do huyết khối có thể dẫn đến hoại tử, phải cắt bỏ tay. Các dấu hiệu ban đầu của bệnh thường dễ bị bỏ qua vì nhầm tưởng với bệnh của xương khớp.
Suýt mất cánh tay
Vào 22 giờ ngày 21/11, bệnh nhân (BN) D.T.C (sinh năm 1957, ngụ tại An Nghiệp, Cần Thơ) nhập viện tại Bệnh viện (BV) đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng tay đau, tê và lạnh, đầu ngón tay tím tái và cử động khó khăn, không thể nhấc tay lên được. Ngay lập tức, BN được các bác sĩ thăm khám, chỉ định chụp CT và siêu âm mạch máu. Hình chụp CT cho thấy phần động mạch bị tắc từ đoạn gần khớp vai đến hết cánh tay. Để cứu chi bị tắc, vào lúc 1 giờ sáng ngày 22/11, các bác sĩ đã thực hiện can thiệp động mạch, dùng ống thông đưa vào mạch máu tay phải bệnh nhân và lấy ra đoạn huyết khối dài hơn 20cm.
Đọan huyết khối lấy ra từ động mạch bệnh nhân
Theo Ths.BS. Trần Quốc Tuấn - khoa Ngoại Tim mạch, BV. Hoàn Mỹ Cửu Long: “Tắc động mạch cánh tay cấp do huyết khối là hiện tượng cục máu làm tắc động mạch, gây thiếu máu và có thể dẫn đến hoại tử, phải cắt bỏ tay. Các dấu hiệu ban đầu của bệnh thường vẫn được bỏ qua vì nhầm tưởng với bệnh của xương khớp. Việc chọn lựa phương pháp phẫu thuật cần dựa trên mức độ tổn thương mô do tắc động mạch, tình trạng tổn thương của hệ thống động mạch và nguyên nhân gây tắc mạch. Trong đó, việc can thiệp lấy khối tắc mạch bằng ống thông là phương pháp phẫu thuật đơn giản và hiệu quả nhất đối với bệnh chưa hoại tử chi”. Phương pháp này được đánh giá là nhẹ nhàng, ít xâm lấn, thực hiện trong khoảng 60 phút, bệnh nhân sau can thiệp nhanh hồi phục, tiết kiệm được thời gian nằm viện cho người bệnh.
BN cho hay, trước đó, do đang được điều trị rối loạn tiêu hóa và có tiền sử bị đái tháo đường (ĐTĐ) lâu năm, trưa ngày 21/11 khi tay bắt đầu bị tê và đau, từ từ mất cảm giác và xuất hiện các vết bầm, bà và người nhà vẫn nghĩ là cơn đau xương khớp kéo dài gặp phải do tác dụng phụ của thuốc nên chỉ giải quyết bằng cách ngâm tay trong nước nóng. Đến khuya, do cơn đau càng lúc càng dữ dội và cánh tay gần như không thể cử động được nữa, người nhà lập tức đưa BN vào nhập viện để điều trị. Sau phẫu thuật, hiện tại tay BN đã không còn đau nhức và hoạt động bình thường, sức khỏe và tinh thần hồi phục rất tốt.
Tắc động mạch cấp do huyết khối hình thành như thế nào?
Ths.BS. Trần Quốc Tuấn cho biết, tắc động mạch thường gặp nhất ở người lớn tuổi, người có bệnh ĐTĐ, BN van tim, người nghiện thuốc lá… Bệnh xảy ra do sự tắc nghẽn đột ngột lòng động mạch bởi cục máu đông hay một mảng xơ vữa, hậu quả là làm thiếu máu nuôi cấp tính phần chi mà động mạch đó nuôi dưỡng. Các mô khác nhau có khả năng chiụ đựng tình trạng thiếu máu khác nhau. Mô da và xương có khả năng chịu đựng lớn nhất. Mô thần kinh có khả năng chiụ đựng kém nhất. Mô cơ đứng ở vị trí trung gian. Trung bình sau 6 giờ bị thiếu máu, mô cơ sẽ bị hoại tử.
Hình chụp CT phần mạch máu bị tắc. Ảnh: BV
Bệnh thường có các triệu chứng ban đầu như: đau đột ngột và dữ dội ở chi bị tắc mạch, cảm giác tê và cảm giác như bị kiến bò, sau đó phần chi sẽ lạnh, trở nên nhợt nhạt… Nếu để lâu, phần chi bị tắc sẽ mất luôn cảm giác, xuất hiện những đốm tím rải rác do sự xuất huyết hoại tử ở vùng mô thiếu máu nuôi, mất mạch, giảm chức năng hoạt động, cơ yếu đi và sau đó sẽ bị liệt hoàn toàn.
BS. Tuấn cho hay: “Thời gian vàng trong điều trị bệnh tắc động mạch cấp là 6 tiếng đồng hồ. Sau 6 giờ vàng từ lúc bắt đầu tắc mạch, hiệu quả điều trị sẽ giảm đi. Nếu để tình trạng thiếu máu kéo dài có thể làm các mô chết đi, dẫn đến hoại tử phải cắt bỏ chi. Chính vì thế, người bệnh nên quan tâm đến những biểu hiện ban đầu của bệnh và nhanh chóng đến cơ sở y tế đáng tin cậy, đầy đủ trang thiết bị thực hiện cận lâm sàng để phát hiện và điều trị kịp thời”.