Nhàm chán và bế tắc, bạn hãy làm những điều sau để thay đổi tâm trạng

30-09-2022 06:30 | Sức khỏe tâm hồn
google news

SKĐS - Căng thẳng mỗi ngày một tăng sẽ khiến chúng ta mệt mỏi, bế tắc ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và chất lượng công việc. Hãy làm những điều sau để thay đổi tâm trạng.

Trên thực tế, không bao giờ có thể loại bỏ tất cả sự căng thẳng, nhưng chúng ta có thể quản lý nó bằng một số phương pháp phù hợp. Vậy mỗi khi gặp khó khăn, bạn hãy thử suy nghĩ theo những hướng tích cực này sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

1. Lắng nghe cơ thể để nhận biết cảm xúc của mình

Khi có sự kiện tiêu cực chắc chắn chúng ta sẽ buồn phiền, lo lắng, bế tắc…. điều này ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, học tập. Vậy nên hãy lắng nghe cơ thể của mình để nhận thức về cơ thể. Điều này giúp bạn nhận biết về sự di chuyển của các cơ – các cơ đang di chuyển đi đâu và như thế nào; cũng như hệ thống tiền đình - chịu trách nhiệm định hướng không gian, giúp bạn giữ thăng bằng cho đầu và cơ thể.

Nhận thức về cơ thể cũng liên quan đến những tín hiệu của cơ thể như đói, khát, mệt mỏi, hoặc các dấu hiệu phức tạp hơn, như cảm giác cô đơn, nhu cầu được yêu thương… để từ đó bạn xác định được bạn phải làm gì để giải quyết nhu cầu này.

Khi nhận thức được các dấu hiệu của cơ thể, bạn sẽ biết chính xác điều mình đang thực sự cần. Nghĩa là, có thể phân biệt các cảm giác mệt mỏi, đau khổ, buồn bã,... Hiểu được những điều cơ thể đang truyền đạt giúp bạn đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bản thân, từ đó sức khỏe và sự hài lòng về mặt cảm xúc được cải thiện.

Nhận thức về cơ thể đến từ việc cân bằng hệ thống tiền đình và cảm thụ, mang lại cho bạn cảm giác an toàn cả về cơ thể lẫn thế giới xung quanh, giúp cơ thể giảm lo lắng, phiền muộn, không còn cảm giác chóng mặt,..

Nhàm chán và bế tắc: Bạn hãy làm những điều sau để thay đổi tâm trạng - Ảnh 2.

Sự kỳ diệu của âm nhạc là có thể vực dậy tinh thần cho nhiều người ở nhiều thời điểm khác nhau.

2. Âm nhạc sẽ giúp bạn cải thiện tinh thần

Khi bế tắc, nhàm chán bạn hãy nghe nhạc để giúp cải thiện tâm trạng. Vì âm nhạc không chỉ mang đến cho những âm thanh, giai điệu... tuyệt hảo, mà nó còn vô cùng tốt cho sức khỏe con người.

Sự kỳ diệu của âm nhạc có thể khiến người đang buồn chán thành vui tươi, người đang mệt mỏi thành người tỉnh táo hay có thể vui buồn theo bản nhạc, vực dậy tinh thần cho nhiều người ở nhiều thời điểm khác nhau...

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy việc sử dụng âm nhạc trong trị bệnh luôn mang lại kết quả khả quan giúp bệnh nhân có thể bộc lộ cảm xúc, kiểm soát và giảm căng thẳng,.. tăng cường sức khỏe về mặt tinh thần, hỗ trợ tích cực cho quá trình giao tiếp.

Một số bệnh viện trên thế giới đang sử dụng liệu pháp âm nhạc đối với những người kém phát triển về tâm thần, người già suy giảm trí nhớ, người bị tổn thương não bộ, người nghiện rượu, mất khả năng học hỏi.

Các nghiên cứu về âm nhạc trị liệu của Mỹ đã tìm ra các bằng chứng thuyết phục cho thấy khi nghe nhạc có thể giảm hô hấp, nhịp tim và huyết áp khiến tâm trạng của bệnh nhân mắc bệnh tim mạch tốt hơn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác dụng chữa bệnh và xoa dịu của âm nhạc có được nhờ sự kích thích và hạn chế ba loại hormone làm giảm stress. Đây là lý do tại sao liệu pháp âm nhạc có thể giúp bạn tránh các tác hại của stress mạn tính.

3. Hãy dọn dẹp nhà cửa và quay lại làm những điều yêu thích

Do bế tắc, nhàm chán nên làm việc, học tập không hiệu quả, vì vậy bạn hãy đứng dậy làm việc nhà bằng cách dọn dẹp phòng ngủ, phòng làm việc hoặc căn nhà của bạn. Quá trình dọn dẹp sắp xếp, tổ chức lại những thứ trong cuộc sống của mình thực sự rất có tác dụng giúp thúc đẩy tâm trí thay đổi, làm mới mọi thứ... sẽ cải thiện tinh thần phần nào. Khi sắp xếp gọn gàng mọi thứ có thể xuất hiện các ý tưởng, cảm hứng mới…

Ngoài ra, nếu thấy nhàm chán và bế tắc hoặc chúng ta cảm thấy kiệt sức với những thứ mình đang làm, tốt nhất là nghỉ ngơi làm những điều mình thích để sốc lại tình thần.

Hoặc tốt hơn nên quay trở lại với những điều mình đã từng yêu thích như gặp gỡ bạn bè, đi xem phim, cắm hoa… điều này sẽ đưa lại cho chúng ta cảm thấy thoải mái, có niềm vui trở lại cuộc sống của mình. Đồng thời, nó cũng mang một dòng chảy tích cực quay trở lại và chúng ta cần phải duy trì một cảm xúc vui vẻ với những gì mình làm.

4. Nên luyện tập để tìm lại hứng thú

Gần như tất cả các bài tập thể dục, đặc biệt là những bài tập kết hợp với sự nhận thức có chủ đích đối với những bộ phận trên cơ thể đều giúp cải thiện tâm trạng. Vì vậy hãy luyện tập hằng ngày, có thể tập các bài tập thăng bằng, yoga, thái cực quyền, đi bộ,.. trong đó yêu thích bộ môn nào luyện tập bộ môn đó.

Lưu ý tập yoga là một trong những hình thức tập luyện quan đến việc liên kết hơi thở và chuyển động để kết nối cơ thể và tâm trí. Tập luyện yoga thường xuyên giúp giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm viêm,…

Ngoài ra, bạn nên dành thời gian từ 5-10 phút mỗi ngày để điều hòa hơi thở, lắng nghe nhu cầu thật sự của cơ thể để lối sống lành mạnh phù hợp với bản thân mình.

5. Nên yêu cầu sự giúp đỡ nếu thấy bế tắc không được giải quyết

Nếu nhàm chán, bế tắc kéo dài dẫn đến tình trạng stress ngày một nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn, đã đến lúc bạn cần sự giúp đỡ, sự can thiệp lớn hơn.

Các biểu hiện cần can thiệp bao gồm: thay đổi tâm trạng cực độ, cảm thấy tuyệt vọng, khóc không kiểm soát được, bộc phát cơn giận dữ, tự làm hại bản thân hoặc suy nghĩ tự làm hại bản thân, có ý nghĩ tự tử hoặc mong muốn làm hại người khác.

Bạn có thể tìm đến những người tin tưởng, bạn bè, người thân, hoặc bác sĩ tâm lý... mà bạn cảm thấy thoải mái khi nói chuyện, người có thể tâm sự cởi mở nhất và an toàn nhất để nhận được phương pháp chữa trị, loại bỏ sự căng thẳng một cách bài bản.

Tóm lại: Trong cuộc sống hiện đại có nhiều áp lực như hiện nay ai cũng có thể gặp những vấn đề khó khăn về tâm lý, về cuộc sống... Nhưng bạn hãy sẵn sàng đối phó để tìm ra các phương án tối ưu. Hãy chia sẻ khó khăn mà bạn gặp phải với những người xung quanh, người mà bạn tin tưởng để cùng nhau vượt được qua thử thách này.

Mời độc giả xem thêm video:

Sai lầm: Ăn quả thay rau vừa tăng cân vừa hại sức khỏe | SKĐS



BS. Phạm Thanh Phương
Ý kiến của bạn