Nhái nhãn thuốc, khổ người dùng?

23-05-2009 08:02 | Thời sự
google news

Mỗi loại thuốc có một tính năng tác dụng riêng, mang một nhãn mác, mẫu mã riêng và được các nhà sản xuất sản phẩm đăng ký sở hữu nhãn hiệu hàng hóa với cơ quan chức năng để lưu hành.

Mỗi loại thuốc có một tính năng tác dụng riêng, mang một nhãn mác, mẫu mã riêng và được các nhà sản xuất sản phẩm đăng ký sở hữu nhãn hiệu hàng hóa với cơ quan chức năng để lưu hành. Nhưng thực tế mẫu mã, nhãn mác một số loại thuốc hiện nay gần giống nhau, người tiêu dùng không chú ý thì khó phân biệt.

Loạn nhãn thuốc

Các loại thuốc tây được  các công ty, xí nghiệp dược phẩm khác nhau sản xuất ở trong nước, ở nước ngoài hoặc thuốc nước ngoài được ủy quyền sản xuất trong nước. Người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân cầm một đơn thuốc được thầy thuốc kê đơn mang đến hiệu thuốc để mua sẽ rất ngỡ ngàng khi đối diện với nhiều loại thuốc có nhãn mác, mẫu mã, hình thức, bao bì tương tự giống nhau của các nhà sản xuất. Dĩ nhiên giá cả các loại thuốc này cũng khác nhau.

Người tiêu dùng cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc để tránh mua phải thuốc nhái. 

Đơn cử thuốc chống đau mang nhãn hiệu dihatansic do Công ty cổ phần Dược Hà Tây sản xuất có tên và mẫu mã hộp thuốc gần giống với thuốc di-antalvic do labo Houdé của Pháp sản xuất; giá dihatansic 6.000 đồng/vỉ 10 viên và di-antalvic 10.000 đồng/vỉ 10 viên. Thuốc bổ phargington capsules có 9 hoạt chất cũng có tên và mẫu mã bao bì gần giống với thuốc pharmaton capsules có 23 hoạt chất do labo Boenringer Ingelheim của Switzerland sản xuất; giá phargington 8.000 đồng/vỉ 10 viên và pharmaton 40.000 đồng/vỉ 10 viên. Tương tự như vậy, thuốc bổ liptamin do Công ty cổ phần dược phẩm Nam Hà có 11 hoạt chất có mẫu mã bao bì gần giống với thuốc homtamin ginseng có 19 hoạt chất do labo Korea United Pharm của Hàn Quốc sản xuất; giá liptamin 850 đồng/viên và homtamin ginseng 1.500 đồng/viên.... 

Còn rất nhiều loại thuốc khác nữa cũng tương tự nhau về nhãn mác, mẫu mã, hình thức và bao bì; chưa nói đến chất lượng thuốc sản xuất. Dĩ nhiên, các loại thuốc có nhãn mác, mẫu mã, hình thức và bao bì sản xuất gần giống nhau đều có thành phần thuốc giống nhau, hoặc gần giống nhau có thêm hoặc bớt thành phần.

Sự nguy hại của việc nhái mẫu mã, nhãn mác

Việc nhái mẫu mã, nhãn mác của một số loại thuốc tây đã làm cho người tiêu dùng, cụ thể là bệnh nhân và người nhà người bệnh nếu không chú ý thì khó phân biệt khi mua tại các nhà thuốc, hiệu thuốc, quầy thuốc để sử dụng vì nếu nhìn thoáng qua trông gần giống nhau. Mặc dù có đơn thuốc của thầy thuốc kê đơn nhưng những người bán thuốc ở các nhà thuốc, hiệu thuốc, quầy thuốc chỉ cần có một vài ý kiến giải thích là người mua  sẵn sàng chấp nhận một cách dễ dàng. Một số thuốc mang đầy đủ thành phần với hàm lượng hoạt chất trong sản phẩm đúng như quy định của nhà sản xuất nhưng mẫu mã, nhãn mác bên ngoài trông gần giống với loại thuốc của nhà sản xuất khác. Việc làm này mang ý nghĩa như thế nào thì có lẽ nhà sản xuất thuốc mới biết được mục đích. Thực tế quy định, nếu nhà sản xuất nào sản xuất ra sản phẩm đầu tiên, đăng ký sở hữu chất lượng, nhãn mác, mẫu mã hàng hóa trước với cơ quan chức năng thì sản phẩm đó được công nhận hợp pháp, mang tính chất độc quyền sở hữu. Nếu những nhà sản xuất khác sau đó sản xuất ra sản phẩm tương tự nhưng cố tình mang nhãn mác, mẫu mã gần giống với sản phẩm của nhà sản xuất trước đó thì có thể nói là đã "nhái" nhãn mác, mẫu mã.

Việc nhái nhãn mác, mẫu mã thuốc tây gây nên sự nguy hại lớn trước hết cho người tiêu dùng. Mặc dù sự đáp ứng điều trị có thể có hiệu quả căn cứ vào hàm lượng hoạt chất có trong sản phẩm đã được giới thiệu nhưng chất lượng thuốc còn tùy thuộc vào quy trình công nghệ sản xuất của các công ty, xí nghiệp dược phẩm. Vấn đề này có ảnh hưởng đến kết quả điều trị từ chất lượng thuốc sản xuất. Ngoài ra, một nguy hại về kinh tế là người tiêu dùng có thể mua loại thuốc được sản xuất trong nước nhưng phải trả tiền theo giá thuốc nhập khẩu hoặc thuốc nước ngoài được ủy quyền sản xuất trong nước khi nhãn mác, mẫu mã trông gần giống nhau. Điều này có thể giúp người bán thuốc hoặc các nhà sản xuất thuốc thu được lợi nhuận bất hợp pháp từ việc nhái mẫu mã, nhãn mác. Có lẽ thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng khi mua thuốc bị nhái mẫu mã, nhãn mác là điều không thể tránh khỏi vì lấy thuốc giá thấp của loại thuốc này nhưng phải trả tiền cao của loại thuốc khác có nhãn mác, mẫu mã tương tự. Nhà sản xuất thuốc bị nhà sản xuất khác nhái nhãn mác, mẫu mã của mình cũng bị thiệt hại về kinh tế và vi phạm quyền sở hữu về nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký. Sự nguy hại của việc nhái nhãn mác, mẫu mã thuốc phòng bệnh, chữa bệnh là vấn đề cần được các nhà quản lý, các cấp có thẩm quyền đặc biệt quan tâm để hạn chế tình trạng này trên thị trường thuốc tây hiện nay.

Thay lời kết

Mặc dù Thông tư số 04/2008/TT-BYT ngày 12/05/2008 hướng dẫn của Bộ Y tế quy định khá rõ ràng về việc ghi nhãn mác, mẫu mã thuốc được sản xuất tại Việt Nam, thuốc nhập khẩu và thuốc nước ngoài được ủy quyền sản xuất trong nước nhưng trên thực tế vẫn tồn tại một số loại thuốc có mẫu mã, nhãn mác gần giống nhau. Thực tế hiện nay, định kỳ hằng tuần, hằng tháng, các cơ quan kiểm nghiệm thuốc đã tham mưu cho Bộ Y tế, Sở Y tế địa phương ban hành quyết định thu hồi những loại thuốc giả, thuốc kém phẩm chất lưu hành trên thị trường mà trước đó đã được cấp phép sản xuất và lưu thông. Thiết nghĩ rằng nhãn mác, mẫu mã thuốc cũng cần có sự quan tâm của các cấp quản lý có thẩm quyền để hạn chế tình trạng nhái nhãn hiệu hàng hóa đã có quyền sở hữu.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
(Giám đốc Trung tâm PCSR-KST-CT Thừa Thiên Huế)

Ý kiến của bạn