Trong khi nhạc trẻ vẫn đang loay hoay tìm đường, nhiều ca sĩ đã nhanh chóng chuyển hướng sang hát nhạc xưa như một cách khẳng định thực lực và kỹ thuật. Ghi nhận sự táo bạo, dám thử sức với những ca khúc “khó”, tuy nhiên không phải ca sĩ nào cũng thành công và được đón nhận với tư cách hát hay nhạc xưa.
Lối cũ ta về
Điểm mặt những album mới trong thời gian gần đây, khán giả có dịp nghe lại những bản tình ca đậm chất tự sự vang bóng một thời. Bất chấp sự kén người nghe của dòng nhạc trữ tình, nhiều ca sĩ vẫn quyết định gây bất ngờ bằng cách ra album nhạc xưa và thể hiện lại các ca khúc nhạc xưa trên sân khấu. Những cái tên như Đức Tuấn, Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Lê Hiếu được khán giả công nhận là hát nhạc xưa có "chất". Để hát tốt dòng nhạc khó này, ca sĩ phải đạt đến một “tầm”, trải nghiệm trong nghề nghiệp và nhất là phải thực sự “sống” với tinh thần ca khúc.
![]() Bìa album Người yêu tôi khóc của Lam Trường. |
Được nghe lại những ca khúc nhạc xưa với cách phối đầy hiện đại cũng là một trải nghiệm mới mẻ của khán giả. Điều đó cũng tăng thêm giá trị của ca khúc. Một ca khúc hay sẽ được lựa chọn nhiều và không bị thời gian đưa vào quên lãng. Việc ca sĩ lựa chọn nhạc xưa cũng là một cách gián tiếp đặt câu hỏi về vị trí độc tôn mà nhạc trẻ vẫn xưng tụng.
Chất lượng chưa đồng đều
Những album nhạc xưa mới nhất có thể kể đến là Anh còn nợ em của Đàm Vĩnh Hưng, Ân mưa của Nguyễn Hồng Ân, Người yêu tôi khóc của Lam Trường.
Gồm 10 ca khúc đậm chất tự sự của các nhạc sĩ Anh Bằng, Lê Quang, Nguyễn Kim Tuấn, Nguyễn Hồng Thuận, Quốc Vũ, Lâm Thái Hiền, Phạm Khánh Hưng…, album Anh còn nợ em của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng được giới thiệu không chỉ có tính tiếp nối trong mạch âm nhạc trữ tình lãng mạn của một thời kỉ niệm mà còn mở ra không gian trữ tình của hơi thở cuộc sống hôm nay thông qua những ca khúc vang bóng một thời bên cạnh các tác phẩm mới. Đàm Vĩnh Hưng đã chấp nhận mạo hiểm khi thể hiện lại những ca khúc Anh còn nợ em, Nhớ nhau lần cuối, Biển cạn, Như đã yêu người... từng khiến bao thế hệ khán giả say mê. Chưa thể vượt qua cái bóng của các ca sĩ thể hiện trước đó, nhưng ít ra Mr Đàm đã thổi một làn gió mới vào những ca khúc xưa, bằng chất giọng lạ và ám ảnh của mình.
Người yêu tôi khóc của Lam Trường được giới thiệu là album nhạc xưa đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của Lam Trường. Album gồm 10 ca khúc quen thuộc như Người yêu tôi khóc, Tôi đi giữa hoàng hôn, Ai về sông Tương... được hòa âm theo phong cách hiện đại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các ca khúc trong Người yêu tôi khóc còn chạy dài mới theo kịp những Khánh Hà, Xuân Phú, Kiều Nga…Chất giọng yếu và hơi cứng của Lam Trường đã không thể khai thác “chất” của những ca khúc nhạc xưa day dứt, lãng mạn, có chút u uẩn.
Có chất giọng tốt, thể hiện tròn trịa các tình khúc vượt thời gian nhưng Trần Hồng Ân vẫn chưa tạo được dấu ấn riêng sau một thời gian thử sức với dòng nhạc trữ tình. Vậy mới biết được ngoài kỹ thuật thanh nhạc, việc nắm bắt cảm xúc bài hát cũng là điều mà ca sĩ cần thuộc lòng. Tuy nhiên, những dấn thân dũng cảm và có đầu tư kỹ lưỡng vẫn được khán giả trân trọng và đón nhận.
Rõ ràng nhạc xưa là một địa hạt không dễ bước vào. Biết mình biết ta, tự lượng sức mình vẫn chưa bao giờ là muộn với những ca sĩ muốn theo đuổi con đường ca hát lâu dài.
Hạnh Dung