Cho đến nay, thực tế phản ánh vẫn có các ca khúc mới hướng tới những em nhỏ được ra đời, song để chọn ra được tác phẩm nổi bật, có phần nhạc và lời giàu giá trị nghệ thuật thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những ca khúc được đánh giá là mới, hay và phù hợp với các em như Chuồn chuồn cắn rốn (Nguyễn Ngọc Thiện) hoặc Em muốn làm ca sĩ (Thanh Tùng) thật sự không nhiều.
Đến nay, nhiều ca khúc được các em nhỏ nhớ và hay hát nhất lại là sáng tác đã ra đời cách đây vài chục năm. Có thể kể ra đây nhiều nhạc phẩm đã sống cùng tuổi thơ nhiều thế hệ, đến nay vẫn được các em nhỏ yêu thích như: Ðưa cơm cho mẹ đi cày (Hàn Ngọc Bích), Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ (Phạm Tuyên), Tuổi hồng (Trương Quang Lục), Bụi phấn (Võ Hoàng), Cánh én tuổi thơ (Phạm Tuyên)... Còn nhạc sĩ Xuân Giao, ông cũng có những ca khúc được thiếu nhi yêu thích như: Em mơ gặp Bác Hồ, Cháu yêu bà, Múa cho mẹ xem. Việc thiếu ca khúc cho thiếu nhi cũng phản ánh, hiện nay chúng ta không có nhiều tác giả giỏi viết nhạc cho các em, tạo ra sân chơi lành mạnh và lấp vào khoảng trống cho mảng âm nhạc thiếu nhi. Đến nay, nói về sáng tác cho thiếu nhi thì ai cũng biết đến những cây đại thụ như Phạm Tuyên, Hoàng Lân, Hoàng Long, Phong Nhã, Hàn Ngọc Bích, Xuân Giao... chứ chưa thấy tác giả mới.
Hai bạn nhỏ này từng thể hiện ca khúc Thương nhau lý tơ hồng - ca khúc người lớn trên sân khấu Giọng hát Việt nhí.
Có lẽ, việc thiếu ca khúc hay cho các em dẫn đến việc nhiều chương trình ca nhạc dành cho tuổi nhỏ như Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids) để thí sinh hát bài người lớn. Chúng ta từng thấy cậu bé Hữu Đại đứng trên sân khấu cất cao giọng hát Vết chân tròn trên cát của Trần Tiến với phần lời “Bài hát có trận đấu không quên bên đồi/ Bài hát có người lính biên cương xa mẹ...”. Ở độ tuổi mới 8-10 tuổi như Hữu Đại thì liệu rằng có hiểu hết ý nghĩa, nội dung lời hát đó. Cũng có nhiều thí sinh nhí từng chọn nhạc Trịnh để tham gia thi thố, nhưng với phần lời “Xin cho mây che đủ phận người/ Xin cho tôi một sáng trời vui/ Xin cho tôi đến tận nụ cười/ Cho tôi quên một nấm mộ tươi...” (Xin cho tôi - Trịnh Công Sơn) thì các em chỉ làm tròn phần khoe giọng, chứ về bề sâu mà tác giả muốn gửi gắm các em không thể hiểu được.
Khi xem phần trình diễn ca khúc Màu hoa đỏ (Thuận Yến), nhiều bậc phụ huynh cho rằng, những thí sinh nhí hiểu làm được tận chiều sâu cũng như hoàn cảnh ra đời của câu hát “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/ Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về”. Thậm chí, trong chương trình Đồ Rê Mí, khá nhiều lần chúng ta chứng kiến các em nhỏ “già trước tuổi” khi hát Hò trên núi, Huế tình yêu của tôi... như một “robot” không hề cảm xúc. Gần đây nhất là trong chương trình Người hùng tí hon - một gameshow dành cho các bé từ 4-13 tuổi lại có một cô bé 9 tuổi “gồng mình” hát Tàu anh qua núi của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, Ngẫu hứng lý ngựa ô của Trần Tiến... Đây được xem là một nỗi lo hiển hiện bởi lứa tuổi măng non đang bị ép “trưởng thành sớm”.
Đấy là chưa kể các em nhỏ chọn cả nhạc nước ngoài để thể hiện, dù rằng kho tàng âm nhạc không thiếu, song đã cũ, đã quen tai và thuộc nằm lòng mọi người nên khó có thể chinh phục được số đông. Trong khi đó thường ngày, ta không khó bắt gặp một đứa trẻ nghêu ngao hát bài Vợ người ta của anh chàng Phan Mạnh Quỳnh với những ngôn từ về tình yêu, về sự chia ly và đôi chút sến thì dễ làm tâm hồn trong trắng của các em bị “ô nhiễm”.
Một nhạc sĩ tham gia hướng dẫn cho thí sinh nhí của Giọng hát Việt nhí từng cho rằng, nhạc Việt có quá ít bài hát cho tuổi nhỏ nên khi làm người hướng dẫn các em thi trên sân khấu đành phải chọn bài hát về tình yêu quê hương đất nước, dù các bài hát ấy xưa nay vốn được người lớn hát.
Ban Tổ chức chương trình Giọng hát Việt Nhí từng phát động cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi nhưng nửa năm sau chỉ nhận được 49 tác phẩm của 12 tác giả, nhưng cũng không được sử dụng trong chương trình vì không đạt yêu cầu. Điều này cũng tương tự với chia sẻ của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khi ông cho rằng, trong mỗi kỳ giải thưởng của Hội nghề nghiệp, hội đều rất buồn khi thật khó để tìm ra ca khúc thiếu nhi đạt yêu cầu, chứ không nói đến hay và xuất sắc.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Song, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, cái khó hiện nay đó là thế hệ thiếu nhi hiện nay đã khác xưa, nếu vẫn viết theo lối nhẹ nhàng, chậm rãi, giản đơn... như trước sẽ không còn được trẻ tiếp nhận.