Nhạc trẻ thời hội nhập: Tây hóa có đáng lo?

26-11-2021 07:31 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhạc trẻ Việt (Vpop) phát triển mạnh nhưng một thực tế đã, đang diễn ra là sự lai căng, Tây hóa từ ca khúc đến nghệ danh của nghệ sĩ.

Nghệ thuật sân khấu cần gì để... sống?Nghệ thuật sân khấu cần gì để... sống?

SKĐS - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Thúy Mùi đã chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức và tồn tại của nghệ thuật sân khấu nước nhà tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Từ nghệ danh tây hóa trong nhạc trẻ

Du nhập, hội nhập âm nhạc là xu hướng tất yếu trong thời đại mới. Tuy nhiên, bên cạnh những ca khúc có giá trị thẩm mỹ, đậm chất Việt thì Vpop có không ít tác phẩm, nghệ sĩ tìm đến nhạc ngoại, lấy nghệ danh kiểu Tây hoặc viết lời ca khúc nửa tây nửa ta.

Mặc dù là ca sĩ người Việt, sinh ra và lớn lên trên đất nước hình chữ S, song dễ dàng bắt gặp trong nhạc trẻ những ca sĩ nổi tiếng với nghệ danh rất Tây: Min, Erik, Karik, Mr Siro, Mr A, Only C, Orange, Justa Tee, Isaac, Will, Chi Pu, Rhymastic, Touliver, Mew Amazing, Jack, Tim...

Nhạc trẻ thời hội nhập: Tây hóa có đáng lo? - Ảnh 2.

Bùi Lan Hương, nữ ca sĩ không dùng nghệ danh Tây nhưng cô rất thành công với những ca khúc nhạc phim, giọng hát đầy ma mị được giới chuyên môn đánh giá cao, khán giả yêu thích.

Nhóm nhạc của ca sĩ trẻ ở nước ta cũng vậy, nếu họ không hát tiếng Việt, nói tiếng Việt thì khán giả có thể nhầm lẫn với tên gọi của nhiều band đình đám của châu Á. Có thể kể đến nhóm Uni5, Monstar, Zero 9, Her, G.A.S, The Air, Lime, Lip B, The zoo… Không nửa ta nửa Tây như Noo Phước Thịnh, Lou Hoàng, Soobin Hoàng Sơn, Angela Phương Trinh, Hamlet Trương, Akira Phan…

Nhiều ca sĩ lựa chọn nghệ danh kể trên vì họ muốn chiều lòng khán giả trẻ, để khi được nhắc đến là công chúng nhớ đến ngay cá tính âm nhạc, những bản hit của họ. Nói cách khác, các ca sĩ trẻ chọn nghệ danh Tây để "định vị thương hiệu", theo sự hội nhập. Bên cạnh đó, một số chọn nghệ danh Tây một chút để cho sang chảnh, thời thượng hoặc nghệ danh có thể gắn liền với một kỷ niệm của họ.

Song ở nhạc trẻ, kể cả thế hệ thuộc lớp anh chị hoặc mới nổi gần đây, nhiều người để tên "cúng cơm" hoặc lấy nghệ danh thuần Việt nhưng nhắc đến tên là khán giả biết đến ngay. Đó là ca sĩ: Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Đàm Vĩnh Hưng, Lam Trường, Đan Trường, Thái Thùy Linh, Minh Quân, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần, Tùng Dương, Hà Lê, Mỹ Tâm, Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà, Thanh Lam, Tóc Tiên, Bích Phương, Đông Nhi, Bùi Lan Hương, Phan Mạnh Quỳnh

Nhạc trẻ thời hội nhập: Tây hóa có đáng lo? - Ảnh 3.

Bức Tường từng đổi tên nhóm vài lần sang "The Wall" nhưng sau đó trở về nguyên bản tiếng Việt là Bức Tường.

Ít ai biết, ngày đầu mới thành lập, ban nhạc rock Bức Tường từng lấy tên nhóm theo tiếng Anh là "The Wall", nhưng sau đó các chàng trai đã trở về tên thuần Việt là Bức Tường đến tận hôm nay. Dù The Wall dịch ra tiếng Việt là Bức Tường, nhưng nếu nhắc The Wall nhiều người sẽ dễ lẫn với nhóm nào đó ở trời Tây. Ngược lại, nói Bức Tường, công chúng nhớ đến ngay một ban nhạc Rock Việt đầy cá tính, nhiều nghệ sĩ tài năng và đầy sáng tạo.

Nhạc sĩ Thanh Bùi chia sẻ, anh chỉ đảo tên lên trước họ để phù hợp với cách gọi của người nước ngoài, "tôi không lai ghép nghệ danh nước ngoài vì luôn muốn xuất hiện với cái tên Việt của mình, để mọi người luôn biết rằng mình là người Việt Nam".

Đến lời song ngữ

Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu từng đánh giá, thời bình lại là lúc đời sống âm nhạc gặp nhiều sóng gió hơn cả. Liên tiếp du nhập các loại nhạc giải trí pop, rock, blues, jazz, R&B, Rap, hip hop. Nhạc Việt nương theo âm điệu nhạc Tây, rồi lại Hoa, Hàn, UK…Nghệ nhân hát xẩm Mai Tuyết Hoa cũng tỏ ra lo lắng, một bộ phận rất lớn thanh thiếu niên từ chỗ không hiểu hết giá trị của âm nhạc truyền thống dẫn đến tôn sùng âm nhạc thương mại, sính nhạc Tây, nhạc Hàn.

Nhạc trẻ thời hội nhập: Tây hóa có đáng lo? - Ảnh 4.

Đa số các phần trình diễn của thí sinh ở Rap Việt đều có sự xuất hiện giữa tiếng Việt và tiếng Anh.

Thực tế đời sống nhạc trẻ thời gian qua không chỉ dừng lại chuyện nghệ danh kể trên, Vpop xuất hiện không ít ca khúc được trộn giữa tiếng Anh với tiếng Việt. Tình trạng này dễ thấy nhất ở nhạc rap, hầu hết các bản rap của các rapper ở nước ta đều "đá" thêm tiếng nước ngoài kèm tiếng Việt.

Như chương trình Rap Việt, nếu nhà sản xuất không có phần chữ phụ đề ở góc màn hình gắn với các phần trình diễn của thí sinh, khán giả khó lòng biết được người đứng trên sân khấu đang hát ngôn ngữ quốc gia nào vì rap sẵn sự sôi động, âm nhạc tiết tấu nhanh mà bản rap thường kèm cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Nhiều bản hit của Vpop cũng "tây chen ta" loạn xạ. Ca khúc Mất em có lời: Nếu khi xưa anh không là bạn thân để nói yêu em/ Thì hôm nay I won’t crying for you/ Thì hôm nay I won’t missing for you/Baby I love you I waiting for you. Bản nhạc Gần bên anh thì Stand by me, bao ngày qua bên anh, là ánh nắng mang nụ cười trong mắt em/ Together make it love, Forever make it your smile/ Nụ cười ấy trong lòng anh mãi không phai

Nhạc trẻ thời hội nhập: Tây hóa có đáng lo? - Ảnh 5.

Nam Cường, ca sĩ thể hiện thành công nhất bản hit Bay giữa ngân hà.

Không cần thêm một ai nữa cũng khiến nhiều người nghe đi nghe lại mới rõ lời: Why it's me? Làm sao đây? Tell me... Khi tất cả yêu thương sau lưng chỉ là dối trá/ I can't suffer unpredictable things you did to me. Bản nhạc do Bảo Thy thể hiện có tên Please tell me why cũng làm nhức tai người nghe với ca từ: Please tell me why? Sao em ra đi không một lời nói? Please tell me why? Con tim anh không sao quên được người, Please tell me why? Cho anh hay sao em lại đành nói... Thậm chí, Chạm đáy nỗi đau của Mr Siro gồm tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc.

Việc dùng một số câu từ tiếng Anh trong các ca khúc của nghệ sĩ Việt cho thấy xu thế hội nhập văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng và các nghệ sĩ cũng muốn tiếp cận thị trường quốc tế. Nhưng tiếng Việt rất phong phú và trên thực tế, nhiều bài hát của nghệ sĩ Việt bằng tiếng mẹ đẻ thời gian qua vẫn được giới trẻ yêu thích. Thậm chí 4 ca khúc gần đây của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung không có một từ tiếng Anh gồm: Vầng trăng khóc, Đêm trăng tình yêu, Bay giữa ngân hà Chiếc khăn gió ấm đã được đối tác ở Trung Quốc mua bản quyền để phát hành ở đất nước họ.

Nghệ sĩ trẻ sáng tác ca khúc có lời nửa tây nửa ta không ai cấm nếu lời bài hát không vi phạm thuần phong mỹ tục, phản cảm. Tuy nhiên, cố NSND Trung Kiên từng thẳng thắn cho biết không nghe ca khúc nửa tiếng Việt nửa tiếng nước ngoài vì làm gì thì làm cũng phải giữ ngôn ngữ của đất nước mình.

Cần định hướng thẩm mỹ cho cả người sáng tác lẫn khán giả

Khi còn đương chức Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam hiện tại) nhấn mạnh, việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ cần được quan tâm, chú trọng. Từ đó góp phần để mọi đối tượng có thể thưởng thức các loại hình âm nhạc khác nhau trong môi trường âm nhạc lành mạnh, bổ ích, loại trừ những "thị hiếu" lai căng, bắt chước tùy tiện, dễ dãi cả trong việc sáng tác, biểu diễn và hưởng thụ âm nhạc.

Để đẩy lùi những mảng tiêu cực trong sáng tác ca khúc, góp phần định hướng, nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm cho rằng chúng ta cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức sáng tác, âm nhạc truyền thống, đặc biệt chú ý đến các ca sĩ, nhạc sĩ chưa được đào tạo qua trường lớp.

Đề kháng thế nào trước sự "xâm lăng văn hóa" thời 4.0?Đề kháng thế nào trước sự 'xâm lăng văn hóa' thời 4.0?

SKĐS - Để xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam... đồng thời tăng cường sức đề kháng trước sự xâm lăng văn hóa, việc xã hội hóa văn học nghệ thuật là tất yếu.


Quỳnh Hoa
Ý kiến của bạn