Tôi quen thân với giáo sư Trần Văn Khê đã lâu và coi ông là một nhạc sĩ hàng đầu về âm nhạc dân tộc Việt Nam, nhưng giáo sư Nguyễn Thuyết Phong lại nói với tôi rằng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo mới là tài năng số một trong làng âm nhạc dân tộc, người có công góp phần vinh danh đờn ca tài tử lên UNESCO... Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong còn đề nghị tôi nên trao giải thưởng Đào Tấn cho nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Qua tìm hiểu về nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, đến cuối năm 2005 Hội đồng giải thưởng Đào Tấn quyết định trao giải cho nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, đồng thời trao cả cho giáo sư Trần Văn Khê. Lễ trao giải được tổ chức tại Khách sạn Sài Gòn. Trong Lễ vinh danh đó, nhạc sĩ Vũ Mão - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, đồng Chủ tịch giải Đào Tấn cùng trao giải cho hai cây đại thụ âm nhạc dân tộc.
Dù tuổi cao, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn say mê âm nhạc dân tộc.
Hôm đó, tôi thấy cả gia đình nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo có mặt và rất hân hoan, vinh dự... Sau lễ trao giải Đào Tấn, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đưa tôi tới thăm nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo tại nhà riêng của ông nên tôi mới thực “mục sở thị” người nhạc sĩ cao niên này sống và hành nghề như thế nào. Sau khi ông giới thiệu sơ lược về không gian âm nhạc của mình trong thư phòng và nói về cách sống để có sức khỏe và cách dạy đàn của ông qua internet như thế nào, rồi ông ôm đàn gảy. Cây đàn tranh do ông cải tiến vang lên những âm thanh kỳ diệu, đặc biệt là những ngón đàn rung, nhấn, vuốt của đôi bàn tay già nua nhưng lại uyển chuyển như đang ở độ thanh xuân. Tiếng đàn “Trong như tiếng hạc bay qua/Đục như nước suối mới sa nửa vời...” quả là danh bất hư truyền. Nhà thơ, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ hôm đó cũng có mặt cứ tấm tắc khen ngón đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và hứa sẽ viết sách về ông. Hôm đó tôi tặng nhạc sư Vĩnh Bảo nửa cân chè Thái Nguyên mang từ Hà Nội vào, nhạc sư vui vẻ nhận và nói: “Đây là lần đầu tiên tôi thấy loại chè đặc biệt nổi tiếng ở xứ Bắc. Tôi sẽ uống để thức mà dạy đàn cho môn sinh ở trong và ngoài nước”.
Hôm ra mắt cơ quan đại diện Tạp chí Văn hiến Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, tôi mời nhạc sư Vĩnh Bảo tới dự và biểu diễn. Tuy đang mệt, nhưng ông vẫn mang đàn tới dự và biểu diễn rất hay. Một điều kỳ lạ nữa là khi nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa đàn hát những bài xẩm lạ lẫm theo nhạc Bắc thì nhạc sư Vĩnh Bảo lập tức hòa tấu đàn tranh theo giọng Nam rất khớp, khiến các nhạc sĩ Nguyễn Thuyết Phong, Văn Minh Hương có mặt tại đó phải khâm phục. Một lần khác, chúng tôi tổ chức Hội thảo về văn hóa giao thông cũng tại TP. Hồ Chí Minh, tôi lại mời nhạc sư Vĩnh Bảo đến dự. Vì quý tôi nên ông nhận lời đến một hội thảo không liên quan gì tới âm nhạc. Ông lại nhờ con trai đưa tới cùng với cây đàn tranh như vật bất ly thân... Sau khi phát biểu ủng hộ dự án văn hóa giao thông, ông lại ôm cây đàn thập lục gảy lên những khúc nhạc mê hồn. Hàng trăm người mến phục một ông già 90 tuổi mà nói vẫn hăng và đàn cũng hay...
Vì ở cách xa, người Sài Gòn, kẻ Hà Nội, nên khó gặp nhau, nhưng thỉnh thoảng nhạc sư Vĩnh Bảo lại gọi điện thoại cho tôi, tâm sự về thực trạng nhạc dân tộc; ông nói nhiều về đàn ca tài tử và tỏ ra không đồng tình một vài chỗ trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong lễ UNESCO tôn vinh Đàn ca tài tử tại TP. Hồ Chí Minh. Tôi hỏi ông vì sao không trực tiếp góp ý kiến cho Ban Tổ chức trước khi Thủ tướng đọc? Ông trả lời: “Họ có hỏi đâu mà nói! Thậm chí họ mời nhạc sư Vĩnh Bảo tới dự nhưng chẳng thèm giới thiệu, nên ngồi một lúc là tôi về!”. Qua câu chuyện của ông, tôi càng thấy rõ tính cách của một người nghệ sĩ tài hoa đã từng lang bạt tung hoành khắp nơi trong và ngoài nước, lại khí khái hơn người, cũng như ông không đồng tình câu “Trần Văn Khê và Nguyễn Vĩnh Bảo là tri âm tri kỷ”, đó là cá tính của nhạc sư Vĩnh Bảo. Nhớ lại cách đây gần chục năm, một hôm giáo sư Nguyễn Thuyết Phong gọi điện khẩn cấp nhờ tôi cứu nhạc sư Vĩnh Bảo. GS. Phong nói: “Nhạc sư Vĩnh Bảo bị vỡ mạch máu não hôn mê đã đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng ở đó không đủ phương tiện kỹ thuật cao, chỉ có bệnh viện 5 sao Vũ Anh mới chữa được nhưng nghèo như nhạc sư Vĩnh Bảo thì lấy tiền đâu mà điều trị ở đó! Vậy nhờ anh Hoàng Chương can thiệp giúp để cứu một nhạc sư nổi tiếng. Tôi liền gọi điện cho bác sĩ chính Bệnh viện Vũ Anh, tha thiết nhờ cấp cứu một nhạc sĩ, cây đại thụ âm nhạc dân tộc. Mấy ngày sau, từ bệnh viện, nhạc sư Vĩnh Bảo gọi điện thoại cho tôi giọng còn yếu nhưng rất vui: “Tôi sống được rồi! Cảm ơn Giáo sư, người ân nhân của tôi”. Sau trận ốm nguy kịch này, sức khỏe của nhạc sư Vĩnh Bảo trở lại bình thường, ông lại tiếp tục dạy nhạc và ông rất vui khi Thanh Thúy (con gái tôi) ở VTV đến làm chương trình về nhạc sư cao niên sống vui, sống khỏe. Chương trình này đã phát nhiều lần. Gần đây ông gọi điện cho tôi than phiền về quyển hồi ký của ông: “Nguyễn Vĩnh Bảo, những giai điệu cuộc đời” do người chủ nhiệm, người thực hiện có nhiều sai sót, kể cả những chuyện ông được trao giải Đào Tấn, chuyện ông được cứu sống ở Bệnh viện Vũ Anh đều không được nhắc tới, trong khi ông coi đây là dấu ấn trong cuộc đời ông.
Nhân nhắc đến chuyện giải Đào Tấn, tôi nhớ, hôm đến thăm nhạc sư Vĩnh Bảo tại nhà riêng của ông thấy ông treo giải Đào Tấn ở một vị trí trang trọng, bên cạnh là Huy chương Bắc Đẩu Bội tinh của Bộ trưởng Văn hóa Pháp và gần đây là ông được trao giải Phan Chu Trinh. Tuy cả ba giải đều là giải thưởng danh giá mà không phải nhạc sĩ nào cũng có được, nhưng nhạc sư Vĩnh Bảo lại tỏ ra rất thích giải Đào Tấn vì ông cho rằng Đào Tấn là ông tổ nghệ thuật tuồng cũng là tổ nghệ thuật dân tộc nói chung nên ông luôn tôn thờ...
Năm nay nhạc sư Vĩnh Bảo đã ở tuổi 99 rồi, nên sức khỏe cũng yếu dần theo quy luật thời gian bào mòn con người. Vì vậy mà tôi nhiều lần mời ông ra Hà Nội để tổ chức tôn vinh ông - một nhạc sư âm nhạc dân tộc hàng đầu và cũng là một nhạc sĩ có tuổi thọ cao nhất từ trước tới nay trong làng nghệ thuật âm nhạc Việt Nam nhưng ông từ chối, có lẽ vì sức khỏe của ông không bảo đảm, hay là vì lý do nào khác mà ông không nói ra, ví dụ như vấn đề tài chính?
Mới cách đây hai tuần, con gái của ông điện thoại cho tôi báo rằng ông đang mổ mắt tại bệnh viện, mổ xong rồi nhưng bác sĩ bảo phải nằm tiếp ở bệnh viện mười ngày nữa để tiếp tục chữa trị vì đây là ca mổ đặc biệt nhưng lấy đâu ra tiền để trả viện phí mỗi ngày mấy triệu đồng? Nhờ giáo sư can thiệp để giảm phí được không? Tôi băn khoăn trả lời: “Bệnh viện này tôi không quen nên không làm gì được! Gia đình chị có thể viết thư cho Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, người rất quý văn nghệ sĩ, may ra Bí thư có thể giúp đỡ...?.
Từ đó đến nay, tôi không nhận được tin từ gia đình nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, nhưng tôi tin rằng những khó khăn của nhạc sư Vĩnh Bảo có thể vượt qua, bởi ông là một tài năng đích thực mà nói như Lênin: “Tài năng là của hiếm, cần phải quan tâm và quan tâm một cách tế nhị”.
Chúng tôi đang có kế hoạch tôn vinh nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo khi ông bước sang tuổi bách niên trong năm 2017.
Hà Nội, 20/7/2016