Nhạc sĩ Văn Dung của ‘Đường Trường Sơn xe anh qua’ qua đời

09-03-2022 14:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cha đẻ ca khúc nổi tiếng ‘Đường Trường Sơn xe anh qua’, nhạc sĩ Văn Dung vừa qua đời, hưởng thọ 86 tuổi.

Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng mắc bệnh tim bẩm sinh, mãi trong ký ức người ở lạiĐạo diễn Vũ Ngọc Phượng mắc bệnh tim bẩm sinh, mãi trong ký ức người ở lại

SKĐS - Sự ra đi của đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Phượng làm nhiều khán giả, đồng nghiệp vô cùng đau xót. Với nhiều người, anh sẽ còn mãi ở lại trong ký ức.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường xác nhận, nhạc sĩ Văn Dung qua đời lúc 20 giờ 23 phút ngày 8/3, tại Hà Nội. Ông là một trong những nhạc sĩ gạo cội, có đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam với nhiều ca khúc nổi tiếng.

Nhạc sĩ Văn Dung ‘tay ngang’ để lại dấu ấn trong sáng tác nhạc

Nhạc sĩ Văn Dung đến với sáng tác âm nhạc một cách tình cờ. Ông tốt nghiệp trường báo chí Trung ương (Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc), sau đó cuối năm 1960 ông về công tác tại Ban Công nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Theo yêu cầu của công việc thời điểm đó, Văn Dung làm biên tập viên âm nhạc của Đài.

Nhạc sĩ Văn Dung của ‘Đường Trường Sơn xe anh qua’ qua đời - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Văn Dung (1936 - 2022).

Nhạc sĩ Văn Dung sinh ngày 15/1/1936, nguyên trưởng phòng Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội. Với những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam thông qua nhiều ca khúc nổi tiếng, nhạc sĩ Văn Dung đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 2001.

Không được đào tạo chính quy về âm nhạc nhưng sẵn thông minh, ham học hỏi, đam mê âm nhạc, Văn Dung đã tự học trên sách vở bằng tiếng Pháp, tiếng Việt và học ngay với cả những nhạc sĩ đàn anh lúc đó công tác tại Đài TNVN như Hồ Bắc, Hoàng Vân, Lưu Cầu, Phạm Tuyên... để đến với âm nhạc. Sau đó, nhạc sĩ Văn Dung có nhiều chuyến đi thực tế tới các công trường xây dựng trên những tuyến lửa ở miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình...và cho ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng.

Ca khúc Đường Trường Sơn xe anh qua, một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Dung, qua sự thể hiện của nghệ sĩ Hồng Liên và tốp nữ.

Trong những năm 1965 đến 1971, nhạc sĩ Văn Dung đã có dịp đi thực tế sáng tác ở Khe Sanh, Trường Sơn, Đường 9 Nam Lào. Trải nghiệm từ thực tế, nhạc sĩ Văn Dung đã viết nên nhiều ca khúc nổi tiếng như Giải phóng quân ta ra đi (1965), Tiến về Khe Sanh (1968), Đường Trường Sơn xe anh qua, Bài ca Đường 9 chiến thắng (1971), Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh...

Tiếp theo, nhiều ca khúc viết về các ngành nghề khác nhau, về những vùng miền khác nhau được nhạc sĩ Văn Dung giới thiệu đến công chúng như Vinh quang công nhân Việt Nam, Trở về Bỉm Sơn; Hương lúa chiêm xuân, Nông trường ta yêu; Tình ca đất mỏ, Vì một hành tinh xanh, Em với rừng Hoàng Liên, Chiều xa thành phố cảng… Sau này, nhạc sĩ Văn Dung còn viết nhạc cho vở rối Hai cây phong và phim truyện nhựa Mê Thảo – thời vang bóng.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng nhận xét về nhạc sĩ Văn Dung, trước khi về công tác tại Đài TNVN thì người đồng nghiệp là một nhà báo. Nhưng môi trường đó đã tạo cho nhạc sĩ Văn Dung và nhiều nhạc sĩ khác có điều kiện đi thực tế và có những cảm xúc để sáng tác. Với góc nhìn của một nhà báo luôn bám sát những sự kiện thực tế của đất nước để chuyển tải vào bài hát là một trong những bản sắc riêng của nhạc sĩ Văn Dung.

Nhạc sĩ Văn Dung 2

Nhạc sĩ Văn Dung tốt nghiệp trường báo chí, đến với âm nhạc như một cơ duyên và sau đó có nhiều ca khúc nổi tiếng.

"Sau mỗi chuyến đi, nhạc sĩ Văn Dung đều để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với anh em và đối với đồng bào, để từ đó nhiều bài hát mới lại ra đời, phản ánh đời sống của nhân dân lúc bấy giờ. Nhạc sĩ Văn Dung có một trí nhớ rất đặc biệt, từ những kỷ niệm với các đồng nghiệp và với đồng bào ông đều ghi nhớ. Đối với nghệ sĩ nói chung thì nhạc sĩ Văn Dung có mối quan hệ rộng rãi và gần gũi…", nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết.

Có cùng nhận định, khi nhắc tới nhạc sĩ Văn Dung, nhạc sĩ Cát Vận nói, Văn Dung rất có năng khiếu về mặt âm nhạc. Chính sự uyên bác của một nhà báo đọc nhiều, đi nhiều, hiểu nhiều, có mối quan hệ rộng rãi, đã cho ông một lượng thông tin và cảm xúc nhất định để viết báo và sáng tác âm nhạc.

Theo nhạc sĩ Cát Vận: "Làm công tác văn hóa nghệ thuật chơi với những điều tốt đẹp và những điều uyên bác của quá khứ và của hôm nay đã cho thêm năng lực sáng tạo. Những ca khúc của nhạc sĩ Văn Dung vô cùng uyên bác, có tác dụng với đời sống thực. Ông thuộc nhiều thể loại văn học nghệ thuật và trong tác phẩm của ông đầy hình tượng của cuộc sống, đầy hình tượng của thiên nhiên, tình cảm. Trong giai điệu có gì đó rất riêng biệt và đa dạng".

Nhạc sĩ Văn Dung: "Tôi là người lữ hành không mệt mỏi trên con đường vô tận tìm cái hay, cái đẹp, tìm về chính mình…"

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội âm nhạc Việt Nam chia sẻ, khi âm nhạc của nhạc sĩ Văn Dung cất lên, lời ca và giai điệu luôn khiến người nghe cảm thấy ấm áp, hào sảng và đầy sự lạc quan.

Nhạc sĩ Văn Dung 3

Nhạc sĩ Văn Dung có nhiều ca khúc đa sắc màu, được tiếp cận ở những góc nhìn về các đề tài khác nhau. (Ảnh: Nguyễn Thị Minh Châu).

Sinh thời, nhạc sĩ Văn Dung quan niệm về những sáng tác của mình, đó là không có gì là cảm xúc cụ thể, đo đếm ở cung bậc mà chỉ còn lại những điều người ta cảm nhận trước cuộc sống hiện hữu và không hiện hữu. Những âm thanh không biết từ đâu ùa vào tràn ngập một cách mạnh mẽ và dịu dàng để còn lại và không còn lại những gì mà người ta cứ miệt mài suốt một chặng đường đời.

"Trong kháng chiến, nhạc sĩ là người ghi chép lại hiện thực sống giàu cảm xúc hình ảnh của cuộc kháng chiến đầy gian khó và hy sinh của quân và dân trong cả nước ta trong sự nghiệp kháng chiến giữ nước. Trong hòa bình, dựng xây thì đi vào đời sống để tìm cái hay cái đẹp của cuộc sống, để đối tượng được phản ánh người ta thấy có mình trong đó. Tôi là người lữ hành không mệt mỏi trên con đường vô tận tìm cái hay, cái đẹp, tìm về chính mình trong cõi sâu thẳm của tâm thức thanh âm", nhạc sĩ Văn Dung từng chia sẻ.

Có thể nói, những cung bậc tình cảm trong ca khúc của nhạc sĩ Văn Dung đa sắc màu, được tiếp cận ở những góc nhìn về các đề tài khác nhau. Đó là những thanh âm trong tâm thức của người nhạc sĩ tài hoa, có chiều sâu về văn hóa dân tộc, mang nhiều trải nghiệm thực tế và với sự hồn nhiên trong tình yêu chân thành để trải lòng với cuộc đời này.

NSND Tuyết Mai, "giọng đọc vàng" trên sóng phát thanh qua đờiNSND Tuyết Mai, 'giọng đọc vàng' trên sóng phát thanh qua đời

SKĐS - Thông tin từ gia đình NSND Tuyết Mai, giọng đọc huyền thoại trên sóng phát thanh Việt Nam vừa qua đời ở tuổi 98.


Quỳnh Hoa
Ý kiến của bạn