Ấm áp và mơ mộng theo thời gian. Giờ đây trong một quán cà phê nhỏ nơi góc phố Phùng Hưng, giọng hát ấy gợi lại biết bao ký ức đã gần 40 năm trôi qua. Một giọng hát Hà Nội êm như nhung, về một thời thiếu nữ đam mê...
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp.
Từ những bài ca viết cho mình hát
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp là một hiện tượng lạ, ngay từ chùm ca khúc chị sáng tác từ khi mới ra trường không được bao lâu. Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương năm 1981, cô sinh viên Quỳnh Hợp, khi ấy vừa tròn 22 tuổi, được nhập vào đội ca nhạc của Bộ Tư lệnh Thông tin, với vai trò là một ca sĩ. Nhưng trong một dịp kỷ niệm về binh chủng, được sự khích lệ của đồng nghiệp và bạn bè, Quỳnh Hợp mạnh dạn viết lên những câu nhạc từ những rung động đầu đời. Ngày đó, bài hát về binh chủng chưa có nhiều để biểu diễn, quả là duyên trời cho, Quỳnh Hợp viết liên tục sáu ca khúc và tự mình đệm ghi ta hát. Đó là bài hát Em là chiến sĩ thông tin, như một chứng chỉ hành nghề sáng tác của nữ ca sĩ này. Chị còn phổ thơ các chiến sĩ trong binh chủng, tạo nên một không khí mới trong phong trào ca hát của đội văn nghệ. Hình ảnh nữ chiến sĩ thông tin vừa đàn vừa hát vẫn ngời sáng hồn nhiên như ngày nào.
Hai năm sau, nữ ca sĩ Quỳnh Hợp chuyển sang Đoàn Văn công Phòng không - Không quân, đi biểu diễn khắp các đơn vị trong cả nước. Những cảm xúc trong tâm hồn lại cuốn theo những trải nghiệm của cuộc sống. Những giai điệu về đồng đội lại vang lên trong đêm. Quỳnh Hợp luôn ấp ủ niềm tin, rằng có một ngày mình sẽ viết những giai điệu bay bổng nhất, về những chiến sĩ tập luyện bay trên bầu trời. Nhiều chương trình, Quỳnh Hợp tham gia biểu diễn tới 11 tiết mục, từ đơn ca đến hợp ca, rồi đồng ca. Hát trong đêm mưa. Hát trong ánh sáng từ những đôi mắt của các chiến sĩ không quân. Đó là những trải nghiệm sâu sắc, nuôi dưỡng những cảm xúc trào dâng. Khi được cử đi học tại Khoa Sáng tác âm nhạc, Trường cao đẳng Nghệ thuật Quân đội (1985-1988), Quỳnh Hợp đã phát huy được sở trường của mình. Ca khúc sáng tác cho Binh chủng Không quân đã ra đời, đó là ca khúc Những ngày bay hữu nghị của Quỳnh Hợp. Sau đó bài hát được trao giải Nhì (không có giải Nhất - 1987), do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng.
Hành trình sáng tác của Quỳnh Hợp được chắp cánh bay cao với chặng đường mới, khi được học chuyển tiếp Nhạc viện Hà Nội (1988). Lại tiếp tục thêm 5 năm trên ghế nhà trường, nhạc sĩ Quỳnh Hợp được đào tạo chuyên ngành Sáng tác âm nhạc, hết sức bài bản. Giải Nhì sáng tác của Hội Nhạc sĩ đã trở thành quá khứ, Quỳnh Hợp bắt đầu chặng đường mới, chuyên nghiệp hơn tuy không ít khó khăn. Vài năm sau, Quỳnh Hợp vào TP.HCM theo gia đình. Nhưng chị vẫn tiếp tục học tại Nhạc viện Quốc gia (Phân hiệu ở TP.HCM), cho đến khi tốt nghiệp năm 1995. Ngay sau đó, Quỳnh Hợp được phân công về Ban Âm nhạc, Đài Phát thanh TP.HCM. Bắt đầu từ đây, công việc mới, với nhiệm vụ một nhà báo, kiêm biên tập âm nhạc và tổ chức các sự kiện âm nhạc. Nơi đây cuốn hút cuộc sống, sự nghiệp của nhạc sĩ Quỳnh Hợp, trên con đường sáng tác. Liên tiếp hàng trăm ca khúc của Quỳnh Hợp được phát trên sóng, với nhiều đề tài khác nhau cùng những màu sắc âm nhạc phong phú. Và cũng từ đây, hàng chục album ca khúc của Quỳnh Hợp ra đời, được phát hành thành CD, VCD.
Những kỷ lục đáng ghi nhận
Tất nhiên, nhạc sĩ Quỳnh Hợp đâu có nghĩ tới xây dựng những kỷ lục, mà chỉ biết sáng tác và sáng tác. Nhất là trong giai đoạn 20 năm làm công tác biên tập và tổ chức các hoạt động ca nhạc trong TP.HCM, nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã thể hiện một khả năng sáng tác khá nhanh nhạy, mỗi khi cần thiết. Chị sáng tác, phục vụ phong trào hoạt động âm nhạc, cũng như các sự kiện chính trị và xã hội. Đặc biệt, nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã viết hàng trăm ca khúc, hát về các vùng miền văn hóa, lịch sử cũng như nét đẹp quê hương. Nhiều ca khúc của Quỳnh Hợp trở nên thân quen trên các làn sóng Trung ương và địa phương, cũng như trên các mạng xã hội.
Kể ra những nhóm số lượng bài hát viết cho vùng miền văn hóa lịch sử của Quỳnh Hợp mới thấy sự đam mê của nữ nhạc sĩ này. Sau kỷ lục 20 bài hát về Binh chủng Phòng không - Không quân, chị còn gây ngạc nhiên cho mọi người về sức làm việc phi thường với 11 bài hát về Điện Biên (chủ yếu là phổ thơ) được viết trong 10 ngày đêm. Đây là những ca khúc được biểu diễn nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (2004). Để làm việc cật lực trong 10 ngày đêm, thì trước đó trong nhiều đợt công tác và biểu diễn, Quỳnh Hợp đã có khoảng thời gian tích lũy vốn sống khá sâu sắc. Đặc biệt là vốn dân ca, điệu múa của đồng bào Thái Tây Bắc đã ăn sâu trong tâm hồn. Chị viết như lên đồng với cảm xúc khác lạ, nồng nhiệt và đầy đam mê. Trước khi lễ hội diễn ra, nhạc sĩ Quỳnh Hợp còn kịp phát hành album mang lên làm quà tặng các đại biểu. Đúng là chị làm việc quên mình như một chiến sĩ năm nào.
Thật ra cách làm việc ấy của Quỳnh Hợp không còn là điều mới lạ. Nếu theo con số thống kê, trong 70 album đã phát hành của chị, ta thấy có khoảng 7 album, với gần 100 ca khúc (phổ thơ) viết về Đà Lạt - Lâm Đồng; hoặc khoảng gần 50 bài hát (phổ thơ) viết về Hà Nội. Hoặc chuyến đi sáng tác khi ra đảo Trường Sa, nhạc sĩ Quỳnh Hợp cũng viết liền một mạch hàng chục bài hát (phổ thơ). Đáng chú ý nhất đó là bài hát Tổ quốc nhìn từ biển (phổ thơ Nguyễn Việt Chiến - năm 2011), được phát sóng liên tục trong một thời gian dài. Ca khúc đã được giải C của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng. Sau chuyến đi đảo về, nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã kết hợp với nhạc sĩ Lê Hồng Sơn tổ chức một đêm ca nhạc. Kèm theo đó chị còn cho phát hành hai album về Trường Sa. Những hoạt động ấy được coi là sự kiện chính trị và xã hội, với sức làm việc không biết mệt mỏi của Quỳnh Hợp. Nhiều người yêu âm nhạc vẫn còn nhớ đến ca khúc Lính đảo đợi mưa (phổ thơ Trần Đăng Khoa) của Quỳnh Hợp vang lên trong đêm biểu diễn ở TP.HCM. Đây là bài hát đã được giải A của Binh chủng Hải Quân. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp được coi là người có tầm hoạt động sâu rộng, nhạy bén với không khí của thời cuộc, và trải rộng cảm xúc với cộng đồng.
Nỗi niềm thơ và nhạc
Có lần trò chuyện, nhạc sĩ Quỳnh Hợp thể hiện lòng biết ơn đối với các nhà thơ đã truyền cảm hứng sáng tác cho mình. Đến nay, hàng trăm ca khúc hay và được nhiều người yêu mến của Quỳnh Hợp đều phổ thơ. Hồn thơ là đôi cánh cho âm nhạc bay cao. Nhiều ca khúc của Quỳnh Hợp được yêu thích cũng bởi sự đồng hành này. Thơ và Nhạc. Trong thơ có nhịp điệu riêng và tạo nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ.
Mới đây, nhạc sĩ Quỳnh Hợp tình cờ đọc được bài thơ Một nửa của nhà thơ Trần Sĩ Tuấn trên diễn đàn thi ca. Trái tim người nhạc sĩ đã rung động với tứ thơ độc đáo. Từng khổ thơ như những khúc nhạc tình yêu và nỗi nhớ bất ngờ ngân rung. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp đột nhiên cất lên tiếng hát khi đọc bài thơ. Sự đồng cảm giữa thơ và nhạc như trời cho vậy. Từng lời thơ như quyện trong giai điệu dịu dàng: “Em hẹn mà em không đến. Gió trời cứ thổi miên man…”. Nhất là đến đoạn: “Biết giấu vào đâu nỗi nhớ. Cánh cửa phòng anh khép hờ. Một nửa bài thơ dang dở. Biết bao giờ mới làm xong”, cảm xúc mỗi lúc một bâng khuâng, nhớ nhung trong xa vắng. Nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang ở Vũng Tàu cầm trên tay bản nhạc. Anh bồi hồi cất lên lời ca, rồi nhận ra bài hát này là khúc nhạc buồn thơ mộng, nghe thánh thót như những giọt cà phê rơi, rơi, bởi nhà thơ đã tạo nên khúc thức ấy qua mỗi câu thơ: “Bao nhiêu những nỗi chờ mong. Anh giấu vào trong trống vắng. Bao nhiêu là ngọn gió trời. Cứ thổi vào trong im lặng…”. Đây là một ca khúc đầy cảm xúc, khi được phổ một bài thơ hay, đó là thi phẩm Một nửa của nhà thơ Trần Sĩ Tuấn.