Nhạc sĩ Trần Tiến: Sài Gòn là nơi tôi sống và thấy hạnh phúc

27-08-2016 15:29 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tối hôm nay, thứ Bảy 27 tháng 8, trong chương trình Giai điệu tự hào với chủ đề Đi qua vùng cỏ non, bạn sẽ gặp lại nhạc sĩ Trần Tiến

Ở cái tuổi không còn trẻ, không thể phong độ như chính mình ngày trước, Trần Tiến tuy không là một “nhân tố bí ẩn” song vẫn tiềm tàng sức hấp dẫn, vẫn đủ khả năng … dụ dỗ người yêu nhạc.  Khán giả của anh là những người đã trưởng thành từ cả vài chục năm trước. Và trải dài đến tận ngày hôm nay. Bởi âm nhạc của anh truyền cho tâm hồn con người cảm hứng sống tích cực, mạnh mẽ, luôn nao nức chờ mong những điều mới mẻ đang đến.

Nhạc sĩ Trần Tiến

Trong một bài trả lời phỏng vấn, ca sĩ Hà Trần có tiết lộ chi tiết về người chú nhạc sĩ nổi tiếng của mình: Người sáng tác có tật ôm khư khư tác phẩm và luôn nghi ngờ những người thể hiện làm méo mó hình ảnh mình. Tên tuổi càng lớn thì hoài nghi càng gia tăng. Chú không nói nhưng tôi biết chú thích nghe chú hát nhất. Hơn nữa, chú Tiến là người đặc biệt nhạy cảm, sâu sắc đến mức mong manh và cô độc.

Lần này, trên sân khấu Giai điệu tự hào, nhạc sĩ cũng chia sẻ anh tự tin nhất được  hát cùng với cây đàn guitar quen thuộc. Khán giả không chỉ được nghe Trần Tiến đàn và hát, cảm xúc trào dâng theo mạch nhạc mà còn được “bonus” những câu chuyện đằng sau ca khúc.

Trần Tiến kể : Sài Gòn đã  thay đổi con người tôi, cho tôi nhiều cảm xúc, viết được nhiều bài hát. Thành phố trẻ, Giai điệu tổ quốc, Vết chân tròn trên cát… đều được sáng tác tại thành phố này. Tôi muốn nói lời cảm ơn thành phố này, là nơi tôi sống và thấy hạnh phúc. Hà Nội là quê hương của tôi, mỗi lần trở lại đều có cảm giác như gặp lại người tình xưa vậy. Trên thế giới sống ở nơi nào cũng vậy. Cơ bản là nơi đó, bạn có tình yêu không? có người thân yêu không? Tôi tự thấy mình có thể như một đại diện cho những người đã đến và yêu mảnh đất này, một thành phố trẻ, với những con người phóng khoáng và hồn nhiên. Từ thành phố ngàn năm đến một thành phố 300 năm. Trẻ là ở chỗ đó. Tôi đã “bịa” bài Thành phố trẻ ngay tại một sân khấu ca nhạc, cái phần điệp khúc ấy, tạm gọi là phần B: Là la lá

Lá lá la là la / La la la là la/La la lá là la / Là la lá /Lá lá la là la / La la la là la / La la lá là la /Thành phố tôi/Rất trẻ/ Ɓạn hãу nghe /Họ hát/ Về mình/ Ɓằng trái tim/Rất trẻ /Ɓằng khát khao /Ɓỏng cháу /Là la là la /Là la là la lá… Ba hôm sau tôi mới sáng tác phần A: Em đi đâu về/ Mà tóc đầy me/ Em ngồi em chải/ Nghĩ gì vui thế/ Mà cười một mình…

Sài Gòn sau 1975 - TP. Hồ Chí Minh, một thành phố trẻ còn ngổn ngang trong dựng xây và trong cả lòng người. Một thành phố còn mang trên mình nhiều vết thương nham nhở nhưng cũng đã nhìn thấy một mùa cỏ non mới - ẩn dụ một cuộc sống mới. Với chủ đề Đi qua vùng cỏ non này, những người làm chương trình Giai điệu tự hào Giai điệu tự hào phiên bản 2016, đã chọn giới thiệu những ca khúc vượt thời gian/ đáng để ngân nga mãi trong cảm xúc tự hào, lắng đọng : Đi qua vùng cỏ non (Trần Long Ẩn), Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (Phạm Minh Tuấn - Nguyễn Nhật Ánh), Ơi cuộc sống mến thương (Nguyễn Ngọc Thiện), Tình ca mùa xuân (Tôn Thất Lập), Thành phố trẻ (Trần Tiến)…

Võ Hồng Thu
Ý kiến của bạn