"Cô y tá đã lấy máu mình cứu tôi"
PV: Thưa nhạc sĩ Trần Tiến, hơn 70 năm cuộc đời với nhiều "vai" khác nhau, hẳn là ông có nhiều điều để kể và để lại... Xin hỏi những kỷ niệm, hay những cảm xúc, suy tư của ông về ngành Y và về những bác sĩ mà ông đã gặp?
Nhạc sĩ Trần Tiến: Tôi luôn kính trọng và yêu quý những thiên thần áo trắng mà tôi có dịp gặp. Nếu bạn không bị bệnh, ít phải gặp họ thì vẫn tốt hơn, nhưng vì tôi trót là "trai hư" từ năm 17 tuổi, bắt đầu thích viết nhạc cũng là lúc thích ngậm điếu thuốc suy nghĩ và uống rượu để mộng mơ, nên "có duyên" với ngành Y tế. Thực ra là tôi rất yêu và biết ơn những người đã cứu mình.
Năm 1992, một lần đang phiêu du giai điệu "Tạm biệt chim én" ở một ngọn đồi thông Đà Lạt, bỗng có người rồ ga, lái xe gấp lên đồi và ngồi cạnh tôi. Tưởng một fan nào muốn nghe, tôi cứ hát tiếp. Anh ấy xin lỗi: "Không, tôi không thích nhạc. Tôi chỉ muốn chở anh đến bệnh viện ngay bây giờ bởi anh đang có vấn đề cần cấp cứu". Lúc đó, tôi cũng thấy hơi mệt nên nghe lời, lên chiếc xe máy của anh ấy cùng đến viện. Rồi việc phải đến đã đến. Tôi bị mất máu trầm trọng trong thời gian dài mà không chịu ngưng bia rượu. Hôm đó, một cô y tá đã lấy máu mình cứu tôi. Người chở tôi đến viện lại chính là bác sĩ trưởng khoa. Cả hai người không quan tâm đến nhạc nhưng quan tâm đến sắc mặt một người dưng trên đường. Sau này, vị bác sĩ vừa cứu tôi cho biết, tôi sẽ rất nguy nếu không được tiếp máu kịp thời.
Mỗi ca khúc của ông đều là một câu chuyện. Trong một cuộc phát động sáng tác ca khúc về ngành Y, ông có đóng góp bài "Lặng lẽ ân tình". "Lặng lẽ ân tình" có câu chuyện như thế nào để ông viết nên?
Câu chuyện của tôi về những bác sĩ lặng lẽ và ân tình, ai cũng có thể gặp trên đời. Họ luôn quan tâm đến người bệnh, không phân biệt đẳng cấp giàu, nghèo, già, trẻ; trách nhiệm, tận tụy chăm sóc, cứu chữa để không mong gặp lại người bệnh...Tôi đã được gặp BS. Dương ở Vũng Tàu, người cứu tôi 8 lần thoát "cửa tử" vì bệnh phổi người già. Bác sĩ thường đùa: "Mong không phải gặp Trần Tiến ở bệnh viện nữa. Anh cứ lên tivi hát là mọi người mừng. Gặp ở đây, nhìn anh, chán thấy mồ... (cười).
Ít nhất có 2 tác phẩm rất nổi tiếng ra đời vào hoàn cảnh ông lâm bệnh nặng. Như ca khúc "Sắc màu", được ông viết sau một ca mổ. Gần đây nhất, ông cũng nằm viện 3 tháng và có ca khúc "Không gục ngã". Các ca khúc ấy thấm đẫm triết lý nhân sinh...
Tôi bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối, gần kề cái chết. May mắn tôi được BS. Lâm Đức Hoàng cùng các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Sài Gòn hết lòng cứu chữa. Tôi đã tạm thời đẩy lùi được bạo bệnh và tiếp tục lên sân khấu, "tái xuất giang hồ". Tôi cũng sợ chết như mọi người nên phải tìm cách chống trả nó, nếu như có thể.
"Trong túi tôi cũng luôn có tai nghe"
Người trong giới nói rằng, nhạc sĩ Trần Tiến hút thuốc như đốt và uống rượu như thể đó là nước lọc. Thực hư thế nào thưa ông? Đến bây giờ ông còn hút thuốc và uống rượu - điều mà bác sĩ nào cũng khuyên bệnh nhân của mình từ bỏ?
Tôi đã bỏ hút thuốc được 8 năm, nhưng chưa bỏ được rượu. Có lần tôi cũng bỏ rượu được 2 tháng, không uống một giọt. Nhưng thấy những dòng nhạc viết ra nhạt như nước ốc và vô duyên nên tôi lại uống. Tuy nhiên, rượu và nhạc chẳng có gì liên quan đến nhau. Hình như nó thuộc về niềm vui, nỗi buồn và niềm hạnh phúc.
Nếu trong túi của bác sĩ luôn có ống nghe thì trong túi của nhạc sĩ Trần Tiến là nhạc. Nếu bác sĩ chữa bệnh cứu người thì nhạc của ông là sự nâng đỡ, chữa lành và hồi sinh. Đó là cảm nhận của tôi. Còn trong cảm nhận của nhạc sĩ, mối tương quan đó là gì?
Trong túi tôi cũng luôn có một tai nghe, nhưng để nghe những rung động buồn vui, khát khao cay đắng của con người. Tôi không mong giúp được ai điều gì ngoài niềm chia sẻ tâm hồn. Tôi không giúp được người khác như các chiến sĩ áo trắng đã giúp đỡ và hi sinh.
Tôi viết nhạc để tự an ủi và vực dậy chính mình. Tuy nhiên, nói thì hay lắm, chắc gì đã làm được. Căn phòng tôi cũng viết đầy khẩu hiệu, những câu chữ tự sỉ nhục việc uống rượu của mình. Vậy mà tôi đâu đã bỏ được rượu...
"Hãy sống dường như còn có một ngày"
Hai năm trải qua đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi rất nhiều quan niệm về cuộc sống, về hạnh phúc. Hai năm đó, ông chiêm nghiệm được điều gì?
Qua đại dịch, chúng ta hiểu nhiều hơn vì tình người, vì lòng yêu nước và sự quả cảm. Trước đây, tôi đã được chứng kiến những người lính không tiếc thân mình, hy sinh giành lại từng tấc đất của Tổ quốc, thì nay là những chiến sĩ áo trắng quên mình giành lại từng mạng sống đồng bào. Tôi có nhiều bạn bè và các em làm bác sĩ, thấy các em quá vất vả vì bệnh nhân mà ứa nước mắt. Chính tôi, dẫu đang là bệnh nhân K, cũng tình nguyện đi hát từ thiện an ủi cả bệnh nhân lẫn bác sĩ, cùng vui buồn bên họ.
Giả sử, nếu ai đó còn một ngày để sống, nhạc sĩ sẽ khuyên họ điều gì?
Tôi mới viết xong ca khúc "Còn có một ngày" hôm 8/12/2022. Tôi đọc ra đây thay cho câu trả lời của mình.
Còn có một ngày
Lời 1
Hãy yêu hết mình, yêu đến thành
dại khờ.
Hãy đi đến cùng, con đường chúng ta mơ.
Hãy cháy hết mình, cùng thế giới rộng dài
Hãy sống dường như, còn có một ngày.
Còn có một ngày, vội về ôm lấy,
Cha mẹ nhớ thương ta, bạn bè ấu thơ xưa.
Còn có một ngày, tìm người xa vắng,
Cuống quýt nói điều, còn giấu sâu trong tim.
Lời 2
Hãy chơi hết mình, vui dưới bầu trời này.
Hãy đi đến cùng nỗi buồn, đắng cay kia.
Hãy cháy hết mình, cùng thế giới rộng dài.
Hãy sống dường như, còn có một ngày.
Còn có một ngày, thời gian như cuốn phim vội vã quay nhanh.
Còn có một ngày, nhìn trời mây trắng.
Quý giá vô cùng, tùng phút giây trôi qua.
...Hãy sống dường như, còn có một ngày.
Xin cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ Trần Tiến!
"Mặt trời bé con" và bài ca không ướt
Nhà thơ - nhà văn Châu La Việt biết nhiều chuyện của nhạc sĩ Trần Tiến và cũng là người "chăm" viết về ông. Bằng sự gần gũi nhạc sĩ Trần Tiến từ khi còn trẻ, nên mỗi câu chuyện được nhà thơ - nhà văn Châu La Việt viết ra đều mang đến cảm xúc cho người đọc.
Ông kể nhiều mẩu chuyện ít biết đằng sau mỗi ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến, để càng hiểu thêm những ảnh hưởng và đóng góp của nhạc sĩ với đời sống, với công chúng. Một trong những kỷ niệm đó là câu chuyện về ca khúc "Mặt trời bé con". Nhà thơ - nhà văn Châu La Việt kể: "Tôi nhớ hồi ấy anh hay hát "Mặt trời bé con". Trước khi tiếng nhạc vang lên, anh thường kể cho khán giả nghe về những chú bé con vì không có vé thường hay trèo lên những cành me cành sấu bên ngoài để xem trộm các anh biểu diễn. Nhìn cảnh tưởng ấy, anh rất xúc động, nhớ lại tuổi ấu thơ của mình nơi phố cổ Hà Nội, cũng thường trộm nghe một người lính xa quê cứ đêm về lại ôm chiếc đàn ghi ta đã tróc sơn. Chính tiếng hát của người lính ấy đã cho anh cả một chân trời: "Đàn anh đã cho tôi, trời xanh như ước mơ tuổi thơ/Đàn anh đã cho tôi dòng sông mang cánh buồm khát vọng". Rồi anh lớn lên, đi lính vào mặt trận, sau này đi hát và như người lính kia, thường ôm đàn hát cho những mặt trời bé con".
Câu chuyện càng trở nên đặc biệt hơn khi một lần nhạc sĩ Trần Tiến biểu diễn ở Thái Nguyên trong một đêm mưa gió nhưng vẫn đông nghẹt người. Đúng lúc ông đang hát "Mặt trời bé con", bên ngoài cửa sổ, những đứa trẻ chen chúc nhau ngó vào nghe ông hát, mặc mưa hắt, rét run cầm cập. Ánh mắt vẫn xoe tròn lắng nghe như nuốt từng lời ông hát. Đưa các em vào khán phòng sân khấu, ông vẫy tay cho ban nhạc lại nổi nhạc lên và người xem sững sờ vì đoạn nhạc và lời ca mới ứng khẩu tại chỗ để tặng các em: "Trời mưa quá em ơi, bài ca ướt mất rồi, còn đâu/ Còn mưa đến bao lâu, mà sao em vẫn chờ, vẫn đợi/ Hạnh phúc quá đơn sơ, đời tôi đâu có ngờ/Từng đêm em vẫn chờ, vẫn chờ đợi dưới mưa".
Và "đời tôi đâu có ngờ" hơn khi nhiều năm sau, nhạc sĩ Trần Tiến được nhà thơ - nhà văn Châu La Việt kể tiếp quãng đời nối tiếp của "mặt trời bé con" năm xưa. "Năm tháng trôi qua. Thế rồi có một dịp ra Hà Nội, tôi được một nữ họa sĩ trẻ mời đi xem một chương trình âm nhạc của 4 thạc sĩ âm nhạc, nghĩa là mỗi ca sĩ đều đã từng có 10 năm đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội. Cả 4 giọng hát thật tuyệt vời, nhưng không hiểu sao tôi cứ bị hút vào một tiếng hát với những câu solo nhẹ như mây bay, mỏng manh như sương khói và gợi cảm ghê gớm. Cô họa sĩ trẻ như đoán được điều ấy thầm thì với tôi: "Bạn cháu đấy chú ạ. Chị ấy tên là Phương, bạn bè hay gọi chị ấy là Phương Thái Nguyên", nhà thơ - nhà văn Châu La Việt kể.
Cũng theo nhà thơ - nhà văn Châu La Việt, cô gái tên Phương ấy chính là cô bé năm xưa đã bất chấp mưa gió đứng bên cửa sổ nghe hát, rồi mạnh dạn viết vài dòng nguệch ngoạc dúi vào tay nhạc sĩ Trần Tiến... Dù không nhận được hồi âm nhưng cô vẫn luôn yêu những chân trời mà người nghệ sĩ và những bài ca mang lại cho cô. Cô thi vào trường nghệ thuật của tỉnh Thái Nguyên bằng ca khúc "Tạm biệt chim én" của nhạc sĩ Trần Tiến. Và sau 4 năm, cô lại được tiếp tục về Hà Nội học nghệ thuật mà tuổi ấu thơ cô chẳng bao giờ dám mơ... để rồi trở thành ca sĩ như cô mong ước. Sau này cô đã hiểu ra rằng: Những bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến chính là bàn tay, là đôi cánh đã dẫn dụ, dắt dìu cô trên con đường nghệ thuật để có hôm nay. Cô luôn yêu và nhớ về ông, dù bao năm chưa một lần gặp lại.