Nhạc sĩ Thuận Yến và những tình yêu không lời

25-05-2014 19:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đã từ rất lâu, cái tên Thuận Yến đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc Việt Nam. Những sáng tác từ cách đây gần 40 năm của người nhạc sĩ có tên thật là Đoàn Hữu Công

Đã từ rất lâu, cái tên Thuận Yến đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc Việt Nam. Những sáng tác từ cách đây gần 40 năm của người nhạc sĩ có tên thật là Đoàn Hữu Công vẫn còn nguyên vẹn giá trị và được thế hệ ca sĩ trẻ ngày nay chọn để trình diễn trên những sân khấu âm nhạc lớn. Điều đó cho thấy cái tâm và cái tài được gửi gắm trong từng ca khúc mà giai điệu, ca từ đã làm rung động công chúng nhiều thập kỷ nay.

Có thể nói, dù là với đề tài sáng tác nào, nhạc sĩ Thuận Yến đều thể hiện được tâm huyết cũng như khả năng làm chủ giai điệu và ngôn từ. Từ những ca khúc ngợi ca lãnh tụ Hồ Chí Minh như Người về thăm quê, Miền Trung nhớ Bác, Miền Nam trong tim Bác, Vầng trăng Ba Đình (Giải nhất ca khúc của Bộ Văn hóa, 1987)... và đặc biệt là Bác Hồ một tình yêu bao la. Ca khúc Bác Hồ một tình yêu bao la sáng tác năm 1979 dựa theo cảm xúc của nhạc sĩ Thuận Yến khi gặp Bác Hồ lần đầu vào năm 1966. Mỗi lần giai điệu “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời rất thanh cao không gợn chút riêng tư, mãi ngàn đời ngát hương thơm trong tâm hồn Việt Nam...” cất lên, mỗi người Việt đều không nén nổi nỗi xúc động nghẹn ngào. Có thể nói, qua giọng hát Thu Hiền, Phương Thanh, Thanh Lam, Anh Bằng, Thanh Hoa, đó là một trong những ca khúc thành công nhất viết về vị cha già dân tộc. Tổng cộng, nhạc sĩ Thuận Yến có tới 26 ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ kỷ lục người “có nhiều sáng tác về Bác Hồ nhất”. Trong 5 ca khúc tiêu biểu của Thuận Yến được Giải thưởng Nhà nước năm 2001 thì đã có 2 bài hát nổi tiếng về Bác Hồ. Đó là Bác Hồ - một tình yêu bao la và Miền Trung nhớ Bác.

Nhạc sĩ Thuận Yến lúc còn trẻ.

Cùng với mảng sáng tác về Bác Hồ là mảng sáng tác cho các chiến sĩ. Thời gian làm tạp vụ cho Ban đại diện Văn hóa Liên khu 5, ông âm thầm sáng tác ca khúc Hò dân công, Bài ca tự túc và trở thành nhạc sĩ tài danh của Liên khu 5. Bước vào kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông viết ngay những bài hát động viên thanh niên lên đường: Ba lô ta buộc cho chặt, Vành lá ngụy trang rất xanh... Năm 1965, lên đường trở lại chiến trường sáng tác, với những ca khúc của thời kỳ này như: Hát mừng quê ta giải phóng, Mỗi bước ta đi, Bài ca tiếp vận, Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin. Có mặt trên chiến trường Trị Thiên - Huế và khi cuộc đấu tranh chính trị phát triển mạnh, ông đã viết ca khúc Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc.

Nhắc đến nhạc sĩ Thuận Yến, không thể không nhắc tới ca sĩ Thanh Lam - một trong bốn diva của làng nhạc Việt. Thanh Lam đã thừa hưởng đam mê và cả tài năng của người cha ưu tú. Nhiều ca khúc để đời của nhạc sĩ Thuận Yến cũng đã chắp cánh tài năng cho cô con gái có giọng hát trời phú. Những Màu hoa đỏ, Chia tay hoàng hôn, Tình yêu không lời, Khát vọng, Em tôi qua giọng hát đầy nội lực của Thanh Lam đã trở thành một điểm nhấn khó quên trong lòng công chúng yêu nhạc. Từ đó, mở đường cho những giải thưởng như Giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng, 1994 (Màu hoa đỏ), Giải bài hát được nhiều người ưa thích năm 1992-1993 của Đài Tiếng nói Việt Nam (Chia tay hoàng hôn)...

Một trong những thành công lớn nhất trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Thuận Yến có lẽ là lần lượt những giọng ca hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam chọn ca khúc của ông để phô diễn giọng hát. Và chính những sáng tác của người nhạc sĩ quê gốc Quảng Nam đã đưa giọng ca của họ lên một đỉnh cao mới. Đó là NSND Thu Hiền - NSND Trung Đức (Gửi em ở cuối sông Hồng), NSND Thu Hiền (Người về thăm quê, Miền Trung nhớ Bác), NSND Thanh Hoa (Bác Hồ một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình)...

Bền bỉ theo đuổi con đường sáng tác vốn không ít những khó khăn, nhạc sĩ Thuận Yến luôn thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo không ngừng. Ông tìm thấy những cái hay, cái đẹp trong thơ Nguyễn Đức Mậu để phổ nhạc cho ca khúc Màu hoa đỏ hay phổ nhạc bài thơ Trái tim lang thang của Hà Minh Đức. Lấy cảm xúc từ người vợ, từ con gái để cho ra đời những bản nhạc xúc động Chia tay hoàng hôn, Tình yêu không lời. Ngoài ra, ông còn viết nhạc cho múa (Bông sen đỏ, Anh còn sống mãi), nhạc cho phim (Khoảng trời chiến sĩ, Hát ở chiến hào), sáng tác một số tác phẩm khí nhạc, trong đó có bản Sonate Tự nguyện và Trang giao hưởng 5 chương Khúc nhạc miền Trung và hành khúc Những bàn chân không mỏi. Làm nhiều việc cùng một lúc, nhưng nhạc sĩ Thuận Yến luôn rất khiêm tốn, ông từng nói: “Tôi không có ý tham lam, cái gì cũng nhảy vào viết: viết giao hưởng một tý, phê bình lý luận một tý. Hạnh phúc của tôi là viết ca khúc phục vụ cho hàng triệu những người đầu trần chân đất, không biết lấy một nốt nhạc”.

Một thực tế mà công chúng yêu nhạc nhiều thập kỷ nay phải công nhận là những sáng tác của nhạc sĩ Thuận Yến chưa bao giờ lỗi thời. Mỗi khi những giai điệu về Bác Hồ, về người chiến sĩ, về tình yêu đôi lứa mộc mạc, sắt son của ông cất lên, công chúng vẫn rưng rưng xúc động. Những thế hệ ca sĩ trẻ được công nhận có thực lực vẫn chọn ca khúc của ông như Tùng Dương (Chia tay hoàng hôn), Uyên Linh (Khát vọng), Phương Linh (Trái tim lang thang)... và cách họ thổi hồn vào những ca khúc ấy vẫn khiến công chúng bồi hồi xúc động.

Nhạc sĩ Thuận Yến đã ra đi ngày 24/5 ở tuổi 83, nhưng vẫn còn đó một gia tài âm nhạc có giá trị bền bỉ với thời gian. Mộc mạc và chân thành, những sáng tác của ông như “Tình yêu không lời” cứ mãi thắp lên lặng lẽ mà rưng rưng trong lòng công chúng yêu nhạc.

Ngữ Nam

 


Ý kiến của bạn