Tôi tự cho mình là người mạnh mẽ, biết giấu những cảm xúc của mình trong vỏ bọc của lý trí, ấy vậy mà cũng có lần vì quá đau khổ, tưởng có thể chẳng còn gì để mà sống, chỉ muốn chết và lúc đó tôi đã có những giờ lang thang vô định thì bắt gặp những câu hát của Thanh Tùng: “ … Lâu lắm rồi anh không đến chơi/ Cây sen đã lá bạc như vôi/ Sỏi đá rêu phong/ sỏi đá chưa quên chân người… Bài hát tìm trong nỗi nhớ từng ngày bình yên/ Bài hát tìm trong ký ức cuộc tình đầu tiên… Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi/ Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi/ Một sớm mai kia/ Chợt thấy hư vô trong đời/ Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi/ Chỉ là ... thế thôi/
Bài hát đã giúp tôi trấn tĩnh lại, nhìn thẳng vào nỗi buồn phía trước, tất cả: chỉ là thế thôi, có gì phải khổ đau đâu? Nhìn kìa trong lãng đãng không gian có một giọt nắng bên thềm, hãy biết ơn cuộc sống và hãy sống tiếp. Với suy nghĩ của tôi, thì một người có bài hát đủ để con người vịn tựa, lấy lại niềm tin như vậy đã là rất lớn, huống chi Thanh Tùng còn có hàng trăm tác phẩm âm nhạc nổi tiếng khác làm say lòng nhiều người, như: Lối cũ ta về, Cây sầu riêng trổ bông, Chuyện tình của biển, Giọt sương trên mi mắt, Hát với chú ve con, Hoa tím ngoài sân, Lời tỏ tình mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Trái tim không ngủ yên, Vĩnh biệt mùa hè, Một mình….
Tôi định tìm số, gọi cho nhạc sĩ Thanh Tùng để nói, tôi biết ơn những người như ông, những người làm ra những tác phẩm âm nhạc không chỉ lay động, khích lệ mà có sức an ủi ghê gớm. Nhưng rồi không gọi, tự nhủ rằng, hằng ngày, ông hay những nhạc sĩ nổi tiếng như ông sẽ có rất nhiều cuộc điện thoại kiểu như vậy. Hơn nữa, tôi gần như biết khá rõ rằng, xung quanh ông hầu như lúc nào cũng có người hâm mộ: đàn ông có, đàn bà có, phóng viên nhà báo có, chân dài không ít, tóc ngắn rất nhiều…
Thanh Tùng nổi tiếng từ rất lâu, từ ngày người ta chưa biết đến ông có ca khúc mà là người chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Là người gốc Khánh Hòa tập kết ra Bắc theo cha mẹ, Thanh Tùng du học ở Triều Tiên, tốt nghiệp Nhạc viện Bình Nhưỡng. Sau 1975 ông về sống và làm việc tại TP HCM. Như các nhạc sĩ cùng thời nhận xét, Thanh Tùng là người có mệnh giàu sang, ưa thích cuộc sống hào hoa, không chấp nhận đời sống nghệ sĩ mà nghèo khó nên ông không ngại nguy hiểm để có được cuộc sống như mình mong muốn. Nhưng, bên cạnh cái ước mơ sang trọng hào hoa ấy là một tài năng lớn về sáng tạo nghệ thuật. Tài năng ấy đã thôi thúc ông sáng tạo, không khác gì thôi thúc ông làm giàu, cho nên Định mệnh đã sắp đặt cho ông một vị trí trong làng âm nhạc Việt với những tác phẩm và tên tuổi có dấu ấn lớn đồng thời là một doanh nhân Thanh Tùng giàu có sau một biến cố khó quên của cuộc đời. Trong Thanh Tùng dường như có 2 con người. Một, khả năng sáng tạo dồi dào: những triết lý về cuộc sống thông qua âm nhạc của ông đều nhẹ nhàng, trong trẻo, giản dị nhưng có sức lay động lớn. Hai, là khả năng kinh doanh. Ông thành đạt trong chuỗi đầu tư kinh doanh nước khoáng, nhà hàng, khách sạn, bất động sản và sở hữu một vũ trường. Việc rất nhiều, nhưng ông làm như không, gương mặt không có dấu ấn của người gặp chuyện khó, lúc nào cũng vui, cũng nói cười hóm hỉnh, phong cách thanh tao, sang trọng. Nhắc đến Thanh Tùng, các nhà chuyên môn nhớ đến người có công xây dựng Dàn nhạc nhẹ Đài Truyền hình TP HCM, người khai sinh nhóm hợp ca Những làn sóng nhỏ, người chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen, người đầu tiên đưa nhạc nhẹ chuyển soạn các ca khúc thành nhạc không lời như "Con kênh xanh xanh" của Ngô Huỳnh, hay "Cánh chim báo tin vui" của Đàm Thanh...
Ca khúc đầu tay "Cây sầu riêng trổ bông" Thanh Tùng viết cho một vở cải lương, nhưng lập tức trở thành bài hát có sức sống riêng lẻ và đưa tên tuổi Thanh Tùng vào vùng “Phủ sóng rộng” của công chúng. Gia tài của Thanh Tùng tới hơn 200 bài hát.
Những năm tháng sôi nổi, không mấy khi người ta nhìn thấy Thanh Tùng ra đường một mình, hầu như lúc nào cũng có chân dài, trẻ tuổi đi cạnh. Nhưng có lẽ, đó là cách ông chọn để xuất hiện với đời, còn trong cuộc sống riêng tư, ông coi gia đình là đáng trọng.
Khó ai có thể chứng minh ngược lại điều tôi vừa nói khi nghe bài hát của ông viết khi vợ ông rời xa cuộc sống: Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên/Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên/Bao đêm tôi đã một mình nhớ em/ Đêm nay tôi lại một mình… Nhớ em vội vàng trong nắng trưa/ Áo phơi trời đổ cơn mưa… Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai/ Gió sương mòn cả hai vai/ Đôi chân chênh vênh con đường nhở/ Nghiêng nghiêng bóng em gầy/ Vắng em còn lại tôi với tôi/ Lá khô mùa này lại rơi/ Thương em mênh mông chân trời lạ/ Bơ vơ chốn xa xôi/ Vắng em đời còn ai với ai/ Ngất ngây men rượu say/ Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ/ Cô đơn cùng với tôi về.
Ông có 3 người con. Hiện con cái của Nhạc sỹ đều là những doanh nhân thành đạt ở Việt Nam. Vào năm 2008, ông không còn đi lại được sau một trận tai biến bất ngờ. Rồi ông liệt chân bên phải, khả năng nói hạn chế ngoài ra còn bị tiểu đường và thận. Người thân cho biết dù không nói được lưu loát, di chuyển phải ngồi xe lăn nhưng mỗi khi xuất hiện dù là trong nhà riêng hay ngoài đường ông vẫn ăn mặc tươm tất, với quần áo hàng hiệu, tươi cười, chú ý từng chi tiết của trang phục. Ngoài ba ngày mỗi tuần phải tới bệnh viện chạy thận, ông ở nhà chơi với cháu nội và đi dạo. Nhạc sĩ vẫn giữ những sở thích phong lưu như uống cà phê, dạo ngắm Hồ Tây, ăn những món ăn vặt. Người nhà chia sẻ ông thích nhất là uống cà phê với sữa chua. Nhạc sĩ không ăn được nhiều cơm mà ăn cháo
*
Nghe tin nhạc sĩ qua đời, tôi bàng hoàng hồi lâu không chỉ vì cuộc sống đã mất đi một người, không chỉ vì làng âm nhạc Việt Nam đã phải chia tay một tài năng về cõi vĩnh hằng mà vì nhớ lại hình ảnh của ông, một người nhạc sĩ mà tôi từng biết, giờ không còn nữa. Tôi nhớ cái ngày tôi nhờ vào âm nhạc của ông mà vượt qua được nỗi khắc khoải kinh khủng. Tôi gọi cho bè bạn, những người ít nhất đã có lần cùng nhau ngồi cà phê với ông và nói chuyện về cuộc đời. Ngoài những lời tiếc thương, dường như mỗi người yêu mến ông đều nhớ đến những ca khúc đã gắn với câu chuyện nào đó của riêng họ, ký ức nào đó của phố phường, của kỷ niệm riêng chung. Một người còn vừa hát vừa khóc: “Em đừng ngồi buồn và đừng nói những lời giận hờn, để bầu trời xanh ngát như màu xanh trong mắt em. Em hãy nhìn cuộc đời, trong một đời có những cuộc đời. Em hãy nhìn vào lòng người, trong lòng người có cả mọi người, có em và có tôi...".
*
Và riêng tôi, tôi nhớ rằng, tôi đã vui tươi trở lại, thậm chí khi gặp cái người đã gây cho tôi đau khổ tôi còn hát trêu: “ Khi thấy buồn anh cứ đến chơi/ Chim vẫn hót trong vườn đấy thôi/ Chỉ có trong tôi ngày đã sang đêm lâu rồi/ Bài hát cho anh giờ đã hát cho mọi người… Để rồi lãng quên/ Bài hát tìm trong khói thuốc từng giờ bình yên/Bài hát tìm trong lá biếc từng chiều hoàng hôn/ Còn lại trong tôi, còn lại trong anh/ Chỉ là lung linh giọt nắng bên thềm…”. Tôi, và có lẽ không chỉ tôi, tất cả mọi người đều thấy ca từ của Thanh Tùng đã có sức sẻ chia và an ủi.
*
Thanh Tùng sinh 1948, rời cõi tạm sáng nay 15.03.2016 nhưng âm nhạc của Thanh Tùng sẽ còn lại rất lâu trong trái tim mọi người. Những giai điệu trẻ trung, tươi mát, những âm thanh của nắng, mưa, hoa, gió, ban mai, hoàng hôn, sóng biển… thấm đẫm chất thơ của ông sẽ mãi mãi còn vang trên môi những người yêu nhạc.
Ca khúc Một mình. Tác giả: NS Thanh Tùng