Dẫu vậy, ông vẫn kịp ghi dấu ấn bằng những ca khúc sâu lắng, trữ tình về quê hương đất nước, về người lính và đặc biệt là về Bác Hồ kính yêu qua ca khúc đặt lời Việt “Bài ca Hồ Chí Minh”.
Thú thật, trước khi đến gặp nhạc sĩ Phú Ân, nhạc sĩ Đoàn Bổng có nói với tôi rằng: “Bác ấy là người sống hay lắm!”, vì thế, tôi cũng rất tò mò về cái “hay lắm” của tác giả lời Việt “Bài ca Hồ Chí Minh”. Thế rồi, khi tôi điện thoại trao đổi trước với ông là sẽ sang viết bài, ông cẩn thận gửi tôi 2 bản nhạc Sao em không nói (phối khí Nguyễn Hữu, biểu diễn Duy Linh), Nhớ Tuyên Quang (lời thơ Trúc Phương, phối khí Việt Anh, biểu diễn Duy Linh) rồi không quên dặn: “Cháu nghe thử xem được không? Chứ viết tâng bốc người ta cười cho”. Trước khi dập máy, ông còn ân cần nhắc tôi: “Bác thì không bận gì nhưng cháu nhớ sang sớm cho đỡ... nắng nhé!”.
Như đã hẹn, tôi đến gặp ông vào một sáng tháng 5 khi tiết trời Thủ đô vô cùng nóng nực. Thế nhưng, vượt qua cây cầu Long Biên cổ kính, đi dọc bờ đê sông Hồng xanh mướt cỏ và nhất là bước vào căn nhà khá khang trang, thoáng mát với không gian sống tĩnh lặng, nhiều cây xanh của nhạc sĩ Phú Ân, tôi mới thực sự hiểu quyết định “trốn phố” của ông thật đúng đắn. Chủ nhân căn nhà ấy đã gây ấn tượng với tôi ngay từ ánh mắt, giọng nói, cử chỉ bình dị, chân chất như một người... nhà quê thứ thiệt.
Nhạc sĩ Phú Ân.
Thật mừng, khi đã ở tuổi xấp xỉ 80 nhưng ông vẫn được trời phú cho sức khỏe, sự minh mẫn và đặc biệt là luôn giữ được tâm hồn sáng tác. Hỏi cuộc sống hằng ngày của ông diễn ra thế nào thì ông bảo mỗi sáng vẫn đi bộ trên chiếc máy tập thể dục, rồi sau đó nghe nhạc và phần nhiều là lướt facebook hỏi thăm con cháu, bạn bè. Được biết, ông có người con trai hiện đang sinh sống ở nước ngoài, vì thế, việc chơi facebook với ông cũng là cách để “nhìn thấy” con cháu của mình ngày ngày làm gì, đi đâu và cuộc sống thế nào. Thậm chí có những người bạn ở xa, những người bạn ở vùng Cẩm Khê (Phú Thọ) nơi ông đã sinh ra và sống 15 năm tại đó cũng được “tìm thấy” trên facebook. Những cuộc nói chuyện râm ran ôn lại kỷ niệm của một thời bao cấp với những người bạn thuở hàn vi nơi đồi cọ rừng chè dường như đã xoa dịu phần nào trong ông những nỗi nhung nhớ, cồn cào về vùng quê đầy ân tình này.
Khi được hỏi về quan điểm sống thì ông bảo, mình hãy cứ sống thế nào cho thật thanh thản, đừng nghĩ ngợi bon chen, tranh giành, đố kỵ, cái gì của mình ắt sẽ đến với mình. Khi đã thoải mái tư tưởng rồi thì sẽ tập trung được công việc sáng tác, sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật. Vậy nhưng Phú Ân cũng là người rất thẳng tính, có sao nói vậy, nhiều khi cũng làm mất lòng đồng nghiệp. Nhưng với những người cầu thị thì những lời nhận xét chân tình của ông đã giúp họ hoàn thiện mình hơn.
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng khi tiếng nhạc du dương cất lên. Và cũng thật tình cờ đó là giai điệu của Bài ca Hồ Chí Minh - một bài hát mà ông đã đặt lời Việt từ The Ballad of Ho Chí Minh của nhạc sĩ, chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình người Anh - Ewan MacColl.
Nói về âm nhạc, nhạc sĩ Phú Ân cho biết, ngay từ bé mình đã sớm bộc lộ năng khiếu về lại được người anh trai Phú Đắc vốn là một bác sĩ kiêm nhạc công dạy dỗ, bảo ban nên ông đã có nhiều thuận lợi khi bước vào con đường nghệ thuật. Năm 1957, khi mới trở về Hà Nội sinh sống được 2 năm, chàng thanh niên Phú Ân bước chân vào học khóa 2 Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Trong môi trường sư phạm mẫu mực được đào tạo bởi các chuyên gia hàng đầu về âm nhạc đến từ các nước tiên tiến trong khối xã hội chủ nghĩa như: Liên Xô (cũ), Hungary, Triều Tiên... là một may mắn của lứa sinh viên như Phú Ân.
Thế nhưng, do tình hình đất nước còn chiến tranh, miền Bắc mới được giải phóng nên sinh viên âm nhạc thường học “chay” mà chưa có nhạc cụ để thực hành. Mãi đến năm học cuối ông mới tìm ra bộ môn phù hợp với sở thích của mình cũng như điều kiện của nhà trường, đó là kèn Tuba. Dù thời gian tiếp cận với loại kèn này không nhiều nhưng với sự sáng dạ, thông minh của mình, Phú Ân đã được đánh giá là một trong những sinh viên xuất sắc của khóa. Ra trường đúng thời điểm Nhà nước quyết định thành lập Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, vậy nên Phú Ân được nhận về làm việc. Từ đó, ông bắt đầu cuộc đời nhiệt huyết, đam mê với những chuyến lưu diễn ở trong và ngoài nước những mong mang được dòng nhạc bác học này đến gần hơn với đông đảo công chúng.
Ngoài biểu diễn Tuba trong dàn nhạc giao hưởng, Phú Ân còn nổi lên là tay ghita có tiếng, thế nhưng ông lại chọn cho mình một lối sống khép kín, không thích đua tranh. Ai cũng biết ông có một người em trai rất nổi tiếng nhưng chưa khi nào ông có ý định dựa hơi vào sự nổi tiếng của em. Bởi ông cho rằng nếu mình không đủ lực để “cháy” mà phải nhờ người khác thổi hộ lên thì cũng chỉ lóe lên thứ ánh sáng yếu ớt rồi tắt, chẳng ai thổi mình sáng mãi được.
Ông kể, trong một lần vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm nhạc sĩ Phú Quang (khi ấy tác giả Em ơi, Hà Nội phố tên tuổi đã “nổi như cồn”), ông đã nhận được lời đề nghị từ nhóm bạn của người em: “Chúng em nghe nhạc Phú Quang nhiều rồi, giờ muốn nghe nhạc Phú Ân”. Tính ông vốn không thích thể hiện nhưng vì nể quá nên cũng đành... Khi tiếng đàn vừa dứt, họ nhiệt liệt vỗ tay và nói bằng giọng “trách móc”: “Sao Phú Quang không đưa một số bài hát của ông anh vào đĩa của ông”. Nghe vậy, Phú Ân gạt đi ngay. Còn nhạc sĩ Phú Quang lên tiếng “bào chữa”: “Nếu tôi là người làm trước chơi sau thì ông anh tôi lại chơi trước làm sau”. Nhắc đến kỷ niệm đó, nhạc sĩ Phú Ân lại cười bảo: “Tôi chỉ chơi trước làm sau trong sáng tác âm nhạc thôi nhé!”.
Giới nghệ sĩ gốc Hà thành khi nhắc đến Phú Ân vẫn trầm trồ rằng, đó hẳn là một tay chơi chính hiệu. Điều đó xuất phát từ lần chú rể Phú Ân ôm đàn hát tặng cô dâu ca khúc Hẹn ước mà mình tự sáng tác tại đám cưới kèm thêm cả dàn nhạc toàn là bạn bè lại đúng vào dịp Noel năm 1962 tại một khách sạn trên phố Bà Triệu. Nhắc về đám cưới của mình, nhạc sĩ Phú Ân vẫn cười: “Hình như tôi là chú rể duy nhất thời bấy giờ tự sáng tác một khúc tình ca, tự đệm nhạc rồi tự hát để tặng vợ”.
Thế nhưng ca khúc đầu tay này không những được nhiều người biết đến và yêu thích mà nó còn có một số phận của riêng mình. Rõ là ca khúc của mình nhưng thời đó, sợ cái tiếng “ủy mị tiểu tư sản” thành ra ông cứ phải nói chệch đi, đây là bản nhạc của Liên Xô cho an toàn. Năm 1992, ông cùng nhạc sĩ Phú Quang viết nhạc cho bộ phim Chuyện tình bên dòng sông của đạo diễn Đức Hoàn, chính bản nhạc Hẹn ước này đã làm cho diễn viên Lê Khanh, Thương Tín có những cảnh quay xuất thần. Phim quay đêm, 2 nhân vật chính không làm sao mà nhập vai, nhập cảnh. Đạo diễn Đức Hoàn nhanh trí tạo hiện trường lãng mạn cho diễn viên bằng cách đề nghị Phú Ân vừa hát vừa chơi guitar, hát đi hát lại suốt từ 23h đêm cho tới 3h sáng hôm sau. Khi ông hát hết hơi cũng là lúc các diễn viên hoàn thành xuất sắc cảnh quay của mình.
Chắc hẳn những ai sống ở thập niên 90 của thế kỷ trước còn biết đến một đêm nhạc mang tên “Đêm tình ca Phú Ân” được tổ chức tại Nhà văn hóa học sinh, sinh viên (số 1 Tăng Bạt Hổ) vào năm 1994. Sở dĩ có đêm diễn ấy cũng là do bạn bè thúc giục, mỗi người một tay xúm vào giúp, từ nghệ sĩ Duy Nghĩa rồi đến Lê Dung... cũng ủng hộ. Đêm nhạc có phát vé nhưng hoàn toàn là miễn phí. Giờ diễn đã cận kề thì trời bỗng mưa như trút. Vậy mà thật bất ngờ, sát giờ diễn, người ta vẫn đến ùn ùn, giấy mời phát ra đã tính toán kỹ khoảng gần 500 ghế, nhưng có đến gấp đôi số người đến dự. Thế là ông bàn với ekip phải chuyển sang sân khấu khác cho rộng hơn. Sau đó phải đến 20h30, đêm diễn mới bắt đầu, tức là chậm hơn đến 1 tiếng rưỡi. Đêm nhạc biểu diễn 24 ca khúc chọn lọc của ông. Khi bài hát thứ 24 kết thúc mặc dù đã là gần 23h30, khán giả vẫn không thôi nhắc: “Sao hết nhanh thế, hát nữa đi”. Bây giờ nghĩ lại ông vẫn luôn tự hào vì nhận được tình cảm, sự yêu mến của khán giả nhiều như vậy.
Trong dòng ký ức miên man mà nhạc sĩ Phú Ân chia sẻ, tôi chợt nhận ra ở một con người từng “làm mưa làm gió” ở nhiều sân khấu lớn lấp lánh những điều thật giản dị. Phú Ân là vậy, ông luôn sống nhẩn nha, chậm rãi và bình dị giữa mọi người.