Hà Nội

Nhạc sĩ, nha sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: Tôi không hợp gu với các "diễn sĩ"

26-02-2009 06:19 | Văn hóa – Giải trí
google news

Bạn đồng nghiệp, thân thiết, người gọi anh là Nha sĩ, người gọi anh là Nhạc sĩ. Kẻ quen biết thì bảo: anh là Nhà báo. Chắp những cách gọi nghe được ấy lại, được một cái tên khá “tươm”: Ông 3 trong 1.

Bạn đồng nghiệp, thân thiết, người gọi anh là Nha sĩ, người gọi anh là Nhạc sĩ. Kẻ quen biết thì bảo: anh là Nhà báo. Chắp những cách gọi nghe được ấy lại, được một cái tên khá “tươm”: Ông 3 trong 1.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện.
- Nhắc đến cái tên Nguyễn Ngọc Thiện, người ta lập tức nhớ ngay đến một nhạc sĩ, một nha sĩ. Vậy anh thích người ta nhớ tới anh trước hết ở vai trò nào?

- Tôi thích người ta nhớ tôi là một nhạc sĩ trước tiên vì các bài hát sẽ làm cho người ta bị quyến rũ, bay bổng và tôi nhân cơ hội đó sẽ chữa răng hoặc nhổ răng mà mọi người không cảm thấy đau đớn gì cả, khi đó khỏi cần thuốc gây tê làm gì!

– Anh có cái nickname đặc biệt nào không? Còn tôi thì muốn gọi anh là “Gã nha sĩ lãng tử si mê âm nhạc”.

- Tôi chẳng có nickname nào đặc biệt cả, chỉ đơn giản là drthien mà thôi (dr là viết tắt của chữ doctor). Tôi thấy bản thân mình cũng rất hợp với biệt danh bạn đặt cho. Cám ơn bạn.

– Học Đại học Y khoa rồi mới học Đại học Âm nhạc, những tưởng ngày đó chàng nha sĩ trẻ sẽ từ bỏ khay panh, khoan, kìm và hàng lô thứ lủng củng của nghề “vặn răng”, chuyển sang ôm ghi-ta nghêu ngao làm đời nghệ sĩ. Nhưng quả thực với một bác sĩ, cụ thể là một nha sĩ làm nhiệm vụ Trưởng khoa ở Bệnh viện răng hàm mặt Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh mà có tới hàng chục bài hát, trong đó có không ít bài được khán giả yêu mến: Ôi cuộc sống mến thương, Ngọn lửa trái tim, Như khúc tình ca, Cơn mưa lao xao... rồi lại kiêm cả vai trò nhà báo, hiện là Tổng biên tập tờ Sóng nhạc của Hội âm nhạc TP. Hồ Chí Minh thì có lẽ là phải làm việc như “điên”. Tôi muốn có ngay bí quyết để thành công như anh?

- Có những lúc tôi cũng có ý nghĩ như bạn nói nên khi tốt nghiệp phổ thông xong, tôi chọn Đại học Y là nơi khó đậu nhất để thi vào. Nếu bị rớt sẽ theo âm nhạc luôn, không bị ba mẹ la rầy. Nhưng tôi lại đậu, thế mới chết chứ!!! Hiện nay không phải tôi chỉ làm ba công việc như bạn biết đâu, còn nhiều hơn thế nữa. Tuy nhiên, tôi có ê kíp cùng làm việc, cùng sắp xếp công việc, nói chung là khoa học để đủ thời gian thực hiện, (ngày xưa ở phổ thông tôi học ban Toán mà). Cứ gọi tôi là Ông 3 trong 1 cũng được.

– Kể từ bài hát đầu tiên: Ôi cuộc sống mến thương (sáng tác năm 1979), 30 năm theo đuổi âm nhạc, anh thu nhận được điều gì?

- Sau nhiều năm đeo đuổi âm nhạc, tôi có rất nhiều người yêu mến đến nỗi tôi cũng không tài nào phân biệt được ai là người yêu nhạc và ai là bệnh nhân của mình cả.

– Những ca khúc của anh thường là các ca khúc trữ tình, những bản pop trẻ trung, vui tươi, sôi nổi nhưng có vẻ đậm chất chính trị. Cái thời âm nhạc với âm hưởng sôi nổi, hào sảng đã qua, không còn độc tôn trong đời sống mà đã nhường chỗ cho những ca khúc tình yêu mang nặng cái tôi. Anh đã từng quen với không khí của khán phòng đông đúc khán giả, vậy anh có cảm giác hẫng hụt khi hiện nay khán giả không mặn mà với các bản tình ca màu hồng?

- Có thể bạn và những lứa tuổi 8X, 9X chỉ biết đến những bài hát xuất hiện nhiều trên tivi mà thôi. Các bạn đã nghe qua Chia tay tình đầu, Tình yêu ban đầu, Thôi anh hãy về, Cô bé dỗi hờn, Nếu em là người tình, Tìm đâu, Tình sương khói, Em mãi là niềm đau, Nói với em, Tình ơi và mới nhất là Em nhớ anh, Còn lại nỗi nhớ... chưa? Bây giờ đất nước ta đã phát triển rất nhiều so với cách nay 30 năm. Cách thưởng ngoạn âm nhạc cũng biến đổi đi rất nhiều. Internet phát triển nên chúng ta và các nước không còn nhiều khoảng cách. Thời trước làm gì có loại âm nhạc nhìn, nhưng bây giờ, loại hình âm nhạc này rất được giới trẻ ưa chuộng. Các ca sĩ không cần phải hát hay lắm làm gì, chỉ cần xinh đẹp, nhảy múa giỏi là nổi tiếng ngay. Có lẽ lúc này nên gọi họ là diễn sĩ chứ không nên gọi là ca sĩ nữa.

– Có tác giả đã từng coi khán giả là “người tình” của mình, thế lúc này, chân dung “người tình” của anh ra sao?

- Bạn quên mất khán giả của tôi còn có các bé nhi đồng, thiếu nhi nữa à? Ngày đầu tiên đi học, Nhớ ơn thầy cô, Ngôi nhà cười, Hội trăng rằm, Ước mơ, Ba vẫn thương con như ngày xưa... Các nhóm hát Mắt Ngọc, Mây Trắng, Song Yến khi còn bé hay biểu diễn những bài hát này. Bây giờ họ lớn cả rồi.

 Nhóm Song Yến.
– Anh có tìm cách chiều chuộng họ không?

- Chưa bao giờ tôi nghĩ là mình phải như thế vì tôi chỉ chú ý đến cuộc sống đang thay đổi từng giờ, quan sát và lắng nghe nó đang nhắn nhủ điều gì với ta và chỉ lúc nào đó, mình không biết nói gì nữa thì âm nhạc sẽ xuất hiện thay cho những gì mình không nói được.

– Mừng cho anh là “phất” được ở cả hai vai trò: Trưởng khoa ở bệnh viện (được trao danh hiệu Thầy thuốc ưu tú) và Tổng biên tập tờ tạp chí Âm nhạc. Vậy có thể hình dung chân dung anh thế nào nhỉ?

- Vẫn là Gã nha sĩ lãng tử si mê âm nhạc mà.

– Nghề nha sĩ, nghề nhạc sĩ - nghề nào nuôi sống anh?

- Mỗi nghề chỉ nuôi được một nửa cuộc đời, cả hai ráp lại mới khắc họa thành Nguyễn Ngọc Thiện được.

– Anh đã từng sáng tác được nhiều ca khúc hay, nhưng dường như gần đây lại thưa thớt? Có phải vì cái “tạng” của anh không hợp với gu âm nhạc của giới trẻ hiện nay?

- Tôi đang muốn làm mới âm nhạc của mình chứ không viết lại những gì mình đã viết. Như vậy tôi phải tìm cho ra được một giọng điệu phù hợp theo sự thay đổi đó, dù biết rằng điều đó rất khó khăn. Tôi là một người chuyên viết nhạc trẻ nên vẫn theo dõi thể loại này qua các buổi biểu diễn ở sân khấu hay trên tivi, chẳng những trong nước mà còn cả trên thế giới nữa. Nhưng tôi không hợp gu với các diễn sĩ trên sân khấu ca nhạc.

– Có cảm giác thế này: vẻ mặt Nguyễn Ngọc Thiện luôn như một chàng nông phu vừa cày xong thửa ruộng, lúc nào cũng cảm thấy hài lòng với thực tại. Phải thế chăng mà các ca khúc của anh cũng luôn trẻ trung, vui tươi, sôi nổi?

- Nên hình dung tôi như thế này: một anh chàng võ sĩ (vì lúc nào cũng bận rộn), lúc nào cũng hài lòng với thực tại dù vừa bị nốc ao. Cuộc sống hằng ngày phải gặp biết bao khuôn mặt lúc nào cũng đăm chiêu, nhăn nhó vì bị đau răng nên ca khúc của tôi phải vui tươi, rộn rã và lạc quan chứ.

– Cầm tinh con Mèo, nghĩa là cũng ngấp nghé hết tuổi “nghĩa vụ quân sự” với Nhà nước, người ta bảo trong cả hai lĩnh vực sáng tác ca khúc và làm nha sĩ, Nguyễn Ngọc Thiện đều rất cừ. Vậy khi đó anh sẽ mở phòng khám nha khoa hay làm nhạc sĩ chuyên nghiệp?

- Chắc sẽ mở trường để đào tạo Nhạc sĩ và Nha sĩ!

- Xin cảm ơn anh.

Tố Lan (thực hiện)


Ý kiến của bạn