Hà Nội

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo và “người tình âm nhạc”

23-05-2015 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Biết và thân thiết với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo từ 16 năm nay, tôi luôn ngạc nhiên bởi sức lao động và tiết tấu sống của ông.

Biết và thân thiết với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo từ 16 năm nay, tôi luôn ngạc nhiên bởi sức lao động và tiết tấu sống của ông.

Bìa cuốn sách mới nhất của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo. (Ảnh: Họa sĩ Văn Sáng cung cấp)

Nguyễn Thiện Đạo chỉ huy dàn nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 2000 với giao hưởng Sóng hồn do ông sáng tác, chỉ huy Khai Giác tại Đại lễ Phật Đản năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình hay Nguyễn Thiện Đạo ngồi ký chồng sách mới tại nhà riêng chiều tháng tư 2015 vẫn thần thái ấy. Có câu ngạn ngữ “Thời gian là kẻ thù của sắc đẹp”, về sự tàn phá khốc liệt của tuổi tác với dung nhan con người, chẳng riêng phái đẹp. Dung mạo ổn định của nhạc sĩ tài ba này không chỉ do trời phú mái tóc ít bạc mà ở lối sống điều độ nhiều năm. Trong cuộc sống mệt nhọc nhiều lo toan và công nghiệp hóa cả tâm hồn, người ta dễ bị khô cằn, chai sạn. Tự tin thì mới điềm nhiên và bình tĩnh được. Là người như thế, dồn hết cuộc đời cho âm nhạc nên năng lượng của nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến nay có tên trong từ điển Le Petit Larousse (1982) và Le Petit Robert (1995) luôn đủ gây thán phục cho ai làm việc cường độ cao. Những cuộc gặp của tôi với ông đến nay đều ở 2 thành phố cổ - 2 Thủ đô là Paris và Hà Nội, nơi có sự giao thoa văn hóa giữa cổ kính và hiện đại trên nhiều phương diện. Ông cũng thế, trong tư duy sáng tạo phản ánh qua lượng tác phẩm bề thế: opéra, hợp xướng, hòa tấu, giao hưởng, nhạc phim - “dân tộc đích thực - nhân loại tiên phong”. Ông sành ăn, đi uống hay ăn với ông ở Paris hay Hà Nội rất thú vị, bởi ông không chỉ biết về nhiều món ngon như chuyên gia ẩm thực mà còn giới thiệu về quán, nhà hàng và về giá trị lịch sử của nó.

Sinh ra tại số 19 phố Tràng Tiền, Hà Nội, con trưởng của ông bà Nguyễn Thiện Chúc, một doanh nhân trí thức yêu nước (Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất), được cha mẹ cho sang Pháp du học từ năm 13 tuổi (1953) với ý định ban đầu là theo học ngành y. Bên cạnh say mê âm nhạc, ông đặc biệt chú ý đọc thơ và tìm hiểu lịch sử Việt Nam - cách kết nối và bồi tụ lòng yêu nước. Đấy là lý do dù ở xa nước hơn 60 năm, ông có vốn từ vựng tiếng Việt dư dả để viết lời cho các vở opéra mà gần nhất là Kiều (5/2012, cảm tác từ tác phẩm của Nguyễn Du). Ông thuộc nhiều truyền thuyết, huyền thoại Việt Nam và dùng nó làm chất liệu cho tác phẩm như Thánh Gióng, Từ Thức gặp tiên. Bất ngờ mới nhất chính là truyện dài Sống lửa (138 trang, NXB Hội Nhà văn) - tác phẩm văn chương đầu tiên - cuốn sách cá nhân đầu tiên của Nguyễn Thiện Đạo xuất bản ở Việt Nam và thế giới. Ấp ủ suốt 60 năm - một vòng hoa giáp, Nguyễn Thiện Đạo đã viết cuốn này từ 2014 đến tháng 2/2015 hoàn thành đem về Hà Nội, được nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, người bạn 25 năm giúp xuất bản và viết lời tựa. Như âm nhạc, văn chương Nguyễn Thiện Đạo trầm tích, đan hòa không gian, thời gian với dư vang huyền bí. Mỗi lần về nước hơn 2 tháng, mỗi năm về 2 lần trong hơn 14 năm kể từ 1999 đến nay, Nguyễn Thiện Đạo đã làm được nhiều việc cho Việt Nam. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao ghi nhận do những sáng tác và ảnh hưởng của ông bằng âm nhạc với thế giới. Hòa mình vào dòng chảy của lịch sử, ông viết các tác phẩm gây dấu ấn, trực tiếp dàn dựng và chỉ huy do Nhà nước đặt hàng vào những dấu mốc kỷ niệm trọng đại.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo ở nhà riêng tại Hà Nội.

Ông đã có cuộc hôn nhân 52 năm. Ngày 11/5/1963, chàng sinh viên xuất sắc Nguyễn Thiện Đạo tốt nghiệp Nhạc viện Paris bằng tác phẩm Thành đồng Tổ quốc và kết hôn với Thương Hiền - cô gái Việt Nam có một phần dòng máu Pháp. Không có con, họ vẫn sống đầm ấm và chung thủy. “Tôi biết ơn vợ vì bà ấy đã hy sinh để vun vén sự nghiệp cho chồng”. Là chuyên viên kế toán giỏi, Thương Hiền có thể mở văn phòng riêng, lại chỉ làm cho một công ty bất động sản và nghỉ sớm để dành thời gian cho gia đình và giúp chồng. “Đấy là tình cảm ân nghĩa nên không bao giờ làm tổn hại hoặc đổi khác”. 40 năm trước, bà Thương Hiền bị huyết áp cao, khó thở, sau đợt ốm nặng ấy, bà tìm ra chế độ ăn dựa vào thiên nhiên, áp dụng cho vợ chồng bà. Ở ngay trung tâm Paris nhưng ông bà hạn chế tối đa việc dùng thuốc, không uống kháng sinh; nếu phải uống thì uống thảo dược, ho hay đau bụng đều dùng nước gừng, chanh và mật ong. Nhà nhiều loại đồ uống để tiếp khách, còn ông bà uống nước lá hàng ngày. Nhạc sĩ sống tại tầng 4, khu 6 tầng thuộc quận 6, quận nhà giàu của Paris hoa lệ, cùng quận này có nhiều ngôi sao, chính khách. Căn hộ ông ở tầng 4, tầng có ốp bên ngoài đá đen khắc hình sư tử gọi là tầng quý tộc. Khu căn hộ cổ này có thang máy, ông chỉ dùng khi mang đồ nặng. Hàng ngày ông bà dùng cầu thang bộ, đi bộ là chính, nếu đi xa thì metro hoặc taxi. Biết lái xe, ông không tự lái vì đầu óc luôn nghĩ về âm nhạc, lại không thích phí thời giờ tìm chỗ đỗ xe. Nhà Nguyễn Thiện Đạo gần đại lộ tiếng tăm: Saint Germain des Prés. Tại đây, có 2 quán cà phê nức tiếng, nhiều nhân vật trứ danh nổi tiếng của thế giới đã đến: Café de Flore và Les deux Magots, song ông Đạo không nghiện cà phê, trà. Sống ở xứ sở rượu vang, ông chỉ uống khi đi tiệc. Ông khẳng định: “Tôi chẳng nghiện gì ngoài âm nhạc”. Balcon nhà có 2 cây to, bà vợ trồng để hút chất độc và những chậu hoa hồng - loài hoa ông thích nhất. Hàng ngày, ông ăn cơm gạo lức Thái Lan, tất nhiên có lúc đổi bữa ăn bánh mỳ hoặc ra tiệm, ăn nhiều cá và hạn chế tối đa thịt động vật. Còn vợ chỉ ăn rau, cá. Mùa đông 2007, khi gặp bà Hiền tại quán Foyer du Vietnam, tôi đã trầm trồ: một phụ nữ 66 tuổi tóc bạc trắng, da lại hồng hào, căng mịn. Mới đây hỏi nhạc sĩ, ông cho biết bà rất chăm bôi kem. Sau mỗi bữa sáng, nhạc sĩ đi bộ ở Luxemburg - vườn hoa đẹp nổi tiếng thế giới khoảng 1 tiếng. Ông đi bộ rất nhanh. Đấy là cách rèn luyện cơ và hệ hô hấp duy trì từ thời trẻ đến giờ nên không cần gồng, cố. Ở tuổi 75, ông vẫn bước tốc độ thanh niên khó kịp. Đi bộ xong, ông về tắm ngay, làm dịu, tắm cũng rất nhanh.

Từ nhỏ, ông đã ngủ không tốt vì hay gặp ác mộng. Ngay lúc ngủ ông cũng tư duy âm nhạc và nghĩ được gì liền vùng dậy ngay để viết lại. Thích màu hồng, nhạc sĩ hướng về cuộc sống bằng niềm tin đẹp thiện, tinh thần lạc quan, ăn uống sinh hoạt lành mạnh; không trầm cảm u uất, tìm ra nội lực sống. Từ 3 bí quyết tóm gọn ấy, tìm hiểu về cuộc sống thường nhật của tài năng âm nhạc này càng nể ông trong việc giữ gìn sức khỏe, tinh thần, thể phách. “Khi chỉ huy tập luyện, tôi rất nghiêm khắc, độc tài - các chỉ huy giỏi phải như thế, uy như đại tướng ra trận. Khi lên sân khấu, tôi xuất thần, không còn là con người trần tục nữa. Đời thường, tôi ưa sự lịch lãm, nhường nhịn, điều tiết cân bằng. Hồi trẻ tôi có nóng giận, đến khi lớn tuổi thì tôi thiền, khi có gì cáu bực tôi nén lại, ngồi im, tĩnh tâm để cho trong lòng rỗng, không suy nghĩ nặng nề. Đi bộ nhanh và hô hấp kiểu yoga là bí quyết của tôi. Buổi đêm, tôi cố gắng đi ngủ lúc 23 giờ”.

Nguyễn Thiện Đạo không dùng nhiều trang sức, chỉ đeo một nhẫn vàng gắn kim cương ở ngón giữa, nhạc sĩ thủng thẳng: “Tôi sống theo tinh thần tri túc, biết đủ không tham. Tôi rất mê kim cương, nhưng thứ kim cương quý giá nhất đời là sức khỏe”. 62 năm sống trên đất Pháp, nhập quốc tịch Pháp năm 1980 nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Ở Hà Nội, vẫn có người thân của ông cùng nhiều kỷ niệm, bởi thế ông đã mua căn nhà ở đây để có chốn đi về. Nhiều người đã xem Nguyễn Thiện Đạo chỉ huy dàn nhạc, mấy ai được nghe ông chơi dương cầm. Tôi đã có may mắn ấy. Buổi chiều êm ả tháng Tư, Nguyễn Thiện Đạo dành cho tôi điều đó khi ông ngồi xuống bên cây đàn piano K.Kawai vừa hát vừa lướt phím. Lời ca ông viết đúng là thơ: “Trên sông Kinh Châu có con buồm trắng / Gió Thu mang người biệt ly về thảm sầu đó chăng... Khi ta ra đi liễu đương còn xanh tốt / Bên khóm hoa tiếng hót con hoàng anh còn dịu dàng mấy câu” (Inori - 11.3, Kinh cầu nguyện).

Một thú vị nhỏ: Nguyễn Thiện Đạo sống trên phố Đàn Bà (28 Rue Madame), nhưng chẳng ai thấy ông say sưa với phụ nữ nào. Trêu ông: “Thế thì thiệt thòi và đơn điệu quá, là nghệ sĩ có quyền lãng mạn chứ?” - Ông cười vang: “Tôi sóng sánh nhiều lần đấy, mỗi lần vài tiếng thôi. Chỉ lấy một vợ để dành thời gian tối đa cho âm nhạc. Còn lâu tôi mới khô khan. Tôi rất đa tình. Muốn biết cứ đọc Sống lửa sẽ rõ…”.

Nguyễn Thiện Đạo trong vẻ điềm tĩnh an hòa, mang định mệnh sống lửa cùng nghệ thuật gồm âm nhạc và văn chương. Trong lá thư mới nhất viết cho tôi, nhạc sĩ chia sẻ: “Sáng tác để đóng góp khiêm tốn cho nền văn hoá Việt Nam là mục đích duy nhất của tất cả chúng ta. Bán được nhiều ít là thứ yếu. Hãy tìm ánh sáng thiên thần cho tác phẩm...”.

VI THUỲ LINH

 

 

 


Ý kiến của bạn