Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo: “Tôi tự nguyện không có con để dành trọn cho âm nhạc”

10-04-2015 12:12 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sống ở Pháp từ năm 13 tuổi, nhà soạn nhạc nổi tiếng Nguyễn Thiện Đạo đã dành trọn cuộc đời mình cho âm nhạc đỉnh cao. Với ông, việc không có một gia đình theo quan niệm truyền thống là một sự thiệt thòi, hi sinh. Nhân dịp về nước để phát hành cuốn sách “Sống lửa”, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã dành ch

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo trong một lần biểu diễn tại Việt Nam.  Ảnh: Công Hân

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo trong một lần biểu diễn tại Việt Nam. Ảnh: Công Hân

Cuộc đời nào mà không có mất mát, hi sinh?

Ông được biết đến là nhà soạn nhạc với nhiều bản giao hưởng tầm cỡ thế giới. Lý do gì mà ở tuổi “xưa nay hiếm” ông lại muốn làm người viết sách?

- Từ hồi còn bé, tôi đã say mê văn học. Cứ giấu bố trùm chăn đọc sách vào ban đêm, vì những cuốn như “Tam quốc chí”, “Hồng lâu mộng”, “Hồ Xuân Hương”… đều bị cấm với trẻ em. Trước khi rời Việt Nam sang Pháp năm 13 tuổi, tôi đã kịp trang bị cho mình một vốn liếng kha khá về văn hóa Việt. Nếu không đi Pháp thì có lẽ tôi sẽ trở thành nhà văn. Nhà thơ Vi Thùy Linh có lần viết trên báo, nếu không là nhạc sĩ, nếu dấn thân vào văn học thì có thể nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo sẽ trở thành nhà văn tăm tiếng. Tất nhiên đó là nhận định của Vi Thùy Linh, còn với tôi, đó là sự cấp thiết cần phải viết ra. Nếu không thì sẽ không còn thời gian nữa, vì tôi năm nay đã 75 tuổi rồi.

75 tuổi ông mới viết sách. Sự bắt đầu này rất dễ khiến cho người ta có suy luận: Phải chăng sự nghiệp âm nhạc của ông đã không còn năng lượng để sáng tạo?

- Tôi vẫn đi về giữa Pháp và Việt Nam để biểu diễn đều đặn hàng năm đấy chứ. Nhưng sở dĩ tôi chọn âm nhạc để dấn thân bởi nó là ngôn ngữ trừu tượng, hợp với tư duy của tôi hơn. Tôi tự nhận mình là người cuồng dại, có những ý nghĩ khác thường, mạnh bạo nên trút vào âm nhạc sẽ dễ “nuốt” hơn. Còn nếu thả vào văn chương thì chưa chắc đã được chấp nhận. Từ rất lâu rồi, tôi đã muốn viết một cuốn sách nhưng chưa dám dấn thân. Giờ tôi viết vì thấy sự cấp thiết mà làm thôi chứ không mưu cầu điều gì ở địa hạt này cả.

Thường thì những nhân vật trong sách ít nhiều đều mang dáng dấp của tác giả. Hẳn là ông cũng đã thu nhận về mình không ít những nỗi niềm về cuộc sống, về nhân tình thế thái?

- Nhìn vào tôi bây giờ, ai cũng nghĩ là tôi có đầy đủ mọi thứ. Là nhạc sĩ của thế giới, có tên trong hai cuốn từ điển danh nhân lớn nhất của Pháp: “Le petit Larousse” và từ điển “Le Petit Robert”; Có nhà ở khu phố sang trọng của Paris; Tại Hà Nội thì có nhà gần hồ… Nhưng tôi cũng có sự đố kỵ mạnh lắm. Thôi thì nó cũng là sự bù trừ. Sự trắc trở nhiều khi lại là điều tốt, để mình vượt lên vươn tới thành công.

Trong cuộc sống riêng, tôi thấy giữa ông và nghệ sĩ Đặng Thái Sơn có một điểm chung, đó là không có con cái. Ông ít ra cũng còn có gia đình, vậy tại sao không nghĩ đến chuyện có con?

- Điều này thật khó lý giải. Nhưng một khi đã dấn thân vào nghệ thuật một cách tuyệt đối thì người ta không còn nghĩ đến cuộc sống riêng tư. Tôi không muốn có con vì không muốn vướng vít nhiều vào nó, thấy mình không đủ thời gian và điều kiện để nuôi dạy một đứa con.

Bây giờ, ông có nuối tiếc vì sự hi sinh ấy?

- Hi sinh ư? Tôi không nghĩ đó là hi sinh đâu. Vừa rồi bạn có nhắc đến Đặng Thái Sơn, tôi nghĩ người hi sinh ở đây phải là mẹ của ông ấy mới đúng, vì đã làm hết mình cho đứa con thành danh. Còn việc không có gia đình, con cái là sự lựa chọn của bản thân người đó. Không có nghệ sĩ lớn nào mà không có sự hi sinh thiệt thòi ở đời, vì đó chính là cái để người ta vươn lên.

Hồi ký, tự truyện rất hay khoe mẽ

Quay trở lại cuốn sách, sao ông không chọn giải pháp an toàn là tìm một nhà văn tên tuổi chắp bút?

- Tôi cũng có nghĩ đến rồi nhưng sẽ không thể vừa ý mình được, vì điều tôi truyền tải có cả thơ ca, nhạc lý, nhạc điệu, tiết tấu. Có người nhận định rằng, nó là sự pha trộn màu sắc của nhiều thể loại khác nhau: Tình cảm, triết lý, huyền bí, kinh dị, hành động, viễn tưởng, với đủ sắc thái hỉ-nộ-ái-ố của cả mặt sáng lẫn tối của con người. Tôi đã mất một năm để viết 140 trang sách, nếu để người chắp bút, thời gian sẽ tốn rất nhiều. Mà như thế, tôi e là cái tuổi mình không còn chờ được nữa.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận định sách của ông hay và lạ. Nhưng tôi thấy nó lạ và kén người đọc. Có vẻ như ông viết để thỏa mãn bản thân hơn là viết ra để bán?

- Tôi thích sự thẳng thắn của bạn. Bản thân tôi cũng không dám nhận là nó đã hay, nhưng mỗi người một cảm nhận và bạn cứ thoải mái nhận định về nó như bạn nghĩ. Nhưng đúng là tôi không có suy nghĩ viết để bán và để hiểu nó, chắc chắn người đọc cần có một vốn văn hóa nhất định.

Tôi rất ghét những cuốn sách được gắn mác tự truyện hay hồi ký. Vì đa phần, nó đều là sự khoe khoang gặp được ông tổng thống nọ, cuộc tình với cô đào nổi tiếng… Chính vì thế mà tôi không muốn viết về mình, vì cuộc đời của Nguyễn Thiện Đạo không có giá trị gì để viết. Tất nhiên có những cuốn hồi ký, tự truyện rất hay, bởi nó nói lên được những giá trị tư tưởng lớn. Nó còn có giá trị triết lý. Còn nếu chỉ để kể về mình thì xin lỗi, đó là sự khoe mẽ. Cái chính là tác phẩm có để lại được giá trị gì cho đời hay không mới là quan trọng. Hiện, cuốn sách mới được in và phát hành ở Việt Nam. Sắp tới, nó sẽ được phát hành tại Pháp, sau đó là ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo!

Minh Nhật

 

 


Ý kiến của bạn