Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh năm 1936, quê ở Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Với mong muốn con trai sẽ trở thành một trí thức Tây học, làm được điều gì đó rạng danh dòng họ, quê hương, 5 tuổi Nguyễn Tài Tuệ đã được cha gửi vào Sài Gòn học trường Chasseloup Laubat, một trường học do người Pháp trực tiếp giảng dạy bằng tiếng Pháp.
Năm 1944, từ Sài Gòn ông trở về quê học Trường sơ đẳng Cao Xuân Dục. Bốn năm ngắn ngủi ở Sài Gòn đã giúp Nguyễn Tài Tuệ sớm tiếp xúc với tiếng Pháp và nền văn minh Pháp. Thị xã Vinh thực hiện tiêu thổ kháng chiến, ông trở về Thanh Chương học cấp 2 Đặng Thúc Hứa. Thời gian này Nguyễn Tài Tuệ bắt đầu làm quen với âm nhạc qua những giờ học ở trường, yêu thích những bài hát Nhớ chiến khu (Đỗ Nhuận), Chiến sĩ Việt Nam (Văn Cao), Tiếng gọi Thanh niên (Lưu Hữu Phước)…
Ông còn tìm sách tiếng Pháp để học thêm về nhạc lý cơ bản. Trường Cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng là nơi Nguyễn Tài Tuệ viết những ca khúc đầu tiên như Hò dân công, Xuân ơi sao chưa về… Từ phong trào ca hát ở trường học, ông quen thân với Nguyễn Trọng Bằng, người mấy năm sau đã giúp ông có bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời.
Nguyễn Tài Tuệ công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc dân tộc Trung ương từ năm 1955 với vai trò diễn viên. Năm 1958, ông được biệt phái lên Đoàn Ca Múa Lao – Hà - Yên (Lao Cai – Hà Giang – Yên Bái). Thời gian này, ông được tiếp xúc nhiều với những làn điệu dân ca của các dân tộc ở Việt Bắc.
Ca khúc Suối Mường Hum còn chảy mãi, Xuân về trên bản Nhắng, Lời ca gửi noọng ra đời trong dịp này và phổ biến rộng thời bấy giờ. Năm 1960, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ chuyển về công tác ở Ban nghiên cứu Âm nhạc Bộ Văn hóa. 3 năm sau, ông về công tác ở Sở Văn hóa Quảng Ninh và ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, Xa khơi được ra đời, có giá trị từ thời điểm này cho đến hôm nay.
Sau này vào Tây Nguyên, ông sáng tác ca kịch Nữ thần mặt trời với khúc Aria I Pa ơi. Về miền Tây sông nước, ông có Đại hợp xướng Những năm tháng ghi nhớ; ca khúc Lỡ hẹn; Xôn xao bến nước với giai điệu hò Đồng Tháp trữ tình, mênh mang…
Từ năm 1966 đến năm 1972, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được cử đi học sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Trở về nước, ông tiếp tục công tác ở Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam với tư cách là nhạc sĩ sáng tác và chỉ đạo nghệ thuật.
Nguyễn Tài Tuệ viết ca khúc đều đặn và các tác phẩm của ông đều gần gũi với âm hưởng dân gian. Ngoài ca khúc, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc, đặc biệt cho nhạc cụ dân tộc. Ông còn viết phần âm nhạc cho múa và một số ca cảnh, tổ khúc dân ca.
Các ca khúc chính: Lời ca gửi noọng, Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, Lê Quang Vịnh – người con quang vinh, Xa khơi, Xuân về trên bản Nhắng, Về mỏ, Suối Mường Hum còn chảy mãi, Xôn xao bến nước. Về khí nhạc, ông có: giao hưởng thơ Những cánh chim cao nguyên, Kỷ niệm quê hương (cello và piano).
Trong nhiều bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, bản nhạc Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó ra đời năm 1958 đặc biệt nổi tiếng.
Đáng nói hơn, ca khúc này được nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ viết nhưng chưa từng đặt chân đến Pắc Bó. Song với tài năng của mình, bằng những giai điệu âm nhạc tuyệt vời dựa trên nền điệu hát then của người Tày, ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó đã gửi gắm tâm hồn, tình cảm của các dân tộc đến Bác Hồ, làm phong phú thêm bản hợp xướng của hàng triệu triệu trái tim mãi mãi nhớ ơn Người.
Nghệ sĩ Lan Anh thể hiện Tiếng hát giữa rừng Pác Bó trong chương trình Điều còn mãi 2015.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng nhiều thế hệ người yêu nhạc với hàng loạt ca khúc mang âm hưởng dân ca, mang sắc màu dân tộc đã được nhạc sĩ viết và đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị cho tới hôm nay.
Theo chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ từng bị mắc COVID-19 và được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (Hà Nội). Sau khi khỏi COVID-19, tác giả ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó lại mắc bệnh về phổi. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được gia đình đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị điều trị nhưng vì tuổi cao, ông không qua khỏi vào lúc 9 giờ sáng 11/2/2022.