Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, 'nhớ thương cách vời'...

12-02-2022 07:17 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã về cõi khác ở tuổi 87 nhưng Xa khơi, Mơ quê, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó... mãi còn ở lại, có một giá trị to lớn với âm nhạc nước nhà.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, tác giả ca khúc "Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó" qua đờiNhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, tác giả ca khúc 'Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó' qua đời

SKĐS - Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, tác giả của ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó đã qua đời vào sáng ngày 11/2, hưởng thọ 87 tuổi.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ lưu giữ, lan tỏa âm nhạc truyền thống bằng... âm nhạc

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được đánh giá là nghệ sĩ tài năng và có ảnh hưởng đối với nền âm nhạc Việt Nam dù cả cuộc đời sáng tác ông chỉ công bố chưa đến 20 ca khúc. Sinh thời, ông khẳng định, làm nghệ thuật với ông chỉ có 1% là tài năng, còn 99% là sự lao động, khổ luyện.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, nhớ thương cách vời... - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đánh giá, giá trị lớn nhất trong tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là kết hợp được âm hưởng bác học vào âm hưởng dân ca với nhau rất nhuần nhuyễn, đỉnh cao là Xa khơi. Các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đều gần gũi với âm hưởng dân gian, có sức sống lâu bền và luôn mang trong mình các giá trị nghệ thuật.

PGS.TS Trần Thị Trâm cho rằng, các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cùng một lúc thực hiện được cả 3 mục đích: nâng cao chất lượng, hiệu quả nghệ thuật; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy những giá trị âm nhạc truyền thống. Trong những tác phẩm của mình, chất liệu dân gian đã được nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sử dụng một cách diệu nghệ tài hoa.

Bản nhạc Xa khơi qua tiếng hát của ca sĩ Anh Thơ trong chương trình Giai điệu tự hào. (Nguồn video: Youtube VTVgo).

Đó là dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh trong Xa khơi, Mơ quê; dân ca miền núi phía Bắc qua Suối mường Hum còn chảy mãi, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó; dân ca Bắc Bộ trong Hà Nội và em; dân ca Nam Bộ được thể hiện trong Xôn xao bến nước, Lỡ hẹn.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh năm 1936 tại tỉnh Nghệ An, mất hồi 9 giờ 7 phút ngày 11/2/2022. Với những đóng góp cho nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã được nhận nhiều giải thưởng danh giá như Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam…

Hóa thân vào mỗi ca khúc, chúng được tái sinh, thăng hoa, đồng loạt phát sáng để làm nên những kiệt tác, góp phần đưa nền âm nhạc dân tộc phát triển lên một nấc thang mới. Đó chính là đóng góp loại biệt của Nguyễn Tài Tuệ cho lịch sử nền âm nhạc đương đại nước nhà.

Nhiều người đã gặp gỡ, trò chuyện, làm việc với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đều nhận thấy rằng họ không tìm thấy chất lãng tử mà nhận thấy sự chỉn chu, tỉ mỉ của ông trong cuộc sống lẫn sáng tác.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và 'chất' nhạc ở lại với đời… - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trong Đêm nhạc Tình quê do Đài PT-TH Nghệ An thực hiện.

Theo đánh giá của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, tuy cả cuộc đời làm nghệ thuật nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ chỉ sáng tác 19 bài hát nhưng tác phẩm nào của ông cũng có đời sống riêng và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, được đông đảo đồng nghiệp đánh giá cao.

Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường đánh giá cao ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó khi nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ viết dựa vào dân ca của dân tộc Nùng. "Đây là ca khúc được tác giả viết bằng trái tim của mình. Mỗi tác phẩm ông viết lên đều được chỉnh sửa nhiều tháng. Trong cuộc sống, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ luôn toát lên vẻ khiêm tốn, ít khi muốn người khác nói về mình và hay lắng nghe người khác nói", nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường chia sẻ.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trong lòng những người ở lại

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Như Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An (nguyên Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An), khuya ngày 10/2/2022 ông nhận được tin nhắn từ người thân nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ thông báo sự sống của nhạc sĩ gạo cội chỉ còn có thể tính bằng giờ. Người thân gửi thêm 2 tấm ảnh cùng ông bên giường bệnh, ân cần mở Xa khơi, Mơ quê… cho nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nghe từ chiếc điện thoại cũ và chỉ dừng khi máy hết pin.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và 'chất' nhạc ở lại với đời… - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Như Khôi thăm nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, Xuân Nhâm Dần 2022.

"Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là một người tài hoa của quê hương xứ Nghệ, của nền âm nhạc đương đại Việt Nam. Cả cuộc đời ông là hành trình tận hiến cho âm nhạc, một tâm hồn lưu lạc luôn khắc khoải niềm thương, nỗi nhớ quê nhà. Lần gặp ông tháng trước, ông chia sẻ và tự vấn "Qua Xa khơi viết thủa thanh xuân và Mơ quê, viết vào lúc "thất thập cổ lai hy", tôi đã phần nào trả được một chút nợ nần với cha ông, với quê hương xứ sở chưa?", ông Nguyễn Như Khôi hoài niệm về nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.

Soạn giả Mai Văn Lạng kể, những tháng năm gắn bó với Ban nghiên cứu âm nhạc dân gian, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đi nhiều nơi, nhất là vùng núi Tây Bắc, Việt Bắc của Tổ quốc và sưu tầm, ký âm, chỉnh lý được khá nhiều bài dân ca và nhạc cổ truyền. Những bài ca ấy sau này được thu thanh và thường xuyên phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. "Vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, tác giả của những ca khúc bất hủ", soạn giả Mai Văn Lạng bùi ngùi.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và 'chất' nhạc ở lại với đời… - Ảnh 7.

Nhà giáo Trần Trung Hiếu chụp ảnh cùng nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trong đêm nhạc Tình quê.

Nhà giáo Trần Trung Hiếu, cho biết anh may mắn được gặp gỡ, chuyện trò nhiều lần với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Trong đó có 2 kỷ niệm đáng nhớ. Lần thứ nhất là tối 7/3/2015 trong đêm nhạc Ân tình Ví giặm tại Hà Nội. Lần thứ hai là trong đêm nhạc Tình quê - đêm nhạc đầu tiên của ông với quê hương được tổ chức tại Trường quay của Đài PT-TH Nghệ An, tối 29/7/2018.

Đêm nhạc Tình quê là sự gói ghém và gửi gắm nỗi lòng của ông, một người Nghệ sống xa quê. Ông đã trả tình, trả nghĩa với quê hương bằng tác phẩm Mơ quê qua giọng hát của ca sĩ Anh Thơ.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và 'chất' nhạc ở lại với đời… - Ảnh 8.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đến thăm nhà thơ Trần Hùng tại Cao Bằng ngày 29/8/2018.

Nhà thơ Trần Hùng hiện sinh sống ở Cao Bằng chia sẻ, anh gặp nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ từ năm 2001. Hai người không thường xuyên gặp nhau nhưng thi thoảng vẫn gọi điện thoại nói chuyện. Lần nào lên Cao Bằng nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng ghé qua nhà thăm Trần Hùng và cho quà. Lúc thì mấy hộp sâm, bánh cốm, lúc thì mấy đĩa nhạc..

"Ông giản dị, khiêm nhu, rất thân tình nhưng hơi chút khái tính. Muốn được ông nhận lại chút quà cũng khó. Quà của lãnh đạo ông càng không muốn nhận. Ông chỉ thật sự là chính mình khi trở về với âm nhạc. Ông đã về miền mây trắng nhưng người dân Cao Bằng sẽ luôn mãi nhớ đến tên tuổi của ông - người đã sáng tạo nên ca khúc bất hủ: Tiếng hát giữa rừng Pác Pó", nhà thơ Trần Hùng trải lòng.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và 'chất' nhạc ở lại với đời… - Ảnh 9.

Ca sĩ Đại Hải trong một lần thăm nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.

Ca sĩ trẻ Đại Hải cũng ngậm ngùi, sinh lão bệnh tử là quy luật của sự sống, ai rồi cũng trải qua. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã trả hết nợ thế gian và để lại cho thế hệ mai sau những ca khúc đồ sộ về nghệ thuật. "Con cầu chúc bác an nhàn trở về phía ánh sáng đầu nguồn cùng thế hệ tiền nhân, những ca khúc của bác sẽ được lưu truyền mãi đời sau. Vĩnh biệt bác - nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ", ca sĩ Đại Hải bày tỏ.

Nghệ sĩ Tiến Hợi qua đời sau 6 ngày phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuốiNghệ sĩ Tiến Hợi qua đời sau 6 ngày phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối

SKĐS - Theo chia sẻ của người thân nghệ sĩ Tiến Hợi, nam nghệ sĩ qua đời sau 6 ngày phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn