Vậy nên gặp ông, tôi thật bất ngờ khi thấy nhạc sĩ U80 vẫn rất mạnh khỏe, sung sức và ấp ủ nhiều dự định sáng tác mới.
Chính xác là vào ngày 15/6/2012, Hội Âm nhạc Hà Nội có tổ chức một buổi cho ông nói chuyện với các hội viên về con đường sáng tác của mình nhân sự kiện nhạc sĩ vừa vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Tan cuộc, trên đường về nhà (xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh), xe máy của ông loạng choạng rồi đổ xuống đường. Người dân đi đường đã đưa ông quay lại Hà Nội cấp cứu ở Bệnh viện Hữu nghị. Thông tin ban đầu cho biết, ông bị tai biến mạch máu não, dẫn tới đột quỵ. Các thầy thuốc thông báo tình hình sức khỏe rất xấu, khó qua khỏi, sẽ “đi” trong thời gian sớm.
Sau khi điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị, ra viện, nhạc sĩ đi châm cứu ở một thầy lang giỏi, vừa chăm chỉ luyện tập thể dục. Bệnh tình dần được hồi phục và đến hôm nay, ông đã trở lại khỏe mạnh bình thường như chưa từng bị sự cố đột quỵ đó.
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, đã từng trải qua một vụ tai nạn thập tử nhất sinh, nhưng nhạc sĩ Ngô Quốc Tính vẫn cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị.
Ngày hôm nay, khi đã bước chân vào nghề báo, qua một vài mối quan hệ, tôi cũng đã trao đổi qua điện thoại với nhạc sĩ Ngô Quốc Tính vài lần và ông có mời tôi về nhà chơi. Thế là, một chiều đông rong ruổi trên đường Quốc lộ 1 để tìm về mảnh đất “sơn thủy hữu tình” Phật Tích, tôi vô cùng thích thú với không gian sống của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính. Đó là khu đất rộng gần 2.000m2 với căn nhà cổ kính được xây dựng theo kiến trúc của người Kinh Bắc xưa, với mảnh vườn rộng rãi trồng đủ các loại cây ăn quả và rau xanh. Ông bảo, mỗi khi sáng tác mà “bí” quá là lại ra vườn câu cá, tỉa cành, tưới cây, nghe tiếng chim hót để lấy lại cảm xúc. Và cũng không ít lần từ những giây phút tĩnh lặng tâm hồn như vậy ông đã nảy ra một tứ nhạc mới. Điều đó lý giải vì sao khi tuổi càng cao nhạc sĩ Ngô Quốc Tính lại sáng tác nhiều hơn, chất lượng càng tốt hơn. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông không ngại dấn thân với những tác phẩm lớn đòi hỏi khắt khe về học thuật.
Có lẽ vì thế mà ngót 20 năm về sinh sống tại Phật Tích, ông đã sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị, được giới chuyên môn đánh giá cao, được công chúng đón nhận. Đó là ca khúc Dòng trăng lúng liếng (Giải Nhất ca khúc nghệ thuật, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2009), hợp xướng Phật Tích (Giải Nhì thể loại thanh xướng kịch - hợp xướng, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2010), vở nhạc kịch Huyền diệu biển (Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2016), thanh xướng kịch Nàng nhũ hương (Giải B, không có giải A, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2017), hợp xướng Nhớ lời di chúc theo chân Bác (Giải B - Giải thưởng sáng tác quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018)... Năm 2012, ông vinh dự được Nhà nước trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật cho 7 tác phẩm, trong đó có 5 ca khúc: Trên công trường rộn tiếng ca, Mai em mười bảy, Hương hồi xứ Lạng, Biên giới tình ta, Dòng trăng lúng liếng và 2 tác phẩm giao hưởng: Ba Đình mùa thu ấy, Huyền tích Trường Sơn.
Nhiều bạn bè giỏi xem tướng số tử vi thường “phán” rằng: Ông về Bắc Ninh (nhạc sĩ quê ở Bình Lục - Hà Nam) sống là đúng, bởi ông mệnh Mộc, còn Bắc Ninh là hướng Đông Bắc, hướng của mưa, của gió... Quả thực, đúng vậy, không chỉ yêu câu hát quan họ mà ông còn tỏ ra ấn tượng với cách ăn, mặc, nói năng và cách quan hệ bạn bè của người dân nơi đây. Tiếp xúc với nhân dân, với nhà sư (đặc biệt chơi thân với Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Phật Tích), ông thấy đây là miền văn hiến, đậm đà trong bản sắc, nơi giàu chất dân tộc cổ của người Việt. Chẳng thế mà người thầy giáo dạy nhạc của ông, là Phó Giáo sư, nhạc sĩ Chu Minh từng nhận xét: “Âm nhạc của Ngô Quốc Tính thấm đẫm màu sắc của dân ca đồng bằng Bắc Bộ và đặc biệt là dân ca quan họ Bắc Ninh”.
Qua cảm nhận của tôi thì dường như ông sống “ở ẩn” một cách đúng nghĩa. Hồi còn công tác (Chánh Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam), ông vẫn sử dụng gmail, facebook, zalo để liên hệ, trao đổi công việc với bạn bè, hội viên nhưng bây giờ ông lại từ chối mọi phương tiện truyền thông đó. Ông bảo, dùng cái đó mất thời gian lắm, động vào khó dứt ra, trong khi mình còn đang muốn tập trung sáng tác âm nhạc. Hỏi chuyện về vụ tai biến năm xưa, ông chỉ cười xòa: “Quan trọng là phải nỗ lực, quyết tâm chiến đấu với bệnh tật. Hơn nữa tôi là một nhạc sĩ thì phải thật lạc quan, yêu đời để vừa chữa bệnh nhưng cũng vừa giữ được tâm hồn sáng tác”.
Trong không gian phòng khách của ông ngập tràn sách và những tác phẩm đã viết và đang viết dở. Ông say sưa kể cho tôi nghe những tác phẩm đang viết dở và gửi gắm vào đó niềm tin về sức sống của nó với công chúng. Trong đó, tôi đặc biệt tò mò với vở nhạc kịch Lũy hoa vừa được Hội Âm nhạc Hà Nội trao giải đặc biệt trong đợt vận động sáng tác âm nhạc về Hà Nội nhân Kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Đây cũng chính là vở nhạc kịch thứ hai của ông sau Huyền diệu biển. Bắt tay vào viết nhạc kịch Lũy hoa, nhạc sĩ đã được con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn Nguyễn Huy Thắng nhiệt tình giúp đỡ khi cho mượn nhiều tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của cha ông. Tuy nhiên, sau đó ông lại tiếp tục phát triển lên thành vở nhạc kịch Hoa lũy thép. Bởi theo ông, Lũy hoa chỉ nói về Liên khu 1 và Trung đoàn Thủ đô năm 1946 thì có phần hơi hẹp. Theo lời giới thiệu của một số bạn bè ông đã về khu vực Nhật Tân để tìm hiểu lịch sử và bổ sung thêm một phần nội dung nữa của vở nhạc kịch. Đó là nội dung khắc họa đậm nét về vùng “lũy thép” Hà Nội sau những năm Pháp phản bội Hiệp định Sơ bộ năm 1946, tái chiếm Hà Nội và một số địa phương khác. Khi ấy, nhân dân ở vùng đào Nhật Tân đã anh hùng chống trả quân địch.
Trong Hoa lũy thép, nhạc sĩ Ngô Quốc Tính đã xây dựng hai nhân vật chính ở làng đào Nhật Tân, đó là cô du kích Bích Đào xinh đẹp, hát hay và người yêu của cô, chàng Đại đội trưởng Trung đoàn Thủ đô, tên Dân. Đào được cấp trên giao nhiệm vụ tình báo, nắm tình hình địch ở địa phương. Song song với đó, còn có tuyến nhân vật phản diện, tên Oanh (biệt hiệu Oanh “đỏng đảnh”) hay ghen ghét, đố kỵ với Bích Đào. Đêm 29 Tết, Đào nhận nhiệm vụ mang lá cờ Tổ quốc bơi ra cắm ở Tháp Rùa nhưng do bị Oanh chỉ điểm nên Đào đã bị Pháp bắt. Quân địch đã dùng nhiều cực hình hòng khai thác thông tin từ cô nhưng bất thành, cuối cùng chúng đã giao kèo “nếu đốt lá cờ thì chúng sẽ tha”. Biết không còn cách nào khác, cô đã đề nghị được xin một chai xăng vờ để đốt cờ nhưng thực ra là để tự thiêu mình. Hình ảnh “ngọn đuốc sống” của nữ chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất đã trở thành biểu tượng cho tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Sắp tới, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam sẽ dựng vở nhạc kịch Hoa lũy thép. Biết rằng sẽ rất tốn kém nhưng nhạc sĩ Ngô Quốc Tính khẳng định: “Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tôi sẽ bán đất để quyết làm một vở nhạc kịch hoành tráng đúng với tinh thần, tầm vóc của một tác phẩm lớn ca ngợi mảnh đất Thăng Long - Hà Nội”. Tin rằng, bằng quyết tâm và khẩu khí như vậy, người nhạc sĩ già sẽ tiếp tục cho ra mắt công chúng nhiều tác phẩm có giá trị hơn nữa.