Nhạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Lương Nguyên: Sống vui sống khỏe cùng âm nhạc

09-02-2019 14:58 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Mùng 6 Tết Kỷ Hợi, bạn sẽ gặp lại người nghệ sĩ hóm hỉnh này trong chương trình “Quán thanh xuân” của Đài Truyền hình Việt Nam - một chương trình cũng lấy chất liệu âm nhạc làm trung tâm như nhiều format ông đã từng làm suốt nhiều năm.

Trăn trở với dân ca

Rẽ vào con ngõ nhỏ trên đường hồ Ba Mẫu (Hà Nội) theo lời chỉ dẫn của nhạc sĩ Lương Nguyên, tôi cũng phải rất vất vả mới tìm được nhà ông bởi con ngõ quá nhỏ hẹp, chỉ 1 phương tiện đi qua là đã chật ních. Thế nhưng, khi bước chân vào sau cánh cổng sắt màu vàng han gỉ, cũ kĩ ấy lại là một thế giới khác. Đó là không gian rộng rãi, thoáng mát của những hàng cau vua, những dàn dây leo, những chậu hoa ngọc thảo, những chú cá vàng đùa bơi tung tăng ở dưới những cái máng đầy nước... Rồi còn là những bậc thềm được kê những tấm gỗ nhưng không phải là gỗ màu tươi sáng, hiện đại mà là những mảnh gỗ đã trải qua thời gian, nhìn như những tấm phên giậu ngày xưa, gợi lên bao hồi ức đẹp về một miền quê thanh bình, yên ả. Chủ nhân của ngôi nhà còn bày đặt một bộ bàn tre, ghế tựa để ông có thể vừa ngồi uống nước vừa ngắm mảnh sân với muôn hoa đua sắc.

Nhiều người khi biết diện tích nhà ông có chừng chưa đến 80m2 nhưng ông đã dành đến 40m2 để làm sân, bèn bảo ông là lãng phí, là chơi “ngông”. Nhưng nhạc sĩ Lương Nguyên gạt đi: “Thành phố này đã quá đông đúc và chật chội, mình phải có không gian mà thở chứ! Hơn nữa, làm sáng tạo nghệ thuật mà không gian bí bách quá thì thật khó để thăng hoa, bay bổng”.

Nhớ về thời đã qua, nhạc sĩ Lương Nguyên kể, ông tốt nghiệp Khoa Nhạc cụ dân tộc, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), sau đó về công tác tại Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam. Tuy nhiên, khác với nhiều người, ông phải đến với âm nhạc không phải vì đam mê mà vì... hoàn cảnh. “Khi ấy, ở nhà nghèo khổ quá nên khi nghe Trường Nhạc có học bổng thế là tôi xin đi học luôn. Và cứ thế, tôi bị cuốn vào dòng xoáy của âm nhạc, đặc biệt là dân ca mà đến giờ vẫn chưa dứt ra được”, nhạc sĩ Lương Nguyên khề khà nói.

Tuy học nhạc dân tộc nhưng ông lại luôn hướng tâm hồn mình đến nhạc nước ngoài. Vào những năm 60 của thế kỉ trước, ông đã bỏ nhiều thời gian để tự học tiếng Pháp với mục đích thông qua các tài liệu Pháp ngữ, ông sẽ biết được người nước ngoài hiểu gì về âm nhạc Việt Nam cũng như hiểu được cái gu âm nhạc người Việt xuất phát từ tư tưởng nhận thức nào?... Nhờ quá trình tự học ấy mà vốn tiếng Pháp của ông ngày càng phong phú, thậm chí ông đã dịch được cả những cuốn sách dày dặn. Không dừng ở đó, ông lại hăng hái đi học tiếng Anh theo lời mời của mấy người bạn: “Lớp tao đang thiếu một thằng!”. Tiếp đó, ông học kinh Phật bởi theo ông, khi đã hiểu được kinh Phật, tức là hiểu được tư tưởng Phật giáo, hiểu được ý nghĩa những câu hát dân ca, vì tư tưởng Phật giáo tác động đến đời sống con người rất lớn, tư tưởng đó thể hiện trong những câu hát.

Đến năm 1970, nhạc sĩ Lương Nguyên bắt đầu lên đường đi tìm những câu hát dân ca. Đến mỗi nơi, có khi nhạc sĩ ở lại hàng tuần. Không chỉ tìm những câu hát, ông còn lăn lộn, tìm hiểu cuộc sống, văn hóa của người dân bản địa. Bởi ông hiểu rằng, với mỗi vùng sẽ có khí hậu khác nhau, con người khác nhau, giọng nói khác nhau, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giọng hát. “Cùng là một cái cày, sao cái cày nơi này làm khác, cái cày ở nơi khác lại khác, hay cũng như cây đàn, người này chơi thì hay, người khác chơi thì dở. Đó là do sự cảm nhận, sự thể hiện của mỗi người khác nhau, khi phát ra âm thanh sẽ khác. Đó chính là cái bản sắc rất riêng của từng dân tộc. Và cái hay, nó thể hiện ở cái độc đáo, cái bản sắc riêng ấy”, nhạc sĩ Lương Nguyên khẳng định.

Vậy nên có hiểu tận cùng về các loại hình dân ca mới thấy hết được cái hay, cái đẹp, cái ý nghĩa của nó. Ông cho rằng, để bảo tồn được dân ca không phải dễ. Điều này đòi hỏi ở những người quản lý văn hóa phải có đường hướng khôi phục và phát triển. Thế nhưng, những người quản lý văn hóa ở hầu hết các Sở Văn hóa hay phòng văn hóa chỉ có chuyên môn về quản lý văn hóa mà ít hiểu sâu về văn hóa dân tộc. Hiện nay, ở một số loại hình dân ca còn có một số nghệ nhân. Nhưng mai này, khi các nghệ nhân ấy không còn nữa, việc bảo tồn và phát triển dân ca sẽ rất khó khăn. Mà các bản dân ca truyền lại hầu như không còn tài liệu gốc, như vậy, việc truyền lại cho các đời sau sẽ bị “tam sao thất bản”... Điều quan trọng hơn, đó là ý thức bảo tồn các loại hình dân ca. Khi mà ta không hiểu hết được cái hay, cái đẹp của nó thì không thể có ý thức bảo tồn.

NSƯT Lương Nguyên và BTV Diễm Quỳnh trong chương trình Quán thanh xuân số 2, được phát vào tối mùng 6 Tết Kỷ Hợi mang tên: Tết của thanh xuân.

NSƯT Lương Nguyên và BTV Diễm Quỳnh trong chương trình Quán thanh xuân số 2, được phát vào tối mùng 6 Tết Kỷ Hợi mang tên: Tết của thanh xuân.

Nghĩ mới, làm mới

Thế nhưng, nhiều người biết đến Lương Nguyên còn là một MC với kiến thức uyên bác nhưng không kém phần dí dỏm, hài hước và đặc biệt là việc sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình mang tính tương tác cao. Vào cái thời mà các trò chơi truyền hình còn chưa phát triển, ông đã cho ra đời một chương trình ấn tượng, lôi cuốn “Bạn yêu nhạc”. Đây cũng là chương trình đầu tiên mà khán giả vừa được chơi, vừa được xem. Ý tưởng của ông là ban đầu sẽ cho khán giả bất ngờ, sau đó họ lại được hát. Và đúng như dự đoán, chương trình đã rất thành công, đã được tổ chức ở hầu hết các thành phố, mà ở đâu người dân cũng nhiệt liệt chào đón. Đó được coi như một cuộc “cách mạng phát thanh” khi phát thanh đã len lỏi vào đời sống, phản ánh đậm nét hơi thở của cuộc sống. Nối tiếp sự thành công, Lương Nguyên lại nghĩ ra hàng loạt chương trình lấy âm nhạc làm trung tâm như: “Làng vui chơi, làng ca hát”, “Nghe nhạc hiệu đoán chương trình”, “Đi tìm ẩn số”...

Các chương trình do ông tổ chức hầu như diễn ra ở sân đình. Thế nhưng có làng không có đình đã đổ hẳn một mô đất trống để làm sân khấu và làm hẳn một con đường dẫn ra đó. Hay như ở một làng khác, khi biết chương trình sẽ được tổ chức ở làng mình, từ 16h chiều, người dân đã kéo ra chật kín khiến cho những người làm chương trình không còn lối đi vào. Đến khi anh em phải dùng loa phóng thanh thông báo, mọi người mới giãn ra.

“Trong một lần đi biểu diễn ở Nhà hát Hòa Bình (TP. Hồ Chí Minh), tôi xuống tận trường đại học mời các em sinh viên đến chơi, vé toàn bộ là miễn phí. Hôm ấy, tôi ném quả còn từ trên xuống, nếu ai bắt được là phải hát. Thật không ngờ, một bạn khiếm thị nhặt được và hát rất hay. Hôm sau, có một tờ báo giật tít là: “CLB âm nhạc mở con đường sáng cho người khiếm thị”. Nhưng đôi khi, chương trình của tôi cũng gặp những sự cố trầm trọng. Đó là lần tổ chức tại một nhà văn hóa ở Phú Yên. Hôm ấy, sân chật kín khán giả, có người không vào được sân bèn trèo lên nhà mái ngói. Khi chương trình đang diễn ra sôi nổi thì mái nhà sập xuống. Tuy nhiên, ông Giám đốc nhà văn hóa hỏi “có chơi nữa không”? Mọi người ùa lên “vẫn chơi”. Hôm sau, một tờ báo lại giật tít: “Yêu nhạc đến gãy... xương sườn”, nhạc sĩ Lương Nguyên nhớ lại.

Sự nổi tiếng của Lương Nguyên được khán giả khắp trong Nam, ngoài Bắc biết đến nhưng rồi ngay cái tên ấy cũng đem lại cho ông không ít chuyện cười ra... nước mắt. Ấy là nhiều lần dòng họ Lương ở các địa phương điện mời ông đến dự giỗ Tổ. Rồi có lần đang làm chương trình thì có người chạy lên sân khấu nói: “Dòng họ Lương nhà tôi thật vinh dự có người như anh”... Sự thật ông là người họ Đặng ở Chương Mỹ (tên khai sinh là Đặng Tuấn Nhuệ). Ông khề khà nói lấy tên bút danh Lương Nguyên vì có thời kỳ đến 10 năm không được... tăng lương.

Mùng 6 Tết Kỷ Hợi, bạn sẽ gặp lại người nghệ sĩ hóm hỉnh này trong chương trình “Quán thanh xuân” của Đài Truyền hình Việt Nam - một chương trình cũng lấy chất liệu âm nhạc làm trung tâm như nhiều format ông đã từng làm suốt nhiều năm. Nhìn những thế hệ trẻ tiếp nối công việc của mình, nhạc sĩ Lương Nguyên xúc động: “Đây là sân chơi mang lại tiếng cười, gợi lại nhiều kỉ niệm với quá khứ bởi hiện nay, trong xã hội hiện đại dường như con người ta đang có xu hướng quay về với quá khứ. Đó là chất men để chúng ta có thể tiếp tục sống tình nghĩa, nhân văn hơn. Hơn nữa, theo tôi, sự phát triển của công nghệ chỉ là phương tiện chuyển tải còn bản sắc văn hóa mới là cái gốc. Và thực tế, sự liên kết phát triển của những thế hệ người làm phát thanh truyền hình không hề bất biến mà luôn được bồi đắp theo thời gian”.

Dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nhạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Lương Nguyên vẫn được trời phú cho sức khỏe cùng với lối sống lạc quan, yêu đời bên cạnh những thành viên trong một gia đình âm nhạc (vợ của ông nguyên là nhạc công của Đài, con trai của ông là nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên). Và như ông quan niệm thì cuộc sống hiện tại với ông là quá viên mãn bởi “mọi tiền bạc, phú quý chỉ là vô nghĩa, mà sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình với nhau mới là bền lâu”.


Đoàn Mai
Ý kiến của bạn