Hà Nội

Nhạc sĩ Lê Mây: Già nhưng không cũ

14-05-2020 04:56 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ở tuổi xấp xỉ 80, trong khi nhiều người trí tuệ và sức khỏe đã không còn tinh anh, sung sức thì nhạc sĩ Lê Mây lại cho rằng khả năng sáng tác, cường độ làm việc và sức sáng tạo của mình vẫn dồi dào như xưa.

Khi nhạc sĩ nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019 - một giải thưởng lớn của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, nhiều người biết tin đã gửi lời chúc mừng. Vậy nhưng nhạc sĩ Lê Mây chỉ khiêm tốn cho rằng: “Nói là sung sướng thì không phải đến mức ấy, bởi mình làm việc một cách bình thường và thành phố công nhận những đóng góp của mình cũng là chuyện hết sức bình thường. Ở đời, việc gì đến thì sẽ đến, thuận lẽ tự nhiên, chứ đừng nên quá vồ vập, mong chờ. Chi bằng hãy cứ làm việc một cách nghiêm túc, say sưa nhưng âm thầm, lặng lẽ. Tuy nhiên, danh hiệu này mang lại niềm vui và phấn khởi ở chỗ bài hát của mình cũng “lọt tai” nhiều người cũng như có cơ hội được tồn tại trong lòng người yêu nhạc”.

Nhạc sĩ Lê Mây hướng dẫn ca sĩ hát bài của mình.

Nhạc sĩ Lê Mây hướng dẫn ca sĩ hát bài của mình.

Về ở “ẩn” ở thôn Cao Trung, xã Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội nhưng tâm hồn ông thì không hề “ở ẩn”. Ngày ngày, ông vẫn say sưa trên phím đàn và với những bản thảo ca khúc, đó như là cách để ông quên đi tuổi tác và làm giảm sự lão hóa. Hỏi ông “bí quyết” để nuôi dưỡng niềm đam mê thì lại nhận được câu trả lời của nhạc sĩ: “Thực ra mình không có việc gì làm thì làm âm nhạc, thậm chí làm âm nhạc để sống. Tất cả cuộc sống mình hiện nay đều phụ thuộc vào ngòi bút của mình. Mình có điều chắc chắn là mình đã vật lộn và học hành một cách rất nghiêm chỉnh, không chỉ học trong sách vở mà còn không ngừng học tập từ đời sống, từ đồng nghiệp và kể cả từ những người trẻ để lối viết không bị cũ đi”.

Bởi ông cho rằng, lứa tuổi mình dễ sa vào lối xưa nên phải viết thế nào để hòa nhập cuộc sống mới, trong đó tiết tấu, nhịp điệu vừa có hồn dân tộc nhưng lại có nhịp điệu trẻ của cuộc sống thì tác phẩm mới “sống được”.

Nếu ai đó có dịp được đến thăm tư gia của ông thì sẽ phần nào cảm nhận được nguồn dưỡng để sự sáng tạo trong ông lại thanh xuân đến vậy. Bởi chỉ cần bước qua cánh cổng là đã thấy một không gian vô cùng lý tưởng với người sáng tác. Trong mảnh vườn nhỏ có ao cá rồi đủ các loại cây trái ra quả quanh năm, sum suê với giàn tai chuột, thiên lý và cả cây vối to cành lá che kín khoảng sân nhà. Vì thế mà ông bảo cứ mỗi lần “bí” từ quá lại ra vườn cuốc đất, câu cá để rồi biết đâu đó một ý nhạc lại bất chợt lóe lên trong đầu như một sự ban phát của ông trời. Nhạc sĩ Lê Mây cũng rất tự hào khi “khoe” với bạn bè về người vợ hết mực yêu thương, chăm sóc, lo lắng cho từng bữa ăn, giấc ngủ của chồng để nhạc sĩ dồn toàn tâm trí và sức lực vào công việc sáng tác.

Nhạc sĩ Lê Mây say sưa trên phím đàn.

Nhạc sĩ Lê Mây say sưa trên phím đàn.

Có lẽ vì thế mà càng cao tuổi, ông lại sáng tác mạnh dạn hơn, xông xáo hơn và có nhiều tác phẩm đi vào lòng công chúng. Sau sự thành công của những ca khúc như Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai, Bắc Ninh - Kinh Bắc, Hà Nội linh thiêng hào hoa, Phía Tây thành phố... thì mới đây, ông đã “trình làng” 2 ca khúc Corona! Ở nhàCOVID-19 sẽ qua. Giữa “cuộc chiến” với đại dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức quyết liệt thì với nhịp điệu sôi nổi, lời bài hát ngắn gọn, súc tích, hai ca khúc nhanh chóng nhận được chú ý từ cộng đồng mạng. Trong đó, ca khúc COVID-19 sẽ qua được hòa âm với một nhạc cụ độc đáo từ thổ dân Úc còn Corona! Ở nhà đã được ca sĩ Bích Ngọc thu thanh chuyên nghiệp và phát sóng trên kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Giữa thời điểm thông điệp “Ở nhà là yêu nước” được người dân hưởng ứng tích cực, bài hát mang tính thời sự, cập nhật.

Nhạc sĩ Lê Mây cho biết, ca khúc mới sáng tác không có mục đích gì khác ngoài việc cổ vũ, đồng tình với chủ trương của Nhà nước chúng ta phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bài hát Corona! Ở nhà với nhịp điệu sôi nổi, tạo không khí vui vẻ, thậm chí đến hài hước. Điệp khúc “Và ta cứ yên tâm ở nhà/Vì thế mà ta cứ yên tâm ở nhà” ở mỗi phần được lặp lại như một thông điệp xuyên suốt động viên người dân bình tĩnh, không hoang mang, cứ yên tâm ở nhà. Bài hát ra đời nhằm khuyến cáo mọi người hãy nâng cao ý thức và tự giác, chủ động phòng tránh dịch. Đây cũng là thời điểm mỗi người, mỗi gia đình nhìn nhận về cuộc sống gia đình, là cơ hội mỗi gia đình sum họp, quây quần bên nhau.

Bình thản sống và viết trong căn nhà bình dị giữa làng quê thanh bình với nhiều cây xanh rợp bóng mát, ngày ngày, nhạc sĩ Lê Mây vẫn cần mẫn “cày cuốc” trên “cánh đồng âm nhạc” để rồi “việc gì đến rồi sẽ đến”. Giữ một sức khỏe tốt cùng sự lạc quan với cuộc đời là “liều thuốc bổ” cho tinh thần để người nhạc sĩ quê nhãn thỏa sức sáng tạo không biết mệt mỏi.


Bạch Đằng
Ý kiến của bạn