Hà Nội

Nhạc sĩ Hồng Đăng, những dấu ấn trong sự nghiệp âm nhạc

21-03-2022 11:22 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Nhạc sĩ Hồng Đăng vừa qua đời nhưng dấu ấn của cha đẻ ca khúc “Hoa sữa” đối với nền âm nhạc nước nhà còn vẹn nguyên theo năm tháng.

Nhạc sĩ Hồng Đăng, tác giả của ca khúc ‘Hoa sữa’ qua đờiNhạc sĩ Hồng Đăng, tác giả của ca khúc ‘Hoa sữa’ qua đời

SKĐS- Nhà văn Ngô Thảo, người bạn thân của vợ chồng nhạc sĩ Hồng Đăng cho Sức khỏe & Đời sống biết tin, tác giả của ca khúc ''Hoa sữa'' nổi tiếng vừa qua đời lúc 5h57 sáng 21/3 tại Bệnh viện Hữu Nghị, hưởng thọ 86 tuổi.

Nhạc sĩ Hồng Đăng là bậc thầy trong âm nhạc

Sinh thời, trong một chương trình âm nhạc, nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ "không hiểu sao tôi lại trở thành nhạc sĩ. Sinh ra ở một vùng quê ở miền Trung, con của một gia đình cán bộ, tôi theo gia đình sơ tán, đổi chỗ ở liên tục hàng năm. Là học sinh vùng kháng chiến, tôi chỉ mơ ước trong tay có một cây đàn nhỏ, một cây sáo nhưng cũng không có. Thế nhưng có một sự tình cờ khi tôi chuyển hướng sang làm âm nhạc và tiếng hát đã đi theo tôi suốt cả cuộc đời".

Nhạc sĩ Hồng Đăng: Những dấu ấn trong nghiệp sáng tác - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Hồng Đăng (1936 - 2022).

Theo nhạc sĩ Hồng Đăng, đêm đêm, cho tận đến khi cuối đời ông vẫn nghe rì rầm tiếng sóng: tiếng sóng của quê hương và tiếng sóng của quá khứ. Biển đã in dấu ấn mãi mãi từ thuở còn thơ và để lại dư âm tiếng hát.

"Các bạn sẽ nghe sóng hát trong Biển hát chiều nay, Biển và cô gái tôi chưa quen, Đảo xa, Nỗi nhớ đêm đại dương, Hạ Long mây trắng, Hoàng hôn xa. Thân phận con người đã in đậm dấu ấn trong ca khúc Lênh đênh lên ký ức đêm và những sắc hoa của cuộc đời cũng đã bay trong giai điệu Kỷ niệm thành phố tuổi thơ", nhạc sĩ Hồng Đăng từng trải lòng.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, nhạc sĩ Hồng Đăng là một người viết nhạc đa tài. Điển hình, trong bài Hoa sữa, nhạc sĩ Hồng Đăng là người trao sự nồng nàn của hoa sữa thành mùi hương đặc trưng cho Hà Nội. Nhạc sĩ Hồng Đăng đồng thời là người viết khúc tráng ca về biển Việt Nam như viết tình ca ngọt ngào và nồng say của tình yêu đôi lứa. Điều này đã được minh chứng trong bản nhạc Biển hát chiều nay.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết thêm, Hồng Đăng còn là người viết chất du ca rất "cừ". Có thể kể đến ca khúc Lênh đênh của ông qua ca từ: Hai đứa như hai vầng mây xa/ Trôi trên sóng bồng bềnh, bồng bềnh /Bao tháng năm đã từng trôi qua/ Mà sao vẫn lênh đênh, lênh đênh…

Nhạc sĩ Hồng Đăng: Những dấu ấn trong nghiệp sáng tác - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Hồng Đăng và nhạc sĩ Văn Cao.

"Ông là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng được đào tạo bài bản. Là khán giả và từng là độc giả lâu năm của ông, làm sao có thể quên được một bậc thầy trong giới âm nhạc như ông", nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ cảm xúc khi hay tin nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời.

Năm 2021, nhạc sĩ Hồng Đăng được nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội bởi ông đã có những "tác phẩm, việc làm xuất sắc, bằng sự gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình". Đặc biệt, bài hát Hoa sữa đã lay động trái tim triệu người dân nước Việt. Hoa sữa là một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội, tuy không có một chữ Hà Nội nào trong ca từ.

Ca khúc Hoa sữa qua tiếng hát Thanh Lam (năm 1997)

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đánh giá, ở Hoa sữa là thiên nhiên ẩn hiện trong tình yêu đôi lứa. Còn ở Kỷ niệm thành phố tuổi thơ thì thiên nhiên đã ùa chật vào ba lô của người lên đường ra mặt trận biên giới. Giai điệu của Hồng Đăng đã làm thổn thức những con tim trai trẻ không cách gì kìm nổi: Trưa nay qua đường phố quen, gặp những tiếng ve đầu tiên, chợt nghe tâm hồn xao xuyến. Điệp khúc tiếng ve triền miên. Đây là tiếng ve của tuổi thơ thành phố, tuổi thơ Hà Nội.

Nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác ca khúc về Bác Hồ chỉ trong 20 phút

Ít ai biết, trong rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ Hồng Đăng, ông có 5 - 6 bản nhạc về Bác Hồ, nổi tiếng nhất là ca khúc Quà tháng năm dâng Bác. Hoàn cảnh sáng tác ca khúc này của nhạc sĩ Hồng Đăng cũng rất đặc biệt.

Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936, quê gốc ở Yên Thành, Nghệ An. Ông qua đời sáng 21/3 do bệnh tuổi già, hưởng thọ 86 tuổi. Với những đóng góp cho nền văn học nghệ thuật, nhạc sĩ Hồng Đăng được trao giải thưởng Nhà nước năm 2001.

Năm 2010, Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức cuộc thi "Giai điệu yêu thương", cuộc thi sáng tác ca khúc về ngành y tế. Nhạc sĩ Hồng Đăng là một thành viên của Ban giám khảo. Với sự tận tâm, công bằng của nhạc sĩ Hồng Đăng và Ban giám khảo, cuộc thi đã chọn được những ca khúc hay để trao giải, mang đến cho cho ngành Y tế nước nhà nhiều bản nhạc ý nghĩa, lắng đọng về người thầy thuốc.

Ca khúc Quà tháng năm dâng Bác do nhóm nhạc Phương Bắc thể hiện.

Theo đó, khoảng đầu tháng 4/1960, nhạc sĩ Hồng Đăng làm công tác giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội. Một hôm, nhà báo Dương Đình Hy ở báo Người Giáo viên Nhân dân tìm gặp ông, đề nghị nhạc sĩ sáng tác một ca khúc mừng sinh nhật Bác Hồ, để báo đăng cho số tới.

Nhận được "đơn đặt hàng", nhạc sĩ Hồng Đăng nhận lời bởi với nhạc sĩ, Bác Hồ là vị lãnh tụ ông rất ngưỡng mộ và yêu quý. Trong buổi trưa hôm ấy, nhạc sĩ Hồng Đăng và Dương Đình Hy đạp xe từ tòa soạn báo số 139 Nguyễn Thái Học (Hà Nội) về nhà, vừa đi vừa trò chuyện. Về tới nhà, nhạc sĩ Hồng Đăng lao vào viết ngay, gần như chỉ là ghi lại cái giai điệu vừa hình thành trong đầu trong lúc đạp xem trên đường.

Nhạc sĩ Hồng Đăng: Những dấu ấn trong nghiệp sáng tác - Ảnh 7.

Nhạc sĩ Hồng Đăng cùng thành viên nhóm nhạc 5 Dòng kẻ (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Tính ra, khi đi từ tòa soạn ở đường Nguyễn Thái Học về nhà ông ở khu Hàng Bông - Thợ Nhuộm, chỉ khoảng 20 phút. Vậy là ca khúc Quà tháng năm dâng Bác được nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác chỉ trong 20 phút nhưng tác phẩm của ông vẫn rất đặc sắc. "Khi nhận lời và bắt tay vào sáng tác, tôi không hề nghĩ bài hát lại sống tới bây giờ và vẫn được nhiều người yêu thích".

Sau khi hoàn thành và được in trên báo Người Giáo viên Nhân dân, vài ngày sau, ca khúc này đã được nghệ sĩ Quý Dương và Trung Kiên thể hiện, phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sau đó, nhiều ca sĩ như Lê Dung, Lệ Quyên, Gia Hội, nhóm 5 Dòng kẻ cũng hát Quà tháng năm dâng Bác, được khán giả yêu mến nhưng thành công nhất vẫn là cặp song ca Quý Dương - Trung Kiên.

Nhạc sĩ Hồng Đăng – cha đẻ của những bản nhạc phim

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Hồng Đăng đã sáng tác hơn 700 tác phẩm ở nhiều thể loại như ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu... Tuy nhiên, có một điều khá đặc biệt, nhạc sĩ Hồng Đăng là tác giả của nhiều bản nhạc phim nổi tiếng, bài hát sau đó thoát ra khỏi màn ảnh để trở thành tác phẩm âm nhạc độc lập.

Những sáng tác của nhạc sĩ Hồng Đăng cho các bộ phim, nổi tiếng như Hoa sữa (phim Hà Nội mùa chim làm tổ), Lênh đênh (phim Đời hát rong), Biển hát chiều nay (nhiều phim về đề tài biển), Nỗi nhớ đêm đại dương (phim Những hạt muối của biển), Biển và cô gái tôi chưa quen (phim Những ngôi sao nhỏ), Không gian xanh (phim Vùng trời)...

Trong đó, ca khúc Hoa sữa trong phim Hà Nội mùa chim làm tổ đã có sức sống riêng, tách ra khỏi bộ phim và được phổ biến rộng rãi. Nhiều ca sĩ như Nhã Phương, Thanh Hoa, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung… đã thể hiện thành công ca khúc này, góp phần đưa tên tuổi của họ đến gần hơn với công chúng.

‘Cơ Bản là Cơ Bản’, những giá trị được vun đắp thời COVID-19‘Cơ Bản là Cơ Bản’, những giá trị được vun đắp thời COVID-19

SKĐS - Tập truyện 'Cơ Bản là Cơ Bản' của tác giả - nhà báo Huy Thông vừa ra mắt, đã mang đến cho thế giới trẻ con một tác phẩm sinh động.

Quỳnh Hoa
Ý kiến của bạn