“Cuộc đời tôi, lênh đênh mãi cũng chỉ vì trót loanh quanh hai chữ - nghệ và sĩ. Nghệ bao hàm hai nghĩa, vừa là cái nghiệp nghệ sĩ, vừa là nơi chôn rau cắt rốn Nghệ An. Còn sĩ ư, chẳng biết hay - dở ra sao nhưng nhiều người có chung nhận xét, rằng Hồng Đăng lúc nào cũng sĩ diện có thừa…”. Cha đẻ của Hoa sữa, của Lênh đênh, của Biển hát chiều nay… đã tổng kết ngắn gọn như thế khi ngoái nhìn lại hơn bảy thập kỷ đời người.
Hai chữ “nghệ” đồng nghĩa với không giàu
Căn nhà nhỏ nép mình khiêm tốn bên bờ đê sông Hồng. Đồ đạc giản dị tới mức khiêm nhường. Thật khó tưởng tượng, tư gia của người nghệ sĩ tài hoa, với vẻ ngoài luôn phong lưu mã thượng, chỉn chu, thanh lịch tới từng chi tiết lại nghèo nàn đến vậy.
Cây đàn piano cũ mèm, bong tróc đến mức khó luận nổi màu gỗ nguyên thủy. Dường như nó đã được gia chủ ưu ái chuyển đổi công năng từ khá lâu. Để thay vì thánh thót vang lên những thanh âm đầy quyến rũ, nó đã trở thành cái bàn chất đủ thứ đồ linh tinh cùng dăm bảy chai rượu nội 100%. Đầu đọc đĩa CD sứt sẹo, nhìn đã biết “thâm niên” phục vụ cũng phải cỡ trên dưới chục năm. Kho tư liệu vô giá suốt một đời tích cóp – những sáng tác khí nhạc và thanh nhạc cùng hàng trăm bài báo viết về nhạc sĩ Hồng Đăng được ông cẩn thận xếp gọn gàng dưới… gầm cầu thang.
Nhạc sĩ Hồng Đăng và nhóm nhạc Năm dòng kẻ.Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Tò mò về cây đàn già nua bao năm nép mình ngay góc cửa ra vào, hóa ra đó là tài sản của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nơi Hồng Đăng từng đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng thư ký tới 3 nhiệm kỳ. Nó đã gắn bó với người nhạc sĩ nhiều năm. Chỉ tiếc sau khi Hội có nhã ý tặng hẳn cho ông có vài tháng, chắc đã quá già nua, nó đành ngậm ngùi tắt tiếng.
Một không gian sống ấm cúng, nhưng không thể nói là gọn gàng, ngăn nắp. Có cảm giác trong căn phòng ấy, mọi thứ được sắp xếp khá tùy hứng, theo một phong cách rất nghệ sĩ, để tiện đâu cũng có thể với tới, ngồi ở vị trí nào cũng có thể kiếm tìm. Bởi Hồng Đăng “nghệ sĩ” từ trong máu. Mà phu nhân của ông, người đàn bà xinh đẹp có vóc dáng như người mẫu và kém chồng cỡ hai chục tuổi ấy cũng “nghệ sĩ” không kém. Chỉ đứng chữ “nghệ” tới mức “thoát tục” như thế, họ mới có thể luôn bên nhau như đôi sam, luôn nói cười rổn rảng như chẳng hề có chút vướng bận lo toan, cả về vật chất lẫn tinh thần. Và có thể nhẹ nhõm khi rời những cuộc vui bè bạn bất tận về nhà, chồng kiên trì chiến đấu với đủ loại tật bệnh, vợ lui cui nấu cơm, sắc thuốc bằng cái bếp than tổ ong khói mù khói mịt. Hỏi thời buổi này mà ông còn nói “không” với bếp gas, Hồng Đăng cười, “loại bếp ấy chỉ dành cho người giàu”. Biết ông đùa mà trên môi tôi vẫn cảm thấy rõ dư vị đắng chát.
Hồng Đăng có lẽ là người “nghệ sĩ” nhất mà tôi may mắn từng được gặp với đủ đầy và trọn vẹn nhất ý nghĩa của từ này. Vì quá đậm chất nghệ sĩ, sau bao năm cần mẫn chắt chiu những giọt mật ngọt ngào nhất cho đời, ông chẳng tích lũy được chút gì có giá trị cho riêng mình. Vì trót đa mang cái nghiệp làm đẹp cho đời, ông chẳng bao giờ cho phép mình đề cập tới chuyện tiền nong – bạn bè, đồng nghiệp cũng không, mà đối tác nhờ cậy cũng vậy. Mặc cả, đòi hỏi khoản tiền thù lao tương xứng cho tác phẩm ư? Lại càng không bao giờ xuất hiện trong từ điển đời ông. Lý giải của ông khá giản dị, rằng cả thế hệ ông đều làm nghệ thuật vô tư, không gợn chút toan tính như thế. Rằng ngày đó chỉ có một khung nhuận bút cố định, cũng chẳng ai nghĩ tới chuyện giành giật phần hơn.
Ông bảo mình sinh ra ở xứ Nghệ, trong một gia đình nhà nho thanh bạch. Nghệ An - mảnh đất cằn cỗi, đói nghèo ấy cũng đã in đậm dấu ấn nơi những đứa con từng chôn rau cắt rốn nơi đây. Ông cũng nghiệm ra, người Nghệ thường có số mệnh vất vả trên con đường học hành, lập nghiệp. Cũng chính vì thế, sức sống, ý chí và nội lực vươn lên luôn tiềm tàng trong họ. Đã mang cốt cách con dân xứ Nghệ, lại có dòng máu nghệ sĩ luôn rừng rực trong huyết quản, “số tôi không giàu được đâu”, ông cười nhẹ.
Và chữ “sĩ” khiến đời mãi “lênh đênh”
Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Hồng Đăng gắn với rất nhiều câu chuyện nửa hư nửa thực luôn khơi gợi trí tò mò. Chuyện cả chục triệu dân miền Trung khốn khổ vì cây hoa sữa được nhân giống quá đà. Chuyện ông “khai sinh” một loài hoa đặc trưng Hà thành mà chẳng biết hình hài nó ra sao. Rồi Hoa sữa có điểm xuất phát từ niềm thương tiếc mối tình đẹp như tiểu thuyết, khi cô tiểu thư nơi phố cổ ra đi vì căn bệnh ung thư….
Nhưng có điều này thì thực 100%: Rằng những ca khúc để đời của ông đều được sáng tác cho nghệ thuật thứ bảy. Lạ một điều là những tác phẩm ấy, dù không thiếu những đạo diễn – diễn viên tài năng, vẫn luôn chịu số phận chìm nghỉm. Hà Nội mùa chim làm tổ có nữ đạo diễn Đức Hoàn, có gương mặt đình đám Như Quỳnh – Trần Vân. Đời hát rong có đạo diễn nổi tiếng Châu Huế, có hai gương mặt ăn khách thời phim thị trường Trần Lực – Thu Hà… Vậy mà khán giả chỉ nhớ tới Hoa sữa, tới Lênh đênh. Và sau này là những Biển hát chiều nay, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, Nỗi nhớ đêm đại dương, Biển và cô gái tôi chưa quen, Không gian xanh…
Ca từ da diết, giai điệu mượt mà và đẹp như những tứ thơ ấy đã có một đời sống riêng, độc lập, bên ngoài khuôn hình. Sức sống mãnh liệt của những bản tình ca ấy, trong trường hợp này, chỉ có thể lý giải bằng một nguyên nhân duy nhất, cái tâm và cái tài của người nhạc sĩ.
Hồng Đăng cũng có lẽ là nhạc sĩ duy nhất sáng tác thành công về mảnh đất rồng bay mà không hề có một chữ “Hà Nội” nào trong ca từ. Chuyện kể rằng, Hội Văn học nghệ thuật HN đã từng năm lần đưa Hoa sữa vào danh sách xét giải, rồi lại ngậm ngùi gạt ra vì chẳng có lý do nào xếp nó chung chiếu với những nhạc phẩm thành công về Thủ đô yêu dấu.
Hồng Đăng đã in đậm dấu ấn trong lòng người yêu nhạc với Lênh đênh. Và “lênh đênh” cũng vận vào đời ông, đến nỗi khi liveshow duy nhất Lênh đênh biển sắp diễn ra, có nhà báo còn “chơi chữ”, rằng “Lênh đênh biển liệu bao giờ cập bến”. Và sở hữu một gia tài âm nhạc đồ sộ đến thế, mà CD ra mắt cũng chỉ khiêm tốn… có một. Quanh quẩn cũng chỉ vì cái sự nghèo. Nghèo thì lấy đâu ra tiền làm album, ra đĩa, tổ chức liveshow đình đám. “Số tôi là vậy, muốn an cư mà biết đến bao giờ mới cập bến bình yên”, ông bảo.
Trong câu chuyện phiếm, ông hay nhắc đến cái số. Rất nhiều người biết, Hồng Đăng rất giỏi về tử vi. Hỏi lá số của đời ông chính xác bao nhiêu phần trăm, ông cười, gần như đúng hết. “Tôi lấy đời mình ra làm vật thí nghiệm mà. Nhưng cái lớn nhất mà khoa học này mang lại, đó là nó giúp tôi hiểu được sâu xa lẽ đời và căn gốc của đạo làm người”.
Hiểu được lẽ đời, ông có thể cười lớn trước mọi nổi chìm. Hiểu lẽ đời, ông giữ lòng mình luôn thanh thản.
Hiểu được căn gốc đạo làm người, ông tìm thấy niềm vui khi được cho. Cho yêu thương, cho tình người. Cho dù đồng lương chỉ tròm trèm dăm ba triệu, cho dù bao năm đồng hành tật bệnh hiểm nghèo, Hồng Đăng luôn là người “tặng quà nhiều nhất VN” với túi áo ngực luôn rách đầu tiên vì phải đựng quá nhiều bật lửa, bút bi…
“Ơi biển Việt Nam, ơi sông Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng/ Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/ Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương”. Hồng Đăng có nhiều nét tương đồng với những câu hát Biển hát chiều nay. Dường như chúng đã vận vào đời ông. Để ông có thể trọn vẹn sống… như một người nghệ - sĩ.
Cúc Phương