Hà Nội

Nhạc sĩ Dương Thụ - “Lắng nghe mùa xuân về”

09-02-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mùa xuân là mùa sinh sôi. Cây cối cỏ hoa đang co ro trong cảnh đông tàn gặp ngày xuân đến bỗng bừng muôn hoa sắc.

Mùa xuân là mùa sinh sôi. Cây cối cỏ hoa đang co ro trong cảnh đông tàn gặp ngày xuân đến bỗng bừng muôn hoa sắc. Trời đất cũng vậy, xuân về làm cho phố xá, con người rạo rực khí xuân. Thế giới không biết có bao nhiêu thơ ca nhạc họa đã được sản sinh khi mùa xuân đến. Việt Nam, chỉ riêng âm nhạc, đố bạn có bao nhiêu bài hát ca ngợi xuân sang?

Một lần, trong chương trình hát trong đêm giao thừa của VTV, Nguyễn Cường ngồi cạnh, nói với tôi: “Bài này của cha Dương Thụ vẫn là bài về mùa xuân mà anh thích nhất”. Khi ấy, trên sân khấu, hai ca sĩ đang hát:

“Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường

Mùa hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng

Và em đợi anh đợi anh như đã hẹn

Nghe trong mưa đêm mùa xuân lặng lẽ sang...”

(Lắng nghe mùa xuân về).

Không chỉ được đồng nghiệp cỡ như Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến... trọng nể, Nguyễn Thụy Kha kể thêm tên ông vào, gọi luôn là tứ quái âm nhạc. Họ không chỉ khen âm nhạc của Dương Thụ, họ khen cả những tản văn một thời của ông. Còn với người cảm thụ tinh tế, đôi khi họ muốn “đã cơn nghiện” thì chỉ nghe một Dương Thụ thôi.

Nhạc Dương Thụ rất gần gũi với con người, có lẽ bởi sự sâu lắng tự nhiên, ngây thơ, chân thật nhưng trong đó cũng da diết thoang thoảng những triết lý nhỏ nhẹ nhân sinh. Với những người phê bình âm nhạc, thấy Dương Thụ chắt được cái tinh hoa của cổ điển hàn lâm, của dân gian Việt và sự tươi mới của nhạc nhẹ. Một phong cách Dương Thụ tạo ra để làm nên tên tuổi mình? Hay chỉ đơn giản là cái tình, cái cảm xúc thật, tươi, đầy thơ ngây của âm nhạc mà tên tuổi Dương Thụ vụt sáng lên, làm người nghe say mê?

“Tiếng mưa rơi ngoài hiên, gió mưa như lạnh thêm

Có con chim họa mi hót trong mưa buồn lắm

Nỗi nhớ anh ngày mưa, nỗi nhớ anh thật sâu đậm...”

Bạn có thấy tài hoa không, ca từ không lên gân, cũng không ủy mị, chỉ là một tâm sự, một câu chuyện nhẹ nhàng, không chút hoa mỹ nhưng cùng với âm nhạc đã làm cho cả người hát lẫn người nghe cứ như bị thôi miên. Chẳng thế mà những Hồng Nhung, Thanh Lam, Trần Thu Hà đến Bằng Kiều, Nguyên Thảo...  đều chọn bài của ông để “khoe giọng”. Họ hát đã hay rồi, dĩ nhiên, nhưng hay như thế nào, hay chất giọng của họ thể hiện ở những bài nào, không thể không kể đến tên những bài hát của Dương Thụ trong số không nhiều những tác giả mà các ca sĩ hàng đầu này chọn.

Nhạc sĩ Dương Thụ.

Nhạc sĩ Dương Thụ.

Tài hoa nhiều nhẽ

Không chỉ là tác giả những bài hát nổi tiếng, Dương Thụ là một trong số ít tác giả tự viết lời, ca từ hay và duyên, thi thoảng ông viết tản văn đầy chất Hà Nội. Tự thiết kế resot cho mình, thiết kế nhà cho Hồng Nhung và nhất là làm đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật không chỉ cho show nhạc của mình mà cho nhiều chương trình nghệ thuật có giá trị. Khởi đầu là “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam”, cho đến những “Điều còn mãi”, những chương trình Dương Thụ chỉ đạo nghệ thuật được giới sang trọng, trí thức của Hà Nội tìm đến. Dĩ nhiên, nghệ thuật thì không phân định, bình dân, chất phác hay cao trọng. Song, những chương trình đó thì nhiều người làm, cũng nhiều người đến. Còn một số khác, có thể do họ ít thời gian, có thể họ chỉ “ăn” được “một chất liệu nhất định”, mà cái “chất liệu đó” chỉ Dương Thụ mới đáp ứng được.

Sinh năm 1943, nhưng trông Dương Thụ khá trẻ so với những người cùng độ tuổi. Đi xe phân khối lớn, giày thể thao, quần bò áo phông, ít ai thấy Dương Thụ cổ cồn - ca vát. Nhưng với âm nhạc thì kỹ đến từng chi tiết và không bao giờ chịu “ngồi yên với cái cũ”, yêu cái đẹp của cũ không có nghĩa là cứ mãi một bề, ông luôn muốn mới, đến mức, có người muốn kiện vì tức. Chat với Mozart, ông viết lời Việt cho Mỹ Linh là một ví dụ. Thời sinh viên (Khoa Văn), cũng đi lao động chẳng khác khổ sai như Phó Đức Phương, một anh kéo xe than, một anh đi chăn lợn để thực hiện ước mơ âm nhạc. Mặc dù trong mọi thời đại, bao giờ cũng phải vượt được những thử thách khác thường mới được gọi là tài năng, nhưng thời sinh viên của Dương Thụ thì cuộc sống bộn bề khó khăn, những con cái nhà tư sản có cái khó của tư sản, người lao động bình dân có cái khó của lao động bình dân, những người “thành phần” như Dương Thụ thì không chỉ thiếu đói như mọi người mà còn nhiều “đoạn trường” phải vượt. Nghe đâu ông thuộc gia tộc họ Dương danh giá có hai cụ cố đỗ tiến sĩ triều Nguyễn là Dương Khuê và Dương Lâm. Dương Thụ cũng là cháu họ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và tiến sĩ, giáo sư Dương Thiệu Tống. Gia đình ông cũng là địa chủ... Sáng tác đầu tay được biết tới là Nhớ làng xưa phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1962 (ngày đó, được đài phát sóng bài hát là một ghi nhận lớn).

Năm 1972, đỗ vào Khoa Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội cùng đợt với Nguyễn Cường, Trần Tiến. Sau đó ông chuyển vào miền Nam, từng làm giảng viên Khoa Lý luận ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Từ 1982, có lẽ thấy mình không thể “chia mình thành nhiều mảnh”, Dương Thụ đã toàn tâm toàn sức với âm nhạc.  

Chương trình “Con đường âm nhạc số 2” mang tên Im lặng đã được làm để vinh danh ông. Còn Dương Thụ thì tự mình làm cho mình những chương trình “Cửa sổ âm nhạc”: 1. Những chuyện kể của tôi; 2. Những ước mơ của tôi. Sống trong Nam nhưng ông luôn nhớ về Hà Nội, ông có ngôi nhà tự thiết kế “vô cùng xanh, yên ắng và đẹp một cách dã man” ở Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM. Ông còn làm một resot nhỏ ở gần chùa Phật Tích, Bắc Ninh rất thơ mộng. Có vẻ như ông luôn đau đáu nhớ về miền Bắc, về Hà Nội nhưng nỗi nhớ của ông bình dị với những ký ức Hà Nội vỉa hè, chè chén 5 xu (một thời đã xưa). Ông không tự nhận là người hào hoa nhưng nhìn ông, người ta thấy một Dương Thụ rất Hà Nội, hào hoa một cách tự nhiên, không như những người cố làm ra vẻ.

Dương Thụ viết không nhiều, không vài ba trăm bài như một số nhạc sĩ khác, nhưng nhiều bài của ông đã khắc sâu trong lòng người yêu nhạc, như: Tiếng sóng biển, Vẫn hát lời tình yêu, Cầm tay mùa hè, Đánh thức tầm xuân, Họa mi hót trong mưa, Em đi qua tôi, Giọt sương trên mí mắt, Hát về anh, Hơi thở mùa xuân, Mặt trời dịu êm, Ru em bằng tiếng sóng... Nghe nói, ông luôn ở top 100, dẫn đầu những tác giả có tiền bản quyền ở Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc.

 Trương Huyền

 


Ý kiến của bạn