Nhạc sĩ Đức Minh và những điều chưa biết

28-07-2018 09:38 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trước khi về Quảng Ninh, năm 1971, Đức Minh (1941 - 2017) đã là một nhạc sĩ nổi tiếng với 2 ca khúc được biết đến rộng rãi lúc bấy giờ là Hoa Pơlang và Trên biển quê hương.

Trong sự thẩm thấu âm nhạc của tôi (dĩ nhiên là còn có những hạn chế) tôi cho rằng, Hoa Pơlang, tác phẩm đầu tay cũng là tác phẩm hay nhất trong cuộc đời làm nhạc của Đức Minh. Trong ca khúc này, phảng phất âm hưởng của dân ca Tây Nguyên (chỉ phảng phất thôi, thì mới hay) mà vẫn rõ bản sắc sáng tạo riêng của Đức Minh, âm nhạc lẫn trong lời và lời ca nhuần nhị mà âm vang... có thể nói là hòa làm một với các giai điệu và tiết tấu âm nhạc. Đức Minh nói với tôi là khi viết ca khúc này, ông chưa từng đến Tây Nguyên và viết là cứ viết thôi, chả nhằm mục đích gì....

Theo tôi, với Hoa Pơlang, Đức Minh viết bằng hồn. Phẩm chất tài năng đó, xuất hiện trong khoảng khắc đó, sau này, Đức Minh được học hành bồi dưỡng hơn nhiều, trình độ tư tưởng và vốn sống nâng lên cao hơn nhiều, vẫn không sao vươn tới được. Đó cũng là một trong những bí ẩn của các sáng tác không riêng có với bất cứ ai. Trong mọi tác phẩm thành công, dù ở bất cứ thể loại nào, đều giấu trong nó ít nhất là một hai bí mật, mà chính tác giả sáng tạo ra nó cũng chỉ có thể mơ hồ cảm thấy nó, nghe thấy hơi thở nhẹ nhàng của nó, tức là của sự sống độc lập phôi thai của nó -  mà không sao diễn giải nó ra được thành lời một cách thấu đáo... Chính nhờ đặc điểm này, mà nó có khả năng sống, sau khi người khai sinh ra nó đã chết.

Vì thế khi về Quảng Ninh, giới văn hóa rất mừng như đón được một vị Trạng nguyên. Mọi đối xử với ông đều tốt hiếm có, mà không một ai trong ngành ghen tị. Cái hay của Quảng Ninh là như vậy. Sòng phẳng với các tài năng, nếu họ nhận ra. Ông được tăng lương vượt bậc, vượt cấp, rút rất ngắn khung thời gian, cũng không một ai thắc mắc. Ông được dành riêng cho sáng tác và nói chung tỉnh làm theo các yêu cầu có thể của ông.

Ngay khi ông có vợ là người Hoa, một cô gái trẻ, đẹp vào loại nhất nhì thị xã Hồng Gai lúc đó, ông ở hẳn trong nhà mẹ vợ là người Hoa..., cả nhà ông vẫn được đối xử như không có gì xảy ra cả..., trong khi tất cả mọi người, kể cả người có chân trong cấp ủy, trong chính quyền và các đoàn thể Nhà nước, cũng không có một ai được như vậy. Bấy giờ có cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, trước và sau năm 1979, kéo dài đến mấy năm, kể cả các hệ lụy của nó. Khách quan mà nói, đó là một gánh nợ ân nghĩa rất cao cả mà Quảng Ninh dành riêng cho ông và từ đó, Đức Minh cố gắng làm việc để đền đáp, dù điều đó diễn ra vô thức hay có ý thức. Và dĩ nhiên cũng là một điều cần được biểu dương. Ông chịu khó phổ thơ của Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc xí nghiệp... và nói chung, những ca khúc ấy, do tay nghề khá sành sỏi của ông, nó cũng vẫn rất dễ tiếp thu và rất được hoan nghênh trong các chương trình biểu diễn, hội diễn.

Điều rất đáng trân trọng ở ông là ông đến hẳn với than, với công nhân mỏ, dường như với tất cả lòng mình, nhưng đến đây, trước mắt ông đã có những ngọn núi, dù lớn hay nhỏ, do các bậc tiền bối và các bậc đàn anh của ông đã tạo ra... Và ông phải vất vả tìm kiếm một con đường riêng, để hy vọng xác lập được một quả núi khác, kích cỡ cũng vừa phải thôi, đặt ở bên cạnh. Điều đó không hề dễ dàng gì và nói chung, không phải ai cũng làm được.

Nhạc sĩ Đức Minh.

Nhạc sĩ Đức Minh.

Trong khoảng 30 năm ở Quảng Ninh, ông viết có lẽ đến 30 ca  khúc về than, nhưng nói chung, chất chuyên nghiệp ít nhiều bị chi phối bởi chất phong trào, do ông tự hòa mình vào đời sống âm nhạc của cộng đồng. Thành công hơn cả, vẫn chỉ có một, là Đất mỏ quê ta. Ca khúc này cũng có âm hưởng dân ca, nhưng cái chất dân ca này do ông tạo ra theo kiểu vấn đáp, nó có nguồn gốc là hát chèo đường của dân chài Quảng Ninh, nếu ông nghiêng hẳn vào xu hướng này, có lẽ thành công sẽ cao hơn. Nhưng ông lại rẽ theo một mô-típ khác, cái mô-típ mà Tố Hữu đã rất thành công trong bài thơ dài nổi tiếng Việt Bắc. Và theo tôi, như thế cũng không sao và được như thế đã là may mắn lắm rồi. Vì sáng tác để có được thành công, thành công trong sáng tác, theo ý nghĩa khoa học của chữ này, khó khăn hơn cả đường lên trời. Tất nhiên đó là nói về các kiệt tác. Còn ca khúc của ông, trong mặt bằng chung, rõ ràng là có nhiều nét nổi trội. Lúc đó, lại được hai ca sĩ có tiếng tiếp sức, trình bày trên Đài Tiếng nói Việt Nam, là Bích Liên và Quốc Đông.

Cảm giác như ông viết cho hai ca sĩ này hát, nên khúc thức và giai điệu rất gắn kết với chất giọng của ca sĩ. Dù trong ca khúc này, phần nhạc chưa hẳn đã nhuần thấm, chải chuốt, mà phần lời thì chưa được thanh thoát cho lắm, lấy ngay Hoa Pơlang, ca khúc thành công trước đây của ông làm thước đo cho chính phẩm chất âm nhạc của ông. Ở đây, ý thức phục vụ của ông có chỗ còn lấn át cảm xúc, chưa tan hẳn trong cảm xúc, điều mà các nhạc sĩ tài danh viết về than, cỡ như Hoàng Vân, Trần Chung, Phạm Tuyên... hoặc gần ông hơn là Nguyễn Cường, Phó Đức Phương..., viết về Quảng Ninh, đã làm được. Do đó, nghe ca khúc của ông, ít nhiều còn thấy khiên cưỡng. Đó là điều thật đáng tiếc. Nhưng biết làm sao. Cả một thời, không chỉ âm nhạc, mà tất cả các loại hình sáng tạo nghệ thuật khác đều thế, vì như bất cứ ai, sáng tạo bất cứ cái gì, người nghệ sĩ đều thực hiện một mệnh lệnh chung, xuất phát từ chính trái tim mình, là phục vụ vô điều kiện cho cách mạng.

Tôi rất gần ông, ông làm nhạc ở bên Sở Văn hóa, tôi làm thơ ở bên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nhiều công việc chung có liên quan, đều thực hiện rất ăn ý và tốt lành, nhưng không có việc gì của tỉnh cần cả hai người cùng góp sức. Vì thế, tôi chỉ thực sự cộng tác với ông duy nhất có một lần, khi ông đã nghỉ hưu, chuyển cả gia đình về  Hà Nội. Đó là ông được Tổng công ty Than Việt Nam mời dàn dựng một chương trình âm nhạc, đến 90 phút, gồm các ca khúc chọn lọc viết về ngành than, dĩ nhiên là ông có hơn 1 bài, nhân một ngày kỷ niệm nào đó, tôi không còn nhớ chính xác. Ông mời tôi lên nhà ông, trên cơ sở các ca khúc ông chọn, tôi sắp xếp lại, viết kịch bản và lời bình. Văn bản hiện tôi vẫn còn lưu trong máy.


Nhà thơ TRẦN NHUẬN MINH
Ý kiến của bạn