Hà Nội

Nhạc sĩ Chu Minh - tác giả ca khúc 'Người là niềm tin tất thắng' qua đời

17-10-2023 09:38 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Do tuổi cao sức yếu, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam - Giáo sư, nhạc sĩ Chu Minh đã vĩnh biệt trần thế ở tuổi 92.

Theo thông tin từ NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, Giáo sư, nhạc sĩ Chu Minh đã qua đời vào khoảng 2h00 sáng ngày 17/10 tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. Ông hưởng thọ 92 tuổi.

Nhạc sĩ Chu Minh có tên khai sinh là Triệu Đạt Hiền, ông sinh ngày 5/1/1931 tại Hà Nội. Trưởng thành trong một gia đình công chức khá giả, từ nhỏ, ông đã bộc lộ niềm đam mê với âm nhạc. Năm 11 tuổi, Chu Minh bắt đầu học đàn vĩ cầm và dành hầu hết thời gian cho nhạc cụ này bên cạnh việc học văn hóa. Sau đó, ông tham gia cách mạng.

Giáo sư, nhạc sĩ Chu Minh - cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam qua đời - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Chu Minh (1931-2023).

Từ năm 1947 đến 1950, ông tham gia cách mạng và công tác tại Đội Võ trang tuyên truyền Ban Tuyên huấn Trung ương. Cũng từ giai đoạn này, ông bắt đầu sử dụng bút danh Chu Minh để sáng tác các ca khúc, trong đó có "Việt Trung Xô" và "Chiến thắng biên giới". 

Sau đó, ông được cử đi học chương trình trung cấp ngắn hạn về âm nhạc tại Vũ Hán (Trung Quốc). Từ năm 1961 đến năm 1965, ông tiếp tục theo học chuyên ngành Sáng tác tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh.

Sau khi tốt nghiệp, ông trở về nước, giảng dạy chuyên ngành Sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), từng có thời gian làm Chủ nhiệm của khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy của trường. Ông tiếp tục sáng tác thanh nhạc và khí nhạc, qua đó dần tạo được phong cách sáng tác riêng cho mình.

Số lượng tác phẩm mà nhạc sĩ Chu Minh sáng tác không nhiều, nhưng ông là người tiên phong và là "bậc thầy" trong nền âm nhạc mới Việt Nam. Ông là một trong số ít nhạc sĩ thế hệ của mình thành công trong cả hai loại hình: thanh nhạc và khí nhạc.

Trong đó, hai ca khúc Người là niềm tin tất thắng và Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam được ông viết ở 2 giai đoạn lịch sử khác nhau của dân tộc đã trở thành các tác phẩm lớn trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nhạc sĩ Chu Minh dâng trào cảm xúc tiếc thương. Tình cảm dành cho vị cha già của dân tộc đã giúp ông sáng tác được các ca khúc bất hủ "Đất nước nghiêng mình"; "Người là niềm tin tất thắng"... 

"Người là niềm tin tất thắng" của nhạc sĩ Chu Minh có sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa tình cảm và lý trí, giữa cảm xúc tự nhiên của trái tim với trí tuệ tỉnh táo. Bài hát được đánh giá là một trong số những ca khúc có giá trị nhất viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh trong nền âm nhạc hiện đại Việt Nam.

Năm 1972, ông tiếp tục ghi dấu ấn với tác phẩm "Đường Trường Sơn chiến công gọi chiến công". Năm 1973, Chu Minh viết "Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam" dựa theo thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Ca khúc được nhiều thế hệ khán giả yêu thích, coi là khúc tráng ca đầy kiêu hãnh và tự hào về dân tộc.

Bên cạnh lĩnh vực sáng tác, nhạc sĩ Chu Minh còn có công lớn trong việc trồng người. Hơn nửa thế kỷ qua, thầy Chu Minh miệt mài truyền dạy cho các lớp nhạc sĩ, mà nhiều người trong số họ nay đã thành danh nổi tiếng như: Trần Tiến, Đức Trịnh, Trương Ngọc Ninh, Ngọc Đại, Tôn Thất Lập,...

Với nhiều đóng góp trong lĩnh vực sáng tác và đào tạo, nhạc sĩ Chu Minh đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật ngay từ đợt đầu tiên, năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017 và nhiều Huân, Huy chương, Giải thưởng âm nhạc khác...

Cuộc đời thăng trầm của "quái kiệt làng hài" Tùng LâmCuộc đời thăng trầm của 'quái kiệt làng hài' Tùng Lâm

SKĐS - Trᴏnɡ lànɡ hài ᴄủa Sài Gòn trướᴄ năm 1975, ᴄó một nɡười được mệnh danh là khônɡ ᴄần diễn, ᴄhỉ ᴄần bướᴄ ra sân khấu thì khán ɡiả đã ᴄười rần rần, đó là nɡhệ sĩ Tùnɡ Lâm.



Tú Diệp (t/h)
Ý kiến của bạn