Hà Nội

'Nhạc rác', hậu kiểm để đánh phủ đầu

15-10-2021 07:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hai bản “nhạc rác” Thích ca mâu Chí, Censored vừa phải trả giá đắt bởi cơ quan quản lý văn hóa đã có quyết định xử phạt mạnh tay.

Rap Việt trở lại, đường xưa có còn bằng phẳng?Rap Việt trở lại, đường xưa có còn bằng phẳng?

SKĐS - Sau mùa đầu tiên thành công vang dội, chương trình Rap Việt đã trở lại. Tuy nhiên, những lùm xùm gần đây của nghệ sĩ Rap Việt trở thành vật cản cuộc thi âm nhạc hot nhất 2020.

Làm sạch "rap rác"

Hai ca khúc nhạc rap "rác": Thích ca mâu Chí, Censored của những người làm nhạc trẻ ngày 13/10 bị Thanh tra Bộ VH-TT&DL ra quyết định xử phạt hành chính. Sự việc này được nhiều người quan tâm và ủng hộ.

Trước đó, dư luận xôn xao và bức xúc khi trên mạng tồn tại, lưu hành bài hát Thích ca mâu Chí của nhóm Rap Nhà Làm. Nội dung bản rap này liên tục sử dụng những ngôn từ dung tục khiến người nghe có cái nhìn méo mó, sai lệch về Phật giáo. Hình ảnh minh họa của clip Thích ca mâu Chí cũng được chế từ một sự tích trong cuộc đời Đức Phật khiến người xem phẫn nộ.

Đòn phủ đầu 'nhạc rác' - Ảnh 2.

Nhóm Rap Nhà Làm với ca khúc Thích ca mâu Chí gây bức xúc dư luận vừa bị xử phạt 45 triệu đồng.

Khi bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ, nhóm tác giả bản nhạc rap Thích ca mâu Chí đã đến chùa Quán Sứ (Hà Nội) - Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để xin lỗi Giáo hội và toàn thể Tăng Ni, Phật tử và cộng đồng Phật giáo. Nhóm tác giả đồng thời xin sám hối tại chính điện chùa Quán Sứ, hứa sửa chữa và không lặp lại sai lầm. Buổi sám hối có sự chứng kiến của đại diện Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cùng thời điểm, bản rap Censored của rapper Chị Cả (tên thật Đinh Thanh Tùng) trên không gian mạng cũng làm cộng đồng phẫn nộ. Bản rap Censored khiến nhiều người hoảng hốt vì ca từ chứa đựng sự dung tục, loạn luân, vô văn hóa.

Công chúng gọi một ca khúc là "rác, bẩn" khi sản phẩm ấy có ca từ, giai điệu nhảm nhí, vô nghĩa, phản cảm, không có giá trị về thẩm mỹ và tính nghệ thuật.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đánh giá bản nhạc này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới giới trẻ - đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Bị cộng đồng mạng lên án dữ dội, rap rapper Chị Cả lập tức đăng đàn xin lỗi khán giả, đồng thời tự nguyện gỡ tất cả các clip, đoạn nhạc Censored trên các kênh youtube, tiktok và các nền tảng âm nhạc trực tuyến khác.

Đòn phủ đầu 'nhạc rác' - Ảnh 4.

Rapper Chị Cả (tên thật Đinh Thanh Tùng) cũng vừa phải trả giá đắt với bản nhạc rác Censored.

Từ phản ánh của truyền thông và dư luận, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) đã vào cuộc và có văn bản đề nghị Thanh tra Bộ VH-TT&DL xử lý tác giả hai bản rap trên. Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, CensoredThích ca mâu Chí có nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

Ngày 13/10, ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL ký 2 văn bản xử phạt hành chính đối với rapper Chị Cả và nhóm Rap Nhà Làm.

45 triệu đồng là mức xử phạt đối với nhóm Rap Nhà Làm, áp dụng theo Khoản 4 Điều 13 Nghị định 38/2021/NĐ-CP "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo". Trong khi đó, rapper Chị Cả bị phạt 35 triệu đồng theo khoản 3 Điều 13 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Cả hai đối tượng bị xử phạt buộc phải tiêu hủy, gỡ bỏ tất cả các bản ghi âm, lưu hành bản ghi âm trên trên môi trường mạng, kỹ thuật số.

Tảng băng chìm nhạc rác 

Trước CensoredThích ca mâu Chí, thực tế đã có một số bản nhạc có ca từ, nội dung thiếu chuẩn mực, vô lối, thiếu tính thẩm mỹ và vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội đã bị "tuýt còi". Thanh tra Bộ VH,TT&DL từng xử phạt hai trang nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam 16 triệu đồng do phổ biến bản ghi âm bài hát Phiếu bé ngoan, Tan Ka Ka (Ganja) có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của Việt Nam.

Đòn phủ đầu 'nhạc rác' - Ảnh 5.

Thời 4.0, nhiều kênh nghe nhạc và phát hành nhạc trực tuyến ra đời phục vụ người yêu nhạc (Ảnh minh họa)

Thời buổi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, các kênh phát hành nhạc trực tuyến mọc lên như nấm sau mưa, việc phát hành ca khúc đối với người chuyên lẫn không chuyên trở nên dễ dàng, nhanh chóng chỉ trong… một nốt nhạc. Bởi vậy, trên các nền tảng nhạc trực tuyến, những bài hát có ca từ vô nghĩa, nhảm nhí, phản cảm, tục tĩu đã xuất hiện như: Lên nóc nhà bắt con gà, Chuyện thằng say, Ô mai chuối, Số nhọ, Mất trí nhớ, Không cảm xúc, Mượn xe nhớ đổ xăng, Nắng cực...

Đáng lo ở chỗ, các bản nhạc rác, nhạc bẩn lưu hành trên không gian mạng gây khó khăn cho công tác kiểm duyệt của cơ quan chức năng. Nếu có trường hợp sai phạm, cơ quan chức năng tiến hành hậu kiểm. Trong khi những bản nhạc rác ngay khi nó xuất hiện, không ít bạn trẻ tìm đến do sự tò mò. Giới trẻ bị "lừa" bởi nhạc rác, nhạc bẩn thường có giai điệu bắt tai, tuy nhiên ca từ lại phản cảm, dung tục và có cả yếu tố bạo lực.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, các ca khúc Censored, Thích ca mâu Chí cho thấy sự dễ dãi, thiếu trách nhiệm với cộng đồng của một số người tham gia sáng tác âm nhạc đại chúng. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện từng đánh giá, nhạc rác đã kéo gu thẩm mỹ âm nhạc của khán giả ngày càng đi xuống.

Đòn phủ đầu 'nhạc rác' - Ảnh 6.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng nhạc rác đã kéo gu thẩm mỹ âm nhạc của khán giả ngày càng đi xuống (Ảnh minh họa).

Một thời nhạc rác làm dậy sóng dư luận, nhạc sĩ Nguyễn Cường lên tiếng và cho rằng, âm nhạc là thứ thanh cao, không thể chấp nhận sự dung tục. Cha đẻ ca khúc Đôi mắt Pleiku nhấn mạnh, giới làm nhạc trẻ có thể "vui đùa" nhưng không được phép làm bẩn âm nhạc bằng ca từ rác.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- tân chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam- cũng đánh giá, các bản nhạc rác đã phần nào ảnh hưởng đến nhân cách, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh có cùng quan điểm, hậu quả đáng ngại nhất mà nhạc rác, nhạc bẩn để lại là sẽ tạo ra một thế hệ trẻ người nghe nhạc mang thẩm mỹ thấp.

Xem thêm video về âm nhạc đang được quan tâm:

MV Vì chúng ta yêu – Sống là hy vọng của ca sĩ Trọng Hiếu lan tỏa năng lượng tích cực ngày COVID-19.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn