Nhạc rác: Hát càng nhiều, tai tiếng càng lắm

16-07-2010 15:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

Chưa bao giờ thị trường âm nhạc trẻ Việt Nam lại nhiễu như hiện nay. Những ca khúc lai căng, bắt chước nhan nhản xuất hiện mà chưa có cách nào ngăn chặn.

Chưa bao giờ thị trường âm nhạc trẻ Việt Nam lại nhiễu như hiện nay. Những ca khúc lai căng, bắt chước nhan nhản xuất hiện mà chưa có cách nào ngăn chặn. Tai hại hơn, cùng với sự phát triển của công nghệ số, dòng nhạc rác phát triển theo cấp số nhân như những con virut và được các trang web âm nhạc phát tán, đầu độc một phần lớn bộ phận lớp trẻ.

1. Năm 2009 được đánh giá là một năm sôi động của làng nhạc trẻ Việt, với mặt tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Cùng với việc đua tốc độ với cơn gió thị trường, làng nhạc trẻ bộc lộ những yếu kém, om xòm đáng phê phán. Nhiều ca khúc của các nhạc sĩ trẻ cất lên, hoặc là rên rỉ thê lương, hoặc là tục tĩu cợt nhả, nhố nhăng, kém nghệ thuật, nhàm chán. Thế nhưng chúng vẫn ngày ngày được sinh ra bởi những sự phù phép có hậu thuẫn của máy tính, kỹ thuật số. Bản thân người sáng tác chẳng có tình cảm, chẳng có trách nhiệm gì với ca khúc của mình mà chỉ làm sao cho nó ra đời càng nhanh càng tốt, không cần biết nó sẽ sống được bao lâu trong lòng công chúng. Anh ta sáng tác theo xu hướng thị trường. Người thể hiện ca khúc đó là những ca sĩ cũng theo thị trường, đôi khi anh ta tự "đẻ" và tự hát, phục vụ một bộ phận công chúng, mà chủ yếu là giới trẻ vốn cũng tò mò, thích phá cách, thích nhốn nháo hơn là thưởng thức một cách hàn lâm. Điều này đã làm ô nhiễm thị trường âm nhạc và để lại dư luận xấu trong lòng đông đảo công chúng. Đứng trước vấn đề này, Hội Nhạc sĩ đã tổ chức nhiều hội thảo, trong đó có hội thảo có tên "Tính dân tộc và hiện đại trong ca khúc trước yêu cầu hội nhập và toàn cầu hóa". Hội thảo nhìn nhận, đánh giá lại thị trường âm nhạc Việt, đặc biệt là nhạc trẻ. Rất nhiều nhạc sĩ đã bày tỏ ý kiến phê phán tình trạng một số nhạc sĩ trẻ đã bê nguyên xi nhạc nước ngoài, xào xáo, chế biến thành của mình. Chỉ có nhạc sĩ Nguyễn Cường lên tiếng bênh vực cho những người sáng tác nhạc trẻ: "Thay vì bức xúc, chúng ta hãy cố gắng tìm những điểm sáng, những nhân tố triển vọng và tôn vinh họ. Hiện nay, ra album quá dễ, trở thành nhạc sĩ cũng quá dễ. Nhưng tôi không có gì băn khoăn. Đó là cuộc chơi của những người trẻ. Trong họ sẽ có tài năng, và đã có. Hãy cho những người trẻ thời gian".

 Dù ca khúc triển vọng có bị coi là thảm hoạ của Vpop nhưng ca sĩ vẫn hát đầy bản lĩnh. (ảnh minh họa)

2.Không riêng gì những bậc cao niên, trung niên, thậm chí một bộ phận thanh niên ngày nay nghe nhạc, chẳng hiểu ca sĩ hát gì và tại sao những bài hát như thế lại có thể được cất lên. Ngoài sự ăn mặc hở hang, hớ hênh, trên sân khấu không ít ca sĩ uốn éo, nhảy múa và khi trình diễn xong bài hát, thì người nghe chẳng thấy trong mình đọng lại cái gì, ngoài một mớ âm thanh hỗn độn inh tai. Người không thích thì phê phán, nguyền rủa. Kẻ thích thì cổ vũ, bảo nhạc trẻ phải như thế, chỉ cần bốc, vui vẻ là được. Xem ra, thời kinh tế thị trường người ta cũng đua nhau thưởng thức những ca khúc... quái gở (?!).

Mấy năm trở lại đây, số lượng nhạc sĩ, ca sĩ tăng lên nhiều. Và chưa bao giờ những người có khả năng hát, kiêm thêm sáng tác ca khúc lại nhiều như hiện nay, đến nỗi, dân gian đàm tiếu có câu: "Nhà nhà đi làm nhạc sĩ". Số lượng ca khúc sinh ra ngày một nhiều đồng nghĩa những ca khúc rác cũng tăng thêm, kéo nhau rơi vào quên lãng, chẳng để lại gì, ngoài một số tiền cho người sáng tác và người hát. Cũng từ đó, sự kiện tụng tăng lên giữa ca sĩ với những người quản lý ca sĩ, giữa nhạc sĩ này với nhạc sĩ kia. Thi thoảng lại thấy phanh phui ra một vụ ăn cắp, vi phạm bản quyền âm nhạc. Dư luận lại một phen bàn tán xôn xao trên báo chí, mạng internet và đời sống thực. Người ta hồ nghi có một "công nghệ" chế tác ca khúc chỉ dựa vào công nghệ. Trong đó, có người đã chỉ hẳn ra trên báo chí, rằng trong "công nghệ" này, người sáng tác chỉ cần dùng máy tính làm cho giọng chủ, nhịp, tempo, máy tính sẽ... lập trình hàng loạt bản nhạc theo dữ liệu pha trộn. Phần hòa âm phối khí cũng vậy. Mọi thứ được làm nhoáng nhoàng, được khỏa lấp bằng mớ âm thanh hỗn độn đánh lừa công chúng.

Mỗi năm, có đến cả trăm ca khúc ra đời từ việc pha trộn tiếng Tây, tiếng Tầu, cắt chỗ này vài lời chỗ kia vài lời rồi ghép lại với nhau. Nhạc sĩ bảo đó là ca khúc, thì ca sĩ và người nghe cũng tạm coi là như thế. Sự dễ dãi trong sáng tác và quản lý đã khiến cho uy tín của làng nhạc trẻ ngày càng xuống dốc. Trong khi có nhiều nhạc sĩ có tài năng và nhiệt huyết thì lại không nổi tiếng bằng những người sinh ra ca khúc rác.

3. Điều gì đã khiến những ca khúc rác đó vẫn tồn tại? Chúng ta cũng không thể đổ hết lỗi cho sự quản lý, cơ chế. Những người nghe (công chúng) thực sự là những người chưa có chọn lọc trong thưởng thức, chưa khắt khe trong thẩm mỹ. Hầu như ý nghĩ dễ dãi, thích kiểu "mì ăn liền", qua loa đã thành chất xúc tác cho dòng nhạc rác phát triển, là cơ sở để dòng nhạc rác có đất tồn tại. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nói chung đã khá hơn trước rất nhiều. Lẽ ra, thị hiếu người dân cũng phải phát triển hơn, nhưng dường như thị hiếu đó đang đi ngược lại với sự phát triển của âm nhạc. Có người tự đặt ra vấn đề, rằng nếu công chúng (tất nhiên chỉ có một bộ phận) nói không với nhạc rác, không dung nạp chúng nữa thì làm sao chúng có thể tồn tại.

Việc giáo dục và định hướng về gu thưởng thức âm nhạc trong nhà trường cũng cực kỳ quan trọng. Lớp trẻ, ngoài được giáo dục về âm nhạc, nghệ thuật, mỹ học và đạo đức ra, cũng nên được dạy để làm sao tránh xa được những luồng nhạc xấu, những ca khúc kém chất lượng, kém văn hóa. Sẽ có những ca sĩ, nhạc sĩ nói rằng họ chỉ làm theo nhu cầu của các bạn trẻ, và việc họ làm là hoàn toàn tốt. Họ cung cấp cho công chúng những món ăn tinh thần khác nhau trong đời sống thường nhật. Các bạn trẻ nghe ca khúc của họ và vỗ tay hoan hô, và học để bắt chước, chứng tỏ những các khúc đó cũng rất cần cho cuộc sống này! Sự ngộ nhận ấy đang giết dần sự sáng tạo có tính chất hàn lâm và tư tưởng thưởng thức lành mạnh. Sự ngộ nhận ấy cũng đẩy ngày càng xa thị trường nhạc trẻ Việt với sự chuyên nghiệp và hội nhập khu vực. Soi vào đâu cũng thấy những bất cập, hời hợt, nhàm chán. Người làm nhạc và đông đảo công chúng chỉ còn nước hy vọng, một ngày nào đó mọi chuyện sẽ khác. Để đợi được ngày đó, chẳng lẽ chúng ta lại chấp nhận sống chung với lũ, với rác?

4. Càng nghe nhạc trẻ, càng thất vọng. Thất vọng vì chất lượng ca khúc yếu kém, thất vọng cả về cách cư xử của giới ca sĩ, nhạc sĩ trẻ với nhau. Lại thất vọng cả sự cư xử của một số ca sĩ, nhạc sĩ trẻ với sự phi văn hóa về đạo đức. Những chiêu câu khách rẻ tiền bằng việc ăn mặc sexy, khêu gợi của nhiều ca sĩ cũng gây ra những tai tiếng trong lòng công chúng. Rồi chuyện phát ngôn bừa bãi cũng làm giảm sự mến mộ của khán thính giả đối với những ca sĩ.

Một ca khúc trước tiên phải nói lên tâm tư, tình cảm của nhân dân mình, dân tộc mình, của hiện thực đời sống một cách nhuần nhuyễn, sâu sắc thì mới mong được công chúng đón nhận lâu dài. Mong sao công chúng tỉnh táo hơn, biết sàng lọc theo thời gian cái gì là nghệ thuật, cái gì là cần thiêt cho đời sống tinh thần. 

Diên Khánh


Ý kiến của bạn