Hoạt động sôi nổi của sân khấu ca nhạc thời gian qua cho thấy sự phát triển đa chiều mà nhạc Việt đang hướng tới. Trong đó, nhạc phòng trà cũng “đóng góp” một hướng đi khá ổn định, giúp ca sĩ và sản phẩm của họ đến gần hơn với khán giả. Tuy nhiên, “sân khấu” phòng trà cũng là một bức tranh nhiều màu sắc.
Cách đây nhiều năm, nhạc phòng trà là một khái niệm mà người ta dễ “thờ ơ”, nói hơi quá thì đó là sự kỳ thị của những người hoạt động trong giới âm nhạc đối với một thể loại sân khấu ca nhạc không chính thống. Nếu phải “mổ xẻ” rõ ràng khái niệm nhạc phòng trà thì sẽ là: nhạc là chính hay trà là chính? Thậm chí, người ta có thể suy luận rằng, nhạc chỉ là yếu tố phụ họa cho trà. Quan niệm này khiến nhạc phòng trà chưa bao giờ dám mơ tới yếu tố đẳng cấp, mà chỉ có thể được chấp nhận dưới hình thức làm tăng “gia vị” cho những tụ điểm đang có nhu cầu hút khách.
Đó là cách nhìn của công chúng, còn đối với những nghệ sĩ đã và đang hoạt động tại các phòng trà, họ cảm nhận như thế nào? Thực tế là có nhiều ca sĩ chạy sô phòng trà còn nhiều hơn cả chạy sô sân khấu chính. Thật khó để xác định rằng, trong số họ, ai gắn bó với ánh sáng huyền ảo phòng trà vì nghiệp cầm ca, ai trong số họ vì cuộc sống, vì cơm áo gạo tiền... Tất cả đều tạo nên những mảng màu riêng, nét hấp dẫn riêng và cả những hệ lụy về văn hóa nhạc phòng trà hiện nay.
Rất dễ đến với cà phê phòng trà tại TP. HCM. |
Phòng trà giải trí
Giới trẻ Thủ đô vẫn xem một số phòng trà giải trí là chốn vui chơi của giới sành điệu và hoạt động sôi nổi nhất của chốn sành điệu này chính là âm nhạc. Giới nghệ sĩ thì cho rằng, nhạc tại các phòng trà giải trí “xem” nhiều hơn là “nghe”. Đây cũng là điểm đến “hái tiền” của nhiều ca sĩ thời thượng. Cũng vì nhu cầu “xem” nhiều hơn nên các ca sĩ biểu diễn tại những phòng trà giải trí cũng “đầu tư” cho hình ảnh nhiều hơn là kỹ thuật.
Một khán giả trẻ cho biết, ấn tượng đầu tiên về nhạc phòng trà giải trí là âm thanh rất mạnh và người đứng trên sân khấu dường như không còn là ca sĩ nữa, khi đó, vai trò của người đứng trên sân khấu không khác trò mua vui là bao... Có thể nói, không khó để hình dung những yếu tố xô bồ đang xâm chiếm âm nhạc diễn ra tại các phòng trà giải trí ngay cả khi bạn chưa từng đặt chân đến đó. Bởi nếu cứ dõi theo các sân khấu ca nhạc lớn thì sẽ thấy, phong cách của ca sĩ trẻ hiện nay, từ âm nhạc, vũ đạo cho đến trang phục đều thể hiện sự “táo bạo” như thế nào.
Tuy nhiên, sân khấu ca nhạc chính thống thể hiện sự muôn màu muôn vẻ thì sân khấu nhạc phòng trà cũng thể hiện nhiều mảng tích cực. Bên cạnh những hoạt động quá sôi nổi của chốn giải trí thì nhạc phòng trà ở một số nơi lại trở thành bến đỗ dễ chịu đối với một số nghệ sĩ và khán giả của họ.
Điểm hẹn của người yêu nhạc
Do nhiều yếu tố tác động nên gu âm nhạc của giới trẻ được phân thành nhiều mảng khác nhau. Nhạc Việt vì thế mà cũng chọn hình thức phát triển an toàn: “tấn công” mọi đôi tai, từ dễ dãi đến khó tính. Tuy nhiên, sự phát triển không đồng đều của các hình thức âm nhạc cũng mang đến nhiều khó khăn với không ít nghệ sĩ.
Ví như nhạc dân gian, một thể nghiệm mới nhanh chóng được khán giả đón nhận nhưng cũng chóng rơi vào “khoảng lặng” trên sân khấu ca nhạc vì kén khán giả. Dễ hiểu vì sao những nhạc sĩ như Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Minh Sơn... hiện nay vẫn là những nhạc sĩ đi đầu xu hướng nhạc dân gian, được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng họ đều không phải là những “đại gia” trong làng âm nhạc. Bên cạnh đó, những ca sĩ đi theo thể loại kén người nghe cũng khó vùng vẫy trong biển âm nhạc hiện nay.
Có thể thấy, nhiều show âm nhạc đình đám, được tổ chức tại những nơi được gọi là “đắc đạo” của sân khấu ca nhạc lại vắng bóng nhiều ca sĩ tài năng như Ngọc Khuê, Kasim Hoàng Vũ, Tùng Dương, Mỹ Dung,... mà thay vào đó là sự lấn át của dàn sao trẻ, thậm chí có người chưa từng được phong danh hiệu. Đó là chưa kể những ngôi sao ca nhạc một thời như NSND Thanh Hoa, NSƯT Hồng Liên... gần như không còn sân khấu âm nhạc đẳng cấp dành cho họ.
Tuy nhiên, nếu là fan của NSND Thanh Hoa hay NSƯT Hồng Liên, khán giả vẫn có thể “gặp gỡ” họ tại các phòng trà, nơi mà những ca khúc bất hủ như Tàu anh qua núi hay Nghe câu quan họ trên cao nguyên vẫn được hát lên như ngày nào với những cảm xúc đặc biệt mà chỉ người nghệ sĩ và người nghe mới có thể cảm nhận.
Không ồn ào, khán giả giữ đúng chữ thưởng thức tạo nên một văn hóa nghe (hiếm thấy ở các tụ điểm, phòng trà ca nhạc hiện nay), và đó là những điều làm nên hình ảnh riêng cho “không gian âm nhạc” của NSND Thanh Hoa.
Mới đây, chương trình Người về bỗng nhớ, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 73 cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn diễn ra tại phòng trà Halo cũng là một trong những hoạt động nghệ thuật sôi nổi của NSƯT Hồng Liên cùng ca sĩ - MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng và nhóm Tâm ca của anh. Chương trình với quy mô nhỏ bé nhưng để lại những ấn tượng đẹp trong giới nghệ thuật. Với khán giả yêu nhạc, họ lại có thêm một tụ điểm thú vị để thưởng thức và sẻ chia niềm đam mê.
Thật khó tìm thấy những ca khúc “vang bóng một thời” được hát trên những sân khấu lớn, lúc này, những tụ điểm âm nhạc nhỏ bé như phòng trà lại chính là nơi người nghe nhạc có chiều sâu tìm thấy những kỷ niệm của họ qua những ca khúc được các nghệ sĩ gạo cội thể hiện. Suy cho cùng, bên cạnh sự phát triển khó kiểm soát, nhạc phòng trà vẫn duy trì những nét văn hóa nghệ thuật riêng và cần được phát huy.
Thu An