Từ sự độc đáo, ra đời sớm
Theo các nhà nghiên cứu sân khấu, nhạc kịch xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1965 với vở Cô Sao do cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác, được công diễn tại Hà Nội với hơn 150 nhạc công, diễn viên và sau này Cô Sao vẫn được dàn dựng lại.
Trên thế giới, đặc biệt là tại các nước phương Tây, nhạc kịch rất được ưa chuộng và là món ăn tinh thần bổ dưỡng với người xem. Đây vốn là một thể loại sân khấu đặc biệt thường bị nhiều người nhầm lẫn với opera, nhạc giao hưởng, kịch hát... Thực ra, nhạc kịch là loại hình sân khấu trong đó có sự kết hợp giữa ca khúc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa của người nghệ sĩ để tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Trong các vở nhạc kịch, nội dung có cả bi và hài. Để xây dựng được một vở nhạc kịch, các nhà hát thường phải bỏ ra một khoản đầu tư kinh phí lớn, đồng thời gần như là nơi hội tụ một số môn nghệ thuật khác, nên dàn dựng một vở nhạc kịch tốn khá nhiều thời gian. Chẳng thế mà nhạc sĩ Huy Tiến đã phải tiêu tốn khoảng 30 năm làm việc không ngừng nghỉ để biến tác phẩm Nhà thờ Đức Bà rất nổi tiếng của đại văn hào Victor Hugo sang vở nhạc kịch đương đại phục vụ khán giả Việt.
Cảnh trong vở nhạc kịch Tấm Cám Musical. Ảnh: Gia Tiến
Những năm cuối thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước, nước ta từng có nhiều vở nhạc kịch tạo được dấu ấn, trong đó phải kể tới Câu chuyện tình của Nhà hát Tuổi trẻ (phần âm nhạc do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sáng tác dựa trên truyện Love Story của Erich Segal) và Yêu trước Phật đài (âm nhạc Trọng Đài) do Đoàn ca múa Hải Phòng dàn dựng. Nhưng sau thời điểm đó, nhạc kịch Việt bỗng trùng xuống mà không ai hiểu rõ nguyên nhân vì đâu. Đến những năm gần đây, nhạc kịch nước ta bỗng trỗi dậy mạnh mẽ với nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, chất lượng... vừa mang tính hiện đại lại cũng đầy truyền thống văn hóa.
Đến trỗi dậy mạnh mẽ
Gần đây, khán giả tại TP. Hồ Chí Minh đã được xem vở nhạc kịch Tấm Cám Musical rất đặc sắc dàn dựng dựa trên câu chuyện cổ tích Tấm Cám của nước ta. Thậm chí, Tấm Cám Musical còn gây nên hiện tượng cháy vé vì khán giả kéo đến Nhà hát Bến Thành xem quá đông, đơn vị sản xuất phải kéo dài thêm ngày diễn để phục vụ công chúng. Câu hỏi được đặt ra, Tấm Cám Musical vì sao lại có sức hút như vậy?
Theo giới chuyên môn, Tấm Cám Musical với nội dung có nhiều điểm mới so với trong câu chuyện cổ tích kinh điển. Sân khấu vở nhạc kịch được thiết kế đầy chất thơ, lãng mạn và hoành tráng với tông màu xuyên suốt tím sen - hồng pastel. Trong vở nhạc kịch này, các nhân vật Tấm, Cám và Hoàng tử đều phải đấu tranh, trải qua thử thách để giành lấy hạnh phúc của mình. Tấm Cám Musical đã thoát khỏi thông điệp của chuyện cổ tích là ác giả ác báo để truyền tải tình chị em và tình cảm gia đình. Các tình tiết ghê rợn của bản gốc đã được xử lý một cách nhân văn. Trong khi đó, phần âm nhạc sử dụng trong Tấm Cám Musical là 15 sáng tác mới có chất kịch với đầy đủ hỷ nộ ái ố; những đoạn đối thoại bằng âm nhạc, chia sẻ tình cảm bằng âm nhạc và đa phần các ca khúc được phối khí bởi dàn nhạc giao hưởng kết hợp với các nhạc cụ dân tộc. Vũ đạo trong Tấm Cám Musical cũng có sự kết hợp của vũ đạo dân gian, trường phái đương đại và cả Jazz Broadway theo hướng hiện đại. Và tạo hình của các nhân vật cũng có sự kết hợp độc đáo giữa hoa văn và họa tiết thời Lý - Trần...
Ngược dòng thời gian, năm 2014, khán giả nước nhà từng “sốt” với vở nhạc kịch Chuyện chàng dũng sĩ do NSƯT Anh Tú chỉ đạo biên tập và trực tiếp dàn dựng. Đây là vở nhạc kịch thuần Việt kể về người anh hùng Đam San trong sử thi Bài ca chàng Đam San của đồng bào dân tộc Êđê ở Tây Nguyên. Bằng cách sử dụng sử thi Đam San, một “chất liệu” thuần Việt để xây dựng vở nhạc kịch, NSƯT Anh Tú đã đưa nhạc kịch có thể dễ hiểu và gần nhất với công chúng. Cũng trong năm này, vở nhạc kịch High School Musical & Chicago của đạo diễn trẻ Khắc Duy cũng ra đời, được Việt hóa với dàn diễn viên hát trực tiếp trên sân khấu, đem đến nhiều cảm xúc cho người xem.
Và chút âu lo
Dù đang có những bước chuyển tích cực, song nhạc kịch Việt vẫn đứng trước những khó khăn nhất định, đặc biệt là nguồn lực con người. Nhiều nghệ sĩ gắn bó với nhạc kịch nước nhà như NSƯT Trần Minh Ngọc, nhạc sĩ Vương Huyền, nhạc sĩ Quốc Bảo... có chung nhận định, Việt Nam hiện nay chưa có trường lớp nào dạy nhạc kịch nên diễn viên, đạo diễn nhà hát đôi khi làm mà như bị “ép” khiến cho vở chưa hoàn hảo. Bên cạnh đó, hệ thống thiết bị kỹ thuật như ánh sáng, âm thanh phục vụ cho một vở nhạc kịch tại các sân khấu nước ta còn hạn chế, đó là chưa kể không gian sân khấu nhỏ khiến tác phẩm chưa phô diễn hết phần hoành tráng. Có lẽ vì thế mà NSND Phạm Thị Thành cho rằng, giới sân khấu Việt vẫn đang mày mò làm nhạc kịch, trong khi nhiều nước xung quanh ta đã có nền tảng vững vàng về bộ môn này.