Hà Nội

Nhạc kịch tìm lại vị thế

29-03-2019 07:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Có tính nghệ thuật và giải trí cao nhưng nhạc kịch nước ta trải qua những thăng trầm thời gian.

Đặc biệt, khi văn hóa giải trí bùng nổ như hiện nay, nhiều người lo nhạc kịch sẽ dần trôi về miền quên lãng. Thế nhưng, thực tế phản ánh điều ngược lại, vì nhiều vở nhạc kịch gần đây tạo được tiếng vang và sức hút, giúp nhạc kịch được là chính mình, tìm lại vị thế vốn có...

Sự bùng nổ của các chương trình giải trí, phim ảnh, âm nhạc, gameshow, truyền hình thực tế... ở Việt Nam những năm gần đây đã tác động đến sự tồn tại và phát triển của các loại hình nghệ thuật truyền thống. Một điều dễ dàng nhận thấy, các buổi diễn ca nhạc của ca sĩ trẻ thường chật cứng khán giả, đặc biệt là giới trẻ; trong khi một buổi diễn cải lương, tuồng, chèo, kịch nói... thì người xem chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hoặc những chương trình nghệ thuật truyền thống chiếu trên tivi bao giờ cũng ít người xem hơn so các gameshow hài, ca nhạc đang “đổ bộ” trên sóng truyền hình Việt. Vì thế, như bao loại hình nghệ thuật mang tính hàn lâm khác, nhạc kịch Việt cũng ít được công chúng quan tâm dù đây là thể loại có tính giải trí cao và đòi hỏi sự nỗ lực cống hiến của người nghệ sĩ.

Cảnh trong Cây sáo thần - vở nhạc kịch thu hút khán giả, tiếp tục được biểu diễn từ tháng 3/2019 ở TP.HCM.

Cảnh trong Cây sáo thần - vở nhạc kịch thu hút khán giả, tiếp tục được biểu diễn từ tháng 3/2019 ở TP.HCM.

Là loại hình sân khấu, nhạc kịch biểu đạt một câu chuyện bằng âm nhạc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa, do đó, đòi hỏi nhiều thứ cùng đạt chuẩn mới có thể trình diễn. Âm nhạc, bối cảnh sân khấu, ngôn ngữ hình thể cùng hợp lại thành một khối thống nhất; đưa những cảm xúc, sự việc của câu chuyện truyền tải đến người xem một cách nhẹ nhàng và truyền cảm nhất, không căng thẳng và có tính giải trí cao là đích đến của các vở nhạc kịch. Đáng mừng, tuy bị “bao vây” bởi nhiều loại hình giải trí thời đại mới nhưng nhạc kịch Việt gần đây đã có nhiều tác phẩm hút người xem và đánh giá cao.

Sau nhiều buổi công diễn luôn chật cứng khán giả thưởng thức năm trước, bắt đầu vào tối cuối tuần từ tháng 3/2019, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM tiếp tục biểu diễn vở nhạc kịch Cây sáo thần của thiên tài Mozart phục vụ nhu cầu công chúng. Trong lần trở lại này, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh chỉ huy đêm diễn, cùng với sự tham gia của các nghệ sĩ Cho Hae Ryong, Phạm Trang, Phạm Khánh Ngọc, Derek Anthony, Đào Mác... Cây sáo thần được hát bằng tiếng Đức cùng với phần thoại bằng tiếng Việt, nội dung câu chuyện xoay quanh những mặt đối lập và thống nhất giữa cái thiện và cái ác, giữa ngày và đêm, giữa đàn ông và đàn bà, giữa đam mê và ý chí, sự hoang dại quyến rũ của đam mê. Vở diễn lộng lẫy cố gắng hoàn thiện từ phục trang được nghiên cứu kỹ lưỡng, động tác hình thể đến cả nhân tướng học của từng nhân vật phụ 3 thị nữ, 3 thiên thần xinh đẹp. Có hơi hướng cổ tích nhưng Cây sáo thần ẩn chứa những thông điệp nhân bản, sâu sắc, không dành riêng cho dân tộc, cá nhân hay xã hội nào. Chính vì thế, nhạc kịch Cây sáo thần lần này trở lại vẫn có sức hút và đem lại cảm giác xốn xang, đợi chờ đối với khán giả.

Cuối năm 2018, lần đầu tiên tác phẩm văn học truyện dài nổi tiếng Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài đã được các nghệ sĩ nhà hát HBSO tại TP.HCM chuyển thể thành vở nhạc kịch cùng tên. Nhạc kịch Dế Mèn phiêu lưu ký kết hợp những chất liệu khác nhau của nhạc pop, rock, âm nhạc dân gian Việt Nam và cả nhạc cổ điển. Êkíp thực hiện nhạc kịch Dế Mèn phiêu lưu ký đã cố gắng chuyển tải những thông điệp thực tiễn, gần gũi đời sống hiện đại như chủ nghĩa “xê dịch” của các bạn trẻ hiện nay, lời cảnh báo thiên nhiên đang bị tàn phá, những mâu thuẫn trong xã hội... Nhờ tính sáng tạo và đầu tư công phu, nhạc kịch Dế Mèn phiêu lưu ký ra mắt đầu tiên nhận về nhiều hiệu ứng tích cực, khán giả yêu mến. Theo nhạc sĩ Vũ Việt Anh, trong năm 2019, vở nhạc kịch Dế Mèn phiêu lưu ký tiếp tục được dàn dựng và hoàn thiện với một đội ngũ nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên múa đông đảo cùng ban nhạc nhẹ, dàn nhạc dân tộc, dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng.

Bên cạnh đó, vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương (biên kịch và tổng đạo diễn Thiên Hương) lấy cảm hứng từ truyền thuyết “Từ Thức gặp tiên” cũng hút người xem thời gian qua. Chuyện tình nàng Giáng Hương có sân khấu lung linh sắc màu tôn vinh diễn xuất của các diễn viên, kích thích trí tưởng tượng cao độ của khán giả. Trong 85 phút, câu chuyện về tình yêu, gia đình, chị em hiện lên trước mắt khán giả, giúp khán giả tin vào những giá trị nhân văn của cuộc sống. Điều đặc biệt hơn, suốt vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương, hơn 20 ca khúc với nhiều thể loại như dân ca Việt Nam, pop ballad, semi-classic, rock, rap, latin do các nghệ sĩ Nam Khánh, Thanh Nguyên, Tấn Đạt, Hoàng Kim... trình diễn đã dẫn dắt khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Có thể nói, nhiều vở nhạc kịch do các nghệ sĩ trong nước thực hiện kể trên chỉ cần âm nhạc cất lên, nghệ thuật kịch và trình diễn của nghệ sĩ phô diễn trên sân khấu, khán giả đã có được những cảm xúc và cảm giác mới mẻ, thú vị, đầy tính khám phá. Đầy tính giải trí nhưng cũng rất đậm nét văn hóa Việt, đầy ắp thân phận và nỗi niềm thời cuộc, những nhạc kịch này luôn có sức hút lớn với khán giả. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho nhạc kịch trong bối cảnh đang bị nhiều loại hình giải trí mới bủa vây, “đánh chiếm” thị phần khán giả.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn