Hà Nội

Nhạc kịch thức giấc

26-11-2020 20:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trước kia chưa được biết đến nhiều bởi tính hàn lâm, thì gần đây nhiều nhạc kịch được làm công phu, sáng tạo và gần gũi với đời sống đương đại đã giúp loại hình nghệ thuật này phủ sóng rộng hơn.

Trên thế giới, nhạc kịch là loại hình giải trí phổ biến và rất hút người xem. Ở Việt Nam, dù nhạc kịch ra đời sớm và có những tác phẩm đỉnh cao như: Cô Sao, Người tạc tượng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Bên bờ Krôngpa (Nhật Lai)... song loại hình nghệ thuật này chưa thật sự phát triển.

Theo giới làm nghề, dựng một vở nhạc kịch tiêu tốn công sức, tiền của và thời gian gấp nhiều lần so với một vở kịch bình thường. Bên cạnh đó, đòi hỏi kỹ năng diễn viên, biên kịch, nhạc sĩ, biên đạo, đạo diễn, ánh sáng, âm thanh đều phức tạp mà kỹ thuật ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Chúng ta cũng chưa có một khoa hay trường nào đào tạo về nhạc kịch.

Nhưng bằng sự nỗ lực và dấn thân của nhiều nghệ sĩ, thời gian gần đây không ít vở nhạc kịch đã để lại dấu ấn với khán giả vì có cách làm sáng tạo.

Nhạc kịch kinh điển Người tạc tượng sau gần 50 năm được dựng lại với những điểm mới đã chinh phục người xem hôm nay.

Nhạc kịch kinh điển Người tạc tượng sau gần 50 năm được dựng lại với những điểm mới đã chinh phục người xem hôm nay.

Sau gần 50 năm kể từ lần biểu diễn đầu tiên, nhạc kịch Người tạc tượng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã được dựng lại qua bàn tay đạo diễn âm nhạc và chỉ huy - nhạc sĩ  Đỗ Hồng Quân, đạo diễn sân khấu NSƯT Trần Lực... Phần âm nhạc của Người tạc tượng đã được biên tập, chắt lọc. Thời lượng vở diễn từ 2 giờ 30 phút từ phiên bản đầu nay rút còn 1 giờ 40 phút để phù hợp với khán giả hiện nay. NSƯT Trần Lực chia sẻ dựng lại vở nhạc kịch kinh điển Người tạc tượng theo hướng trung thành với tác giả về tư tưởng vở diễn. Tuy nhiên, ở thế kỷ XXI, ê-kíp không quá nhấn mạnh vào cuộc chiến giữa người Việt với kẻ thù cụ thể, mà muốn gửi tới khán giả tinh thần yêu nước, quật khởi của người Việt, bất cứ kẻ thù nào cũng sẵn sàng chiến đấu. Sự sáng tạo, đổi mới ấy đã khiến cho sự trở lại của Người tạc tượng được khán giả yêu thích, đánh giá cao.

Đó còn là nhạc kịch Trại hoa vàng (biên kịch Hoàng Trang, đạo diễn NSƯT Ánh Tuyết) gần đây do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Thông điệp vở nhạc kịch truyền tải tới các bạn trẻ đó là cần có ước mơ, khát vọng và đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn, thử thách trên con đường lập thân, lập nghiệp của mình. Đồng thời, nhạc kịch cũng gửi gắm tới các bậc phụ huynh hãy luôn quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu với những mong muốn chính đáng của con trẻ, để từ đó ủng hộ, đồng hành cùng các con chinh phục ước mơ.

Ấn tượng không kém là truyện dài nổi tiếng Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài lần đầu tiên được chuyển thể thành nhạc kịch cùng tên, được thể hiện bởi các nghệ sĩ Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM. Dế Mèn phiêu lưu ký phiên bản nhạc kịch kết hợp những chất liệu khác nhau như pop, rock, âm nhạc dân gian Việt Nam và cả nhạc cổ điển. Nhạc kịch đã nêu bật thông điệp là chủ nghĩa “xê dịch” của các bạn trẻ, lời cảnh báo của thiên nhiên đang bị tàn phá, những mâu thuẫn trong xã hội, đến những giằng xé nội tâm.

Ngoài ra, đạo diễn trẻ Tùng Phi có vở nhạc kịch Tình ca phố. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc, thoại và diễn đã giúp cho Tình ca phố - “nhạc kịch phiên bản Việt” thu hút được một lượng khán giả nhất định bởi tạo ra sự gần gũi và mới lạ nhưng vẫn dễ hiểu, đậm chất trữ tình.

4 năm trước đây, đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh đã tạo nên hiện tượng “cháy vé” với nhạc kịch Đêm hè sau cuốiGóc phố danh vọng khi quy tụ dàn diễn viên chuyên nghiệp, kết hợp giữa nhạc kịch cổ điển và âm nhạc hiện đại như pop, rap, rock thành một chỉnh thể sống động, đầy cảm xúc. Tất cả những điều này, cộng với sự trẻ trung, tươi mới, quyến rũ khiến “nhạc kịch không hàn lâm” của Nguyễn Phi Phi Anh tạo nên được một vẻ đẹp rất riêng, hấp dẫn được công chúng và các nhà chuyên môn đánh giá cao.


Mộc Lan
Ý kiến của bạn