Nhạc Hoa lời Việt, trào lưu không được lòng giới chuyên môn

12-05-2021 09:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Gần đây, nhạc Hoa lời Việt đang quay trở lại sau gần 2 thập kỷ từng “gây bão” thị trường Vpop.

Đầu năm 2021, trên các bảng xếp hạng âm nhạc hay mạng xã hội Facebook, Youtube, Tiktok xuất hiện nhiều ca khúc nhạc Hoa lời Việt, được thể hiện bởi các ca sĩ trẻ như Juky San, Tăng Phúc, Trần Quang Đăng... Không ít ca sĩ, trong đó có cả những tên tuổi lớn như Lam Trường, Đan Trường cũng triển khai dự án cover lại ca khúc nhạc Hoa lời Việt “một thời vang bóng”. Nổi bật gần đây phải kể đến video cặp đôi Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi hát Chỉ là không cùng nhau đã vượt qua sản phẩm kết hợp mới nhất của cặp rapper đình đám Binz - Đen Vâu để chễm chệ trên Top 1 trending Youtube, đạt 22 triệu views.

Trên bảng xếp hạng Top 10 ca khúc Vpop được nghe nhiều nhất quý 1/2021 được công bố dựa trên lượt nghe Zing MP3 và thành tích #zingchart, có đến 3 ca khúc nhạc Hoa lời Việt góp mặt trong danh sách là Cô độc vương của Thiên Tú, Chỉ muốn bên em lúc này của Huy Vạc và JikiX, Chỉ là không cùng nhau do cặp đôi Tăng Phúc - Trương Thảo Nhi thể hiện. Trong đó, Cô độc vương đạt 25 triệu lượt nghe chỉ sau 1 tháng phát hành trên Zing MP3, Chỉ muốn bên em lúc này thu hút 36 triệu lượt nghe sau 2 tháng ra mắt.

Năm 2020, Tình sầu thiên thu muôn lối - ca khúc nhạc Hoa lời Việt của Doãn Hiếu gây sốt trên các diễn đàn mạng. Không ít người dành lời khen tặng cho chàng trai 10X, đồng thời, một số khán giả cũng đặt câu hỏi: Phải chăng, ca khúc nhạc Hoa lời Việt đang hồi sinh? Tình sầu thiên thu muôn lối bắt nguồn từ bài hát Cô phương tự thưởng của ca sĩ Trung Quốc Dương Tiểu Tráng được Doãn Hiếu phối khí và viết lời Việt. Ngay sau khi xuất hiện, Tình sầu thiên thu muôn lối nhanh chóng chiếm lĩnh các bảng xếp hạng âm nhạc Việt và nhận được nhiều phản hồi tích cực của cộng đồng mạng. Video ca khúc trên YouTube cũng đạt được hàng triệu lượt xem trong thời gian ngắn. Tình sầu thiên thu muôn lối được đánh giá là “hiện tượng” âm nhạc đáng chú ý trong năm 2020.

Trước đó, ca khúc Độ ta không độ nàng cũng trở thành ca khúc hot nhất showbiz Việt. Trước khi xuất hiện tại Việt Nam, Độ ta không độ nàng được sử dụng phổ biến trong những clip Tik Tok của giới trẻ Trung Quốc. Trong một thời gian, Độ ta không độ nàng xuất hiện dày đặc trong những clip cover của nhiều nghệ sĩ và các bạn trẻ trên khắp cả nước. Phiên bản gốc cùng tên do Tô Đàm Đàm và Giai Bằng thể hiện, gắn liền với một bộ phim ngôn tình của Trung Quốc.

Nhạc Hoa lời Việt chỉ nên dừng lại ở một thú vui?

Nhạc Hoa lời Việt chỉ nên dừng lại ở một thú vui?

Thú vui mang tính thời điểm

Nếu như đây là xu hướng thịnh hành trong thời gian ngắn và tạo ra làn gió mới cho thị trường nhạc Việt là điều rất nên khuyến khích. Tuy nhiên, nếu tiếp tục để trào lưu này “xâm chiếm” thị trường trong thời gian dài thì rất có thể, các sản phẩm âm nhạc thuần Việt sẽ mất đi tính sáng tạo và lớn hơn là gây tranh cãi về bản quyền. Ca sĩ/nhạc sĩ trẻ Nguyễn Thanh Hưng - chủ nhân nhiều ca khúc hot như Sai người sai thời điểm, Đúng người đúng thời điểm - đã không ngần ngại lên tiếng và đưa ra ý kiến cá nhân về trào lưu nhạc Hoa lời Việt. Anh chia sẻ trên trang cá nhân: “10 bài hát thì có tới 6-7 bài là nhạc Hoa lời Việt. Nhạc Hoa công nhận hay nhưng quá nhiều như thế thì âm nhạc ở Việt Nam không còn là của Việt Nam nữa”. Thậm chí, bên dưới phần bình luận, anh khẳng định dù bị anh chị em bạn bè đồng nghiệp, đối tác không thích thì vẫn phải lên tiếng. Vì nếu không, âm nhạc Việt Nam sẽ dần trở về thời kỳ cách đây hơn 20 năm.

Đồng quan điểm, nhạc sĩ Mew Amazing mới đây cũng thẳng thắn cho rằng anh đang chờ đợi các bài hát nhạc Hoa lời Việt có phần chuyển ngữ xuất sắc hơn. Anh khẳng định, đã không làm thì thôi, nếu chuyển ngữ phải để người nghe thán phục sự tinh tế và sâu sắc của cả tiếng Hoa và tiếng Việt. Mew Amazing chia sẻ thêm, tình trạng vay mượn ca khúc không tuân thủ bản quyền để viết lại lời Việt thành sản phẩm riêng sẽ khiến bản thân trở thành kẻ nghèo nàn.

Không thể phủ nhận, việc đưa trào lưu cũ trở lại đang khiến một nhóm ca sĩ/ nhạc sĩ trẻ trở nên lười biếng, họ sẽ quen thói tìm kiếm một bản nhạc Hoa hot, phổ vào lời Việt là có thể đem đi trình diễn, kiếm tiền. Có lẽ, nhạc Hoa lời Việt chỉ nên dừng lại ở một thú vui, chứ không phải là trào lưu từ thập niên 90 trở lại.


Vũ Quang
Ý kiến của bạn