Thời còn con nít tôi từng hát theo người lớn những câu nhạc chế vui vui. Ví như bài hát Quảng Bình quê ta ơi rất nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Vân thì người ta chế từ câu Quảng Bình, khoan khoan hò khoan thành “Quảng Bình, khoai khoai toàn khoai” hay câu Quảng Bình quê ta ơi, muôn người như một gửi về Trị Thiên tấm lòng sắt son, hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về chung một nhà bị hát tếu táo rằng “Quảng Bình quê ta ơi, muôn người như một mượn nồi không cho tấm lòng sắt son, hẹn ngày chiến thắng ta sẽ nằm chung một giường”... Còn nhiều bài nữa nhưng tôi chép ra đây e không tiện. Còn nhớ, mỗi khi tôi cất lên mấy câu nhạc chế đó, bố tôi lại lừ mắt quát: “Nì, ai cho con hát tầm bậy tầm bạ như rứa. Bây muốn làm quân phản động à!”. Vào lính, thi thoảng tôi cũng nghe người ta hát những câu nhạc chế từ các ca khúc quen thuộc của một số nhạc sĩ nổi tiếng. Lính tráng chỉ nhí nhố dám hát cho nhau nghe sau lưng chỉ huy thôi chứ để mấy ông biết được thì thế nào cũng bị nhắc nhở tức thì. Nhắc lại mấy kỷ niệm vui vui như thế để nói rằng trong xã hội đã, đang và sẽ tồn tại một loại nhạc chế được người khen, kẻ chê, bất phân thắng bại. Và đương nhiên cái loại nhạc chế ấy chỉ tồn tại ở bên ngoài dòng chính thống, nó được nhóm người này ưa chuộng nhưng cũng bị nhóm người khác dị ứng. Tóm lại là phụ thuộc vào khẩu thính của từng người.
Có lẽ chưa bao giờ nhạc chế lại sôi động như thời đại dịch Covid-19 này. Lạ, song song với việc cả nước căng sức gồng mình chống dịch như chống giặc, chúng ta cảm động trước nhiều hình ảnh, cử chỉ tốt đẹp thể hiện đạo lý thương người như thể thương thân của nhân dân ta thì nhiều bài hát chế xuất hiện song song cùng các ca khúc mới về cuộc chiến với kẻ thù vô hình có tên Covid-19. Bắt đầu từ bài Ghen Cô Vy chế theo một ca khúc vốn được nhiều bạn trẻ ưa thích rồi được lừng danh trong nước và cả thế giới. Vũ điệu rửa tay trên nền giai điệu và lời bài hát này (tiếng Việt lẫn tiếng Anh) trở nên quen thuộc, phổ biến với nhiều người. Sẽ là rất hay nếu có vài ca khúc như vậy ra đời; nhưng nhạc chế phòng chống Covid-19 bỗng nhiên trở thành cao trào. Người ta đua nhau đặt lời mới cho những ca khúc đi cùng năm tháng đã từng gắn với sự hào hùng trữ tình của thời dân tộc Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Thơ Tố Hữu). Chế, dàn dựng, hát và tung lên mạng xã hội một cách hồn nhiên, say sưa. Tiêu biểu như trường hợp các ca khúc Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân; Tiếng đàn ta lư của nhạc sĩ Huy Thục... Nội dung lời hát chế chẳng có gì sai nhưng khi đặt nó vào giai điệu của các ca khúc nổi tiếng rất hay đó thì chắc nhiều người nữa bỗng thấy nó sao sao ấy. Cứ na ná như chuyện người ta đang đạo văn, đạo nhạc vậy. Thực lòng mà nói, sẽ có nhiều ý kiến không đồng tình với việc đó, bởi nó có dấu hiệu vi phạm bản quyền và làm mất đi sự sang trọng, đẹp đẽ nguyên thủy của những ca khúc nổi tiếng. Chả lẽ đội ngũ sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp và nghiệp dư trong nước không đủ tâm và tầm để làm ra những ca khúc hay cổ vũ cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19 hay sao? Thực ra, chúng ta cũng đã có những MV không dở, cùng với một số làn điệu dân ca quen thuộc mang nội dung cổ vũ động viên cả nước chống giặc Covid-19 ra đời kịp thời trong giai đoạn này.
Việc đề cao, cổ súy dòng nhạc chế dễ là lợi bất cập hại và hạ thấp nền âm nhạc Việt Nam vốn được trân trọng lâu nay. Công chúng có quyền lựa chọn món ăn tinh thần cho mình nhưng không phải vì thế mà ở tầm vĩ mô chúng ta không định hướng tới những giá trị nghệ thuật đích thực mang dấu ấn sáng tạo của những tài năng. Nhạc chế không đủ sức làm nên một nền âm nhạc tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc được. Nói cách khác nền âm nhạc Việt Nam không vươn tới tầm cao hơn bởi loại nhạc chế này. Muôn năm nhạc chế vẫn chỉ là nhạc chế thôi, nó không bao giờ là những giá trị nghệ thuật đích thực.