Nhà virus học Nga cảnh báo nguy cơ về đại dịch 'cúm mèo' đột biến từ H5N1

22-05-2025 10:17 | Quốc tế
google news

Theo Đài RT, Giám đốc Viện nghiên cứu Gamaleya của Nga, ông Alexander Gintsburg, cảnh báo rằng virus cúm gia cầm H5N1 đang lây lan ở mèo có thể lây truyền sang người và có khả năng bùng phát thành đại dịch chết người.

Nhà virus học Nga cảnh báo nguy cơ về đại dịch 'cúm mèo' đột biến từ H5N1- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Getty Images

Viện nghiên cứu Gamaleya của Nga là cơ quan đứng sau công trình nghiên cứu, chế tạo thành công vaccine Sputnik V – loại vaccine phòng COVID-19 được đăng ký đầu tiên trên thế giới.

Phát biểu với Izvestia hôm 21/5, nhà khoa học Nga này cho biết: “Một nguyên mẫu vaccine phải trải qua thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn I và II đối với chủng virus có khả năng cao lây truyền không chỉ giữa động vật mà còn từ người sang người”.

Theo ông Gintsburg, những đột biến mới của virus H5N1 có thể cho phép chúng lây truyền qua không khí sang người và dẫn đến một cuộc khủng hoảng với hậu quả còn tồi tệ hơn dịch bệnh đậu mùa. “Tỷ lệ tử vong là 50–70% và nếu lây truyền qua đường không khí, bệnh đậu mùa sẽ chỉ như ‘trò trẻ con’ so với những gì có thể xảy ra sau một hoặc hai lần đột biến”, ông cảnh báo.

Ông Gintsburg nhấn mạnh mối đe dọa này nghiêm trọng đến mức Nga cần ngay lập tức phát triển vaccine phòng bệnh một cách nhanh chóng. Ông cho biết rằng cần có một nguyên mẫu sẵn sàng để có thể mở rộng quy mô sản xuất trong ba đến bốn tuần và đưa ra để người dân sử dụng. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng hiện vẫn chưa có chương trình nào như vậy.

Vào đầu tháng 5, các nhà nghiên cứu của Đại học Maryland (Mỹ) đã ghi nhận gia tăng các ca cúm gia cầm ở trên mèo nhà. Nghiên cứu dựa trên dữ liệu trong hai thập kỷ đã phát hiện ra hơn 600 ca nhiễm ở mèo trên 18 quốc gia, với tỷ lệ tử vong vượt quá 50%.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo mèo nhà dễ mắc cúm gia cầm và có khả năng lây truyền bệnh từ động vật sang người, đồng thời nhấn mạnh đến những rủi ro đối với những người tiếp xúc gần với động vật trong thời gian bùng phát dịch bệnh.

Mèo thường mắc virus H5N1 khi ăn phải chim bị nhiễm bệnh cũng như thịt gia cầm sống hoặc sữa chưa tiệt trùng từ gia súc bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chưa xác định rõ tất cả những cách thức lây truyền virus đối với loài mèo, trong đó có những cá thể mèo sống trong nhà không tiếp xúc với môi trường bên ngoài vẫn bị nhiễm bệnh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã báo cáo tổng cộng 974 trường hợp người mắc H5N1 được xác nhận trên 24 quốc gia kể từ năm 2003. Trong số các trường hợp này, 470 trường hợp đã tử vong. Những trường hợp như vậy thường tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm bị nhiễm bệnh.

Dù H5N1 chưa có khả năng lây truyền rõ ràng từ người sang người, nhưng các cơ quan y tế vẫn đang theo dõi chặt chẽ những biến chuyển liên quan do đây là loại virus có thể gây ra tỷ lệ tử vong cao và nguy cơ tiềm ẩn bùng phát thành đại dịch.

Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ vẫn xác định rủi ro của virus H5N1 đối với người dân nói chung là thấp.


Theo Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Ý kiến của bạn