Hà Nội

Nhà vệ sinh công cộng trên thế giới và ở Việt Nam

12-11-2018 13:52 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) từ lâu được cộng đồng thế giới quan tâm. Mỗi nước có những quan niệm và cách làm riêng đối với NVSCC...

Những quan niệm

Mỗi ngày mỗi người đi đại, tiểu tiện từ 6-8 lần. Nếu đường đi, nơi làm việc, bến tàu, xe, nơi vui chơi giải trí... không có NVSCC thì thật bức bối. NVSCC là vấn đề dân sinh, song cũng là vấn đề kinh tế - xã hội. Bắc Kinh, Trung Quốc nêu khẩu hiệu “xây dựng NVSCC là vấn đề tự tôn dân tộc”. Còn tại Singapore, Thủ tướng Goh Chock Tong đã từng tuyên bố: “Tình trạng NVSCC của đất nước là thước đo văn hóa của người dân”. Hiệp hội Nhà Vệ sinh Anh thì thực tiễn hơn đã từng coi “NVSCC góp phần tạo nên đẳng cấp của trụ sở cơ quan, vì chính nơi này đã để lại ấn tượng đầu tiên, khó phai mờ đối với khách đến giao dịch”.

Nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn “5 sao” tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn “5 sao” tại TP. Hồ Chí Minh.

Luật hóa nhà vệ sinh công cộng

Nhận thức được tầm quan trọng của NVSCC, nhiều nước đã xây dựng luật về vấn đề này. Trong các bộ luật toát lên các điểm chính sau:

- Bắt buộc phải có NVSCC: Tại Singapore Luật quy định chi tiết “phải xây dựng NVSCC ở bến xe, bến tàu, siêu thị, nơi ăn uống (nhà hàng, quán caffe, hộp đêm), trung tâm hội nghị, nhà hát, rạp chiếu phim, khu du lịch, công viên, trạm dừng xe buýt, trạm xăng, sân vận động, nhà bơi chung...”. Còn luật xây dựng các bang (Mỹ) quy định yêu cầu ban tổ chức các cuộc vui chơi giải trí, hội hè, sinh hoạt tôn giáo ngoài trời phải có đủ nhà vệ sinh, cứ 100 người thì phải có ít nhất 1 nhà vệ sinh. Trên các tuyến phố ở Bắc Kinh qui định từ 600-800m (tuyến phố lớn) và từ 800-1000m (đối với tuyến phố nhỏ) phải có NVSCC để khách chỉ cần tốn 8-10 phút là có thể tìm được. Như vậy, NVSCC không phải bố trí ngẫu hứng mà được định hình, được duyệt ngay từ khi thiết kế.

- Tiêu chuẩn hóa NVSCC: Các tiêu chuẩn này cũng được quy định rất chi tiết, cụ thể. Ví dụ “Phòng vệ sinh bồn tiểu phải bố trí xa tầm nhìn lối vào chính. Ánh sáng tối thiểu phải có 300 lux. Phải có bồn cầu và bồn tiểu. Bồn cầu phải là bệ ngồi. Mỗi bồn tiểu cũng phải có van xả nước cảm ứng. Phải có bồn rửa tay, vòi nước xà phòng hay bình nước xà phòng, phải có tối thiểu một máy sấy khô tay hay khăn giấy và thùng rác đặt gần bồn rửa tay. Trong phòng dành riêng cho nữ phải có thùng bỏ đồ vệ sinh nữ” (Bộ luật của Singapore). Còn quy phạm xây dựng của Bắc Kinh cũng nêu rõ “thiết kế nhà vệ sinh phải chú trọng đến tính nhân văn, có tính toán đến nhu cầu của người già, phụ nữ, trẻ em, người tàn tật: có lối đi riêng dành cho người tàn tật người đi xe lăn, có tay vịn, có bồn rửa tay xả nước cảm ứng, thậm chí một số có thiết kế giường cho trẻ sơ sinh có thể thay tã lót cho con...”.

Xã hội hóa NVSCC

Tại Mỹ người dân có thể ghé vào bất cứ nơi kinh doanh nào khác của tư nhân (nhà hàng, tiệm caffe, nơi bán thức ăn nhanh, trạm bán xăng...) để vệ sinh mà không nhất thiết phải có giao dịch với nơi đó và không phải trả bất cứ phí nào. Còn ở Anh cách làm có vẻ khéo hơn, NVSCC thường bố trí ở tầng hầm trong các siêu thị. Khách đi đường đi qua cửa chính ở tầng trệt, qua khu mua sắm, rồi mới đến đầu cầu thang dẫn xuống tầng hầm. Vì thế vừa phục vụ khách đi đường, vừa có cơ hội bán hàng. Hàng năm, Hiệp hội NVSCC quyên tiền của các tổ chức từ thiện, đơn vị kinh doanh, các trung tâm giải trí, bệnh viện... nhằm xây dựng NVSCC. Ngược lại một số trường hợp nhà nước lại chi tiền cho tư nhân, nếu xét thấy đó là vị trí nhạy cảm. Nhờ thế mà ở các nước này đã thực hiện được khẩu hiệu “nơi nào cũng có NVSCC” và chống được tệ nạn “bậy ra” không đúng chỗ.

Tuy nhiên, nếu trường hợp nào đi đại tiện không dội nước sẽ bị phạt rất nặng. Nhưng theo các nước, quan trọng nhất vẫn là tổ chức vận động quần chúng. Ngoài ra, người ta còn xếp “sao” cho các NVSCC. Song song, Nhà nước có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho nhân viên quét dọn. Ở Singapore đích thân Thủ tướng hàng năm trao giải cho nhân viên xuất sắc nhất. Còn ở Bắc Kinh gắn việc trả lương thích đáng với trách nhiệm: “phải đảm bảo bất cứ thời gian nào cũng phải sạch sẽ, không có ruồi, chỉ có nhiều nhất 2 con muỗi, thời gian lưu giấy thải không quá 30 phút”...

Tại Việt Nam

Ở nước ta, vấn đề xây mới, lắp đặt và cải thiện chất lượng NVSCC cũng được các cấp, các ngành chức năng của các tỉnh, thành phố quan tâm, đầu tư. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, tổng số nhà vệ sinh trên địa bàn thành phố là 371 nhà (không bao gồm số nhà vệ sinh do Vinasing mới lắp đặt). Trong đó có 113 nhà vệ sinh bằng vỏ thép, hầu hết được xây dựng từ năm 2003 - 2010. Còn lại 258 nhà vệ sinh bằng gạch, hầu hết được xây dựng từ trước năm 1990 nhằm phục vụ nhu cầu vệ sinh tại các khu dân cư và được phân bố trong các khu nhà dân, khu tập thể, nằm sâu trong ngõ. Với hơn 7,7 triệu dân cùng hàng triệu khách du lịch đến với Hà Nội mỗi năm, số lượng 371 NVSCC là quá ít ỏi. Nhằm cải thiện tình trạng thiếu NVSCC trong bối cảnh ngân sách thành phố còn eo hẹp, UBND thành phố đã có chủ trương đầu tư, lắp đặt và đưa vào vận hành 1.000 NVSCC theo hình thức xã hội hóa.

Còn tại TP.HCM mới đây đã triển khai thí điểm mô hình NVSCC thông minh ở trạm xe bus Hàm Nghi, trung tâm quận 1. Để sử dụng mọi người chỉ cần chạm tay vào cửa, nhà vệ sinh sẽ mở ra và sau đó tự động khép lại. Nhà vệ sinh được thiết kế gọn, có xà phòng rửa tay, thùng rác, vòi nước rửa tự động. Ngoài hệ thống quạt thông hút gió, nhà vệ sinh còn lắp đặt đèn báo động, âm nhạc, thậm chí cả hệ thống âm thanh cảnh báo khi người sử dụng thực hiện không đúng quy định...


Hà Thủy Phước
Ý kiến của bạn