Hà Nội

Nhà vệ sinh bệnh viện: Rất cần được quan tâm, vì sao?

08-10-2018 06:24 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sau phong trào đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, Bộ Y tế đã xây dựng đề án bệnh viện xanh - sạch - đẹp, trong đó bệnh viện phải là nơi sạch nhất, trong đó không thể để nhà vệ sinh bẩn tồn tại tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này lại không hề dễ dàng chút nào...

Nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số hài lòng thấp nhất

Nhà vệ sinh ở một số bệnh viện hiện nay luôn trong tình trạng bị ẩm ướt, đọng nước, trơn trượt, tắc, hỏng cần gạt nước, hệ thống thông gió, hút mùi không có, tường tróc lở... Tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương mỗi khi vào nhà vệ sinh nhiều người lại giật mình vì mùi rất khó chịu. Các chậu rửa đều bị hỏng, bịt kín. Nước rỉ xuống sàn nhà hôi hám dù vẫn có người dọn dẹp. Nhiều nhà vệ sinh tuy không mất vệ sinh nhưng nhiều người vẫn ngại bước vào, khi cả nam lẫn nữ đều dùng chung nhà vệ sinh. Đối với các nhà vệ sinh được xây theo kiểu cũ, người bệnh đi vệ sinh “tập thể” và tự múc nước dội...

Nhà vệ sinh bệnh viện đạt tiêu chí của Bộ Y tế.

Nhà vệ sinh bệnh viện đạt tiêu chí của Bộ Y tế.

Qua kiểm tra, đánh giá hàng trăm bệnh viện và cơ sở y tế từ tuyến Trung ương đến tuyến tỉnh, huyện, trong những năm gần đây công tác vệ sinh bệnh viện nói chung, trong đó có nhà vệ sinh đã được cải thiện do các bệnh viện đã được xây mới, cải tạo hoặc nâng cấp... Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát thí điểm chỉ số hài lòng của người bệnh tại 29 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện tại 21 tỉnh thành do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Sáng kiến VN công bố mới đây trên 3.000 bệnh nhân, người bệnh sợ nhất là nhà vệ sinh bệnh viện, nhà vệ sinh có chỉ số hài lòng thấp nhất (3,58/5 điểm).

Ở một số vùng như miền núi, vùng sâu, thiết kế nhà vệ sinh chưa phù hợp với tập quán và đặc điểm tình hình của địa phương nên nhà vệ sinh dù có nhưng chưa được sử dụng, bảo quản đúng…

Theo lý giải từ phía bệnh viện, cơ sở vật chất có thể nâng cấp, người dọn có thể thuê nhưng ý thức giữ gìn vệ sinh chung của người dân rất... khó kiểm soát, nhất là trong tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện như hiện nay.

Hệ luỵ từ nhà vệ sinh bẩn

Nhà vệ sinh trong bệnh viện đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Nhà vệ sinh không đảm bảo sẽ kéo theo những hệ lụy như góp phần làm lây lan bệnh tật. Các nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện, người nhà bệnh nhân, bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện có thể bị các bệnh lây nhiễm truyền qua đường phân, đặc biệt các dịch đường ruột như tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng. Phân người cũng có thể là con đường lan truyền các bệnh dịch nguy hiểm như dịch Ebola, SARS. Việc nhịn đại tiểu tiện do sợ vào nhà vệ sinh bẩn có thể kéo theo những hậu quả nguy hại cho cơ quan tiêu hóa, bàng quang, đường tiết niệu.

Làm thế nào để nhà vệ sinh bệnh viện sạch, đẹp?

Bộ Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai đề án các bệnh viện phải đổi mới toàn diện theo hướng xanh - sạch - đẹp với 40 tiêu chí. Riêng quy định nhà vệ sinh có 14 tiêu chí, quy định chi tiết khu vệ sinh phải có phòng riêng cho nam, nữ, không có mùi hôi, sàn sạch sẽ, không đọng nước, không trơn trượt, có sẵn giấy vệ sinh, thùng đựng rác, có bồn rửa tay và xà phòng hoặc dung dịch rửa tay, có gương...

Về tiêu chuẩn xây dựng nhà vệ sinh trong bệnh viện quy định cụ thể các thiết bị vệ sinh cần có như chậu rửa, bệ xí, bệ tiểu đối với phòng khám và các khoa phòng chuyên môn điều trị. Phòng khám được quy định theo số lần đến khám trong ngày còn các khoa phòng điều trị quy định chung là cứ 2 phòng có 1 bệ xí, 1 bệ tiểu và bệ 1 giặt hoặc cứ 15 người có 1 chỗ tắm, 1 bệ xí, 1 bệ tiểu và 1 bệ giặt. Diện tích trung bình của nhà vệ sinh quy định 9-12 mét vuông. Tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO là ít nhất 20 người có 1 nhà vệ sinh. Trong nhà vệ sinh phải bố trí thiết bị hỗ trợ riêng cho người tàn tật và có bệ xí dành cho trẻ em tại khoa nhi. Nhà vệ sinh cho cán bộ, nhân viên y tế cần được bố trí riêng với của người bệnh.

Để đạt được các tiêu chí trên và duy trì nhà vệ sinh sạch, đẹp trong các cơ sở y tế, thiết nghĩ về thể chế, cần có các quy định, hướng dẫn cụ thể về thực hiện vệ sinh trong cơ sở y tế, trong đó quy rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị chuyên môn kỹ thuật, người đứng đầu cơ sở y tế. Cần đẩy mạnh việc thanh kiểm tra các bệnh viện, cơ sở y tế để đảm bảo tốt việc thực thi các quy định, hướng dẫn này. Các cơ sở y tế cần đầu tư kinh phí để xây dựng và duy trì nhà vệ sinh sạch, đẹp. Đẩy mạnh việc truyền thông, nâng cao năng lực và nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của các nhà quản lý bệnh viện, nhân viên y tế và chính những người bệnh, người dân về quản lý, sử dụng, bảo quản, duy trì vệ sinh bệnh viện nói chung, trong đó có nhà vệ sinh.Đã đến lúc chính các nhà quản lý bệnh viện cần nhận thức rõ rằng vệ sinh và nhà vệ sinh bệnh viện là một trong những khía cạnh quan trọng, cần được ưu tiên trong nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại cơ sở mình.


Mai Hương
Ý kiến của bạn