Đọc những bài viết có tính hồi cố của Vũ Bằng, điều ta có thể nhận thấy ngay: Ông là nhà văn rất sòng phẳng với đời. Ông sẵn sàng kể tội mình, mặc dù điều ấy có thể khiến không ít bạn đọc phải thốt lên: “Nào ai có khảo mà lại xưng như thế?”.
Trong bài viết Hồ Dzếnh: Nhà thơ độc đáo địu con đi xin bú thép khắp khu tư in trên một tập san ở Sài Gòn thời kỳ trước 1975, Vũ Bằng đã không ngần ngại kể lại nỗi xấu hổ của mình khi nhận thấy “có lẽ Hồ Dzếnh tưởng là tôi đã “nâng đỡ” anh trên mặt báo để cho anh có tiếng tăm như bây giờ”. Xấu hổ là vì: “Thực ra, tôi không làm được gì cho Hồ Dzếnh lúc anh mới bước vào trường văn, trận bút. Thơ của anh không những tôi bỏ đi mà ngay đến những truyện ngắn đầu tay của anh viết tôi cũng không xếp. Cái truyện ngắn làm cho anh nổi tiếng trước khi anh nổi tiếng về thơ, nhan đề là “Nhà đông con” không phải do tôi chọn. Nói rất thành thực, chuyện đó do Nguyễn Doãn Vượng yêu cầu tôi đăng tải”.
Ở bài Từ Hoàng Tích Chu qua Nguyễn Khắc Hiếu đến Trúc Quỳnh, Nghiêm Xuân Huyến, Vũ Bằng... thú nhận: “Lúc nhỏ tôi mất dạy không chê vào đâu được”.
Ở bài Sang Nhật Tân, ông kể: “Tôi dốt, nhưng tòa soạn, nhất là Tạ Đình Bính không phản đối mà lại còn khuyến khích tôi. Thành ra được thể, tôi chửi “tuốt mo”, chửi văng mạng, chửi đời tư của người ta một cách bỉ ổi... đến nỗi ai cũng phát ghét và Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng tức quá cũng đe thuê du đãng đánh cho tôi... bỏ mẹ! Nhưng vốn là ngựa non háu đá, lại thêm cái tính điếc không sợ súng, tôi lại lấy thế làm hãnh diện...”. Cũng trong bài này ông còn viết: “Vốn trẻ người non dạ mà lại hỗn, tôi nhận ngay làm công việc đó, bất cứ cái gì cũng chửi vung xích chó”. Chửi ai? Vũ Bằng cho biết: “Như hầu hết các ký giả trẻ khác hồi đó, chỉ còn biết quay ra chửi bậy, chửi cá nhân, chửi đời tư của những người mà mình ghét và nhất là chửi đồng nghiệp”. Lý do: “Nghe đâu báo của nó bán chạy hơn báo của mình”. Để rồi sau này ân hận: “Quả thật tôi thấy cái tác phong làm báo của tôi hồi ấy quả là... ê trệ”.
Trong bài viết có tên Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng kể chuyện ông chơi trò xỏ lá với Ngô Tất Tố khiến nhà văn đàn anh uất hận không để đâu cho hết, đã gọi Vũ Bằng là “đồ vô lại” và xếp ông vào “hàng ngũ thành tích bất hảo”. Điều này đã làm Vũ Bằng mãi sau này còn ân hận và “tự nguyền rủa sao lại có thể đem một linh hồn ra đùa giỡn một cách vô học, vô liêm sỉ đến như thế được”.
Không ít bài Vũ Bằng đã cho bạn đọc thấy thuở nhỏ ông học lực yếu, sau này đi làm báo đã “sa đọa, hút xách, rượu chè be bét, trí nhớ lại càng tồi”. Ông kể mà giọng văn đầy day dứt.
Sau Cách mạng Tháng Tám, nhà văn Nam Cao có truyện ngắn Đôi mắt được giới văn học đánh giá là một trong những truyện thể hiện nhãn quan mới. Không phải ai cũng biết nhân vật Hoàng, nhân vật nổi tiếng với câu chửi thán phục “tiên sư thằng Tào Tháo” trong truyện ngắn này có nguyên mẫu là nhà văn Vũ Bằng. Theo nhà văn Tô Hoài kể lại (sách Những gương mặt - NXB Hội Nhà văn, 1995): Thời kháng chiến chống Pháp, Nam Cao trong chuyến từ Hà Nam lên Việt Bắc đã gặp vợ chồng Vũ Bằng đang tản cư ở vùng trung du Quế Quyển. Cuộc gặp gỡ này đã được Nam Cao miêu tả trong truyện ngắn kể trên. Điều đáng nói là sau này, đọc các hồi ký của Vũ Bằng in ở Sài Gòn, người ta biết được rằng Vũ Bằng có đọc và nhận thấy truyện ngắn ấy của Nam Cao là viết về mình. Vũ Bằng viết rằng ông bằng lòng Nam Cao đã miêu tả ông như nhân vật Hoàng, con người mơ màng bước vào trường kỳ kháng chiến, cái anh chàng nửa chán đời, nửa yêu đời, nửa thông minh, nửa dở hơi, vừa đi kháng chiến, vừa sợ kháng chiến, cứ khật khưỡng trong nước sôi lửa bỏng như thế. Điều này chứng tỏ Vũ Bằng là một nhà văn trung thực, dám nhìn thẳng vào những điểm yếu của mình và chứng thực rằng, ở đời, không phải “nhân vật thật” nào cũng phải chết đi thì cuốn sách mới có thể in ra được - như điều Nam Cao từng e ngại.
Có thể, đọc những dòng trên, có người sẽ cho rằng: Bởi nhà văn Vũ Bằng từng hoạt động với tư cách cơ sở khai thác tin tức phục vụ tình báo của ta (như nội dung nêu trong Giấy xác nhận của Tổng cục II - Bộ Quốc phòng ngày 1/3/2000), nên để “ngụy trang” trước chính quyền Sài Gòn, ông phải tạo cho mình một vỏ bọc với nhiều điểm yếu như vậy?
Về vấn đề này, có lẽ ý kiến của nhà văn Tô Hoài - một người bạn văn từ thuở hoa niên của ông - là thấu đáo hơn cả. Sau khi kể lại chuyện Vũ Bằng viết lời tựa cho cuốn tiểu thuyết Truyện hai người của mình (trong đó có việc Vũ Bằng tiết lộ ông từng đọc một tiểu thuyết rất hay của nữ nhà văn Bắc Âu, do đấy ông viết tác phẩm trên), Tô Hoài nêu nhận xét: “Kể cũng hiếm nhà văn nổi tiếng mà lại tự sự chẻ hoe như thế của nỗi niềm cầm bút”. Và Tô Hoài kết luận: “Ông không giấu giếm và cho thế là... thường”.
Cái mà Vũ Bằng xem là chuyện thường, hóa ra, ở thời buổi bây giờ, lại là chuyện... hơi bị hiếm.
TƯỜNG DUY