Viết văn bằng tất cả vốn sống và tâm huyết, viết báo bằng chất giọng dí dỏm, tưng tửng, nhà văn Trung Trung Đỉnh là một trong những cây bút trưởng thành từ thời chiến tranh chống Mỹ. Phóng viên có cuộc trò chuyện với ông về việc nghề, chuyện văn chương.
Thưa ông, điều gì đã khiến ông đến với công việc “khổ sai” là cầm bút viết văn?
- Tôi nghĩ đó là ý Chúa hay còn gọi là ý Trời. Mỗi con người được sinh ra đều phải làm cái gì đó. Và tôi làm cái việc được gọi là viết văn. Khổ sai nhưng là loại lao động khổ sai tự nguyện bạn ạ.
Có một thời ông gắn bó với Tây Nguyên, vậy Tây Nguyên đã trở thành ấn tượng đối với nghiệp văn của ông như thế nào?
- Tôi cũng như tất cả bạn bè đồng chí đồng đội hồi chống Mỹ, nước có giặc “là khoác ba lô lên đi đánh giặc”. Tôi đến Tây Nguyên không phải là để viết văn. Tôi đến đó để đánh nhau. Tôi được biên chế về một huyện đội, anh em người Kinh miền Nam có, người dân tộc Ba Na và Gia Rai có. Chúng tôi chiến đấu theo kiểu du kích, ở chung với du kích và dân các làng dân tộc, thành thử phải biết tiếng dân tộc, ba cùng với anh chị em du kích, như nhau hết. Thế mà may không “toi” nên mới được thành ra cái thằng tôi cho tới bây giờ.
Những năm qua, ông và nhiều văn nghệ sĩ đã “đi chơi”, “lang thang Tây Nguyên”... Có phải ông định tiếp tục viết về Tây Nguyên?
- Từ sau 1975 đến nay, có thể nói năm nào tôi cũng về Tây Nguyên mỗi năm một vài ba lần. Không vì việc viết đâu. Vì ở đó tôi có toàn bộ tuổi trẻ của tôi, tôi có bà con anh em bạn bè mới có, cũ có, vui có, buồn có. Không phải vì viết lách đâu.
Vì sao ông viết Lạc rừng - cuốn truyện có thể nói đã làm nên tên tuổi ông?
- Lúc tôi viết, tôi không tự hỏi vì sao mình phải viết, không hề biết trên đời này lại có các cuộc thi thố việc viết văn. Viết, thế thôi, chả quá quan trọng đâu, cũng giống như kể chuyện cho mọi người nghe, vậy thôi.
Có người nói, không ít tác giả trầy trật gần như cả đời văn đến giờ vẫn trắng tay. Tuy nhiên, ông và một số nhà văn khác lại “ẵm” về nhiều giải thưởng văn chương giá trị. Có thể nói, ông là một trong những người “được lộc” từ văn chương?
- Viết văn mà nhăm nhăm chiếm giải thì tôi chắc về bét. Tôi thực lòng chưa bao giờ viết với mục đích kiếm giải. Chỉ có năm vừa rồi, thấy người ta chấm giải cho các tác giả viết về các nước Việt Nam-Lào-Campuchia, tự nhiên nghe mà thấy tiếc cho mình vì mình có không dưới 3 năm quần nhau với quân Pôn Pốt, suýt chết vài bận, may mà lọt sàng xuống nia, về viết được cuốn tiểu thuyết Những người không chịu thiệt thòi về bảo vệ biên giới, in đi in lại 3-4 lần, thế mà chả được đoái hoài đến. Có người chả đánh chác gì, chỉ cưỡi ngựa xem hoa, viết dăm bài báo vẫn được huân huy chương, còn mình thì không...
Thời gian gần đây, bạn bè thấy ông viết một số chân dung văn nghệ sĩ với giọng rất dí dỏm, rất riêng. Trước đây, ông từng công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhưng có thể nói, ông càng có tuổi càng thích viết báo?
- Viết chân dung các nhà văn đòi hỏi người viết trước hết phải có một tấm lòng, không chỉ riêng đối với đối tượng mà là đối với cả nền văn học. Nhà văn nào cũng có cá tính mạnh, nếu không hiểu nhau thì viết khen thành chê, viết ca ngợi thành ra bôi nhọ. Viết chân dung các nhà nghệ sĩ mà viết kể lể, liệt kê thành tích, lý lịch thì nhạt tèo. Mỗi người một kiểu, một giọng nhưng còn xa lắc xa lơ mới tới đích mong muốn...
Theo ông, với một nhà văn thì lợi thế trong viết báo là gì?
- Tôi chả có kinh nghiệm gì trong cái khoản văn báo - báo văn này. Viết báo nhanh có tiền nhuận bút hơn, không có nhiều nhưng lặt vặt tiêu xài cũng khoái. Tôi viết báo cũng khơ khớ, báo nào đặt tôi viết bài về cái gì tôi cũng đáp ứng. Nhưng bảo tôi tự nghĩ ra cái gì đó để viết báo, rồi lại gửi bài đi thì tôi hơi bị lười.
Công việc bận như vậy (ông là Giám đốc NXB Hội Nhà văn), lại là người tự nhận ham chơi, thích đi, giao thiệp rộng, vậy ông viết vào lúc nào?
- Tôi là người lao động cần mẫn, chỉn chu, ham chơi, lúc nào cũng sẵn sàng đi làm, đi chơi, hết chơi thì làm, hết làm lại đi chơi...
Một số bạn đọc có nhận xét: câu văn của Trung Trung Đỉnh mộc mạc, dễ gần, không cầu kỳ, ông nghĩ sao ạ?
- Vâng, cảm ơn bạn và các bạn đọc có lời nhận xét. Để có được những trang văn đẹp, mộc mạc, giản dị là cả một quá trình lao động nghiêm cẩn. Tôi là một người có thói quen làm bản thảo cuối cùng đưa cho ai đó đọc là phải sạch sẽ, rất kỹ lưỡng.
Có người nói, nhà văn viết dựa nhiều vào vốn sống sẽ khó hay hơn những nhà văn viết nhiều bằng sự tưởng tượng. Ý kiến của ông về vấn đề này là gì ạ?
- Tôi nghĩ tài năng không bắt anh phải “có nhiều vốn sống” hay anh phải có “sự tưởng tượng”. Tài năng là tài năng, nghĩa là vốn sống phải nhiều (vốn sống kể cả đọc) mà tưởng tượng cũng phải nhiều. Không có vốn sống thì làm sao có tưởng tượng cao? Ngoài vốn sống và khả năng tưởng tượng, tài năng phần lớn là do trời phú cho, tí ti thôi, có tí ti ấy mới nói đến chuyện lao động cần cù, say mê học hỏi, cố gắng vươn lên...
Xin cảm ơn nhà văn!
Nguyễn Văn Học (thực hiện)