Nhà văn Trần Huy Quang: Còn đó những ký ức khó phai

23-06-2018 07:37 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhà văn Trần Huy Quang (sinh năm 1943, tại Nghệ An) sớm nổi tiếng ở những phóng sự xã hội với tư duy phản biện sắc bén, thể hiện tính công dân của một nhà báo đầy trách nhiệm.

Có thể nói, những phóng sự của anh, ngoài sự khốc liệt của thực tế, còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Phóng sự của Trần Huy Quang giàu tính văn học và cuốn hút bạn đọc. Mở đầu là Câu chuyện về ông vua lốp (Văn Nghệ - 1986) gây chấn động làng báo và tạo một hiệu ứng tương tác xã hội tích cực.

Nhà văn Trần Huy Quang.

Nhà văn Trần Huy Quang.

Một nhà báo đầy bản lĩnh

Tôi là một trong những nhà báo sống trong thời kỳ Câu chuyện về ông vua lốp của nhà văn Trần Huy Quang. Hay tin chúng tôi háo hức tìm đọc ngay và lấy làm ngạc nhiên vì tính dữ dội của câu chuyện. Tác giả kể về thân phận của một anh thợ thủ công Hà Nội, mỗi năm làm ra hàng ngàn chiếc lốp xe thô bằng phế liệu mà còn bị bỏ tù, tịch thu nhà cửa. Trong tù, người thợ này vẫn thắp hương cầu khẩn các cơ quan pháp luật sáng suốt làm cho đúng pháp luật, đừng đổ oan cho người dân làm ăn lương thiện. Đó là tiếng kêu cứu và tiếng chuông cảnh tỉnh lòng người. Phóng sự của anh lập tức gây dư luận nóng bỏng trong đời sống xã hội, bởi tính phản biện sắc sảo, dám chịu trách nhiệm khi dùng ngòi bút bênh vực và bảo vệ người lao động. Đó cũng là tín hiệu sự bùng nổ của con chữ đứng trước thử thách của thời kỳ đổi mới.

Mới đây, có dịp gặp lại anh tại gia đình, chúng tôi như được sống lại với không khí sôi nổi, một thuở cuốn hút bạn đọc. Anh nheo mắt kể, khi viết Câu chuyện ông về ông vua lốp (sau bạn bè thường gọi tắt là Vua lốp) đòi hỏi một bản lĩnh bứt thoát khỏi thông tin “một chiều” của thời kỳ bao cấp. Mà báo Văn Nghệ lại là nơi phát hỏa đầu tiên, gợi mở cho sự đổi mới chính ngay trong làng báo Việt Nam. Kết quả hết sức không ngờ, những câu chuyện bức xúc của người lao động trong Vua lốp đã được các nhà quản lý ở Hà Nội tổ chức mấy cuộc họp cùng với báo chí giải quyết thấu đáo. Vậy là sự phản biện của báo Văn Nghệ có hiệu quả tích cực càng làm phấn khởi và củng cố lòng tin cho các nhà báo.

Ngay năm sau, nhà văn Trần Huy Quang được chuyển từ báo Độc Lập về báo Văn Nghệ làm việc (1987). Anh viết tiếp những phóng sự mới như Lời khai của bị canNgười biết làm giàu cũng với ý tưởng cất lên tiếng kêu cứu cho người lao động, đòi hỏi sự đổi mới cho một hành trình sản xuất và thương mại. Từ đó, trên báo Văn Nghệ xuất hiện hàng loạt phóng sự của những tác giả khác như Những cơn sốt vàng ở Hiệp Đức (Trinh Đường), Đá nổi xôn xao (Hoài Tố Hạnh); Làng giáo có gì vuiAnh hùng khi đã sa cơ (Hoàng Minh Tường); hoặc báo liên tiếp xuất hiện các phóng sự đầy gay cấn khác như Thủ tục làm người còn sống (Minh Chuyên); Đêm hôm ấy đêm gì? (Phùng Gia Lộc); Người đàn bà quỳ (Trần Khắc); hay đầy khắc khoải như Con đường máu chảy (Trần Quang Quý); Tiếng đấtĐêm trắng (Hoàng Hữu Các); Nỗi oan khuất của cây dâu (Quách Vinh)...

Không ít những phóng sự trên Văn Nghệ đã có những phản hồi trái chiều, vẫn được in để phản ánh một không khí khách quan, người đọc sẽ tự tìm ra lẽ phải và chân lý do các tác giả đã nêu ra. Hầu hết các phóng sự in trên báo Văn Nghệ đều có sức hấp dẫn bạn đọc. Có những ngày nhiều người phải xếp hàng mua báo và thường phải đón sớm ở cổng cơ quan đợi báo về. Tôi còn nhớ nhà báo Trần Bạch Đằng đã viết bài báo cảm nhận và có sự đánh giá cao những phóng sự in trên báo Văn Nghệ trong 2 năm, dồn dập những bài hay và phản biện tích cực trong đời sống. Có đoạn ông đã nhấn mạnh đến phóng sự Lời khai của bị can của Trần Huy Quang rằng: “Rất ngắn gọn song mang tầm bao quát, phản ánh cái khiến tất cả ai còn chút lương tri đều nhức nhối” (Văn Nghệ số 17/1988). Những ký ức tràn về rỡ ràng trên đôi mắt khô khốc ướm màu thời gian của nhà văn Trần Huy Quang. Sống động và đam mê. Tôi có cảm giác niềm vui sướng một thời viết báo với lòng tự nguyện trả giá bằng máu và nước mắt như một thuở chiến trường ngày nào mà Trần Huy Quang đã trải nghiệm 10 năm trên chiến trường.

Một số tác phẩm của nhà văn Trần Huy Quang.

Một số tác phẩm của nhà văn Trần Huy Quang.

Gánh nặng văn chương một đời

Cũng trong những năm tháng sôi động này, Trần Huy Quang không những thành công ở thể loại phóng sự xã hội với những giải thưởng cao của báo chí mà còn có những thành công trong văn học, với những truyện ngắn hay và tiểu thuyết, được bạn đọc ghi nhận. Anh nhớ lại cuộc thi truyện ngắn vào thời điểm (1990-1991) khi là biên tập viên. Dường như đây là một sự tiếp nối đầy hứng khởi của báo Văn Nghệ sau sự xuất hiện những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp với những truyện ngắn gây dư luận xôn xao, với một không khí mới lạ. Cùng với đó là những truyện ngắn được bạn đọc đón nhận như Khách ở quê ra của Nguyễn Minh Châu, Cái bóng cọccủa Bùi Hiển... Cuộc thi đã ghi dấu ấn cây bút trẻ Lại Văn Long với truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện (Giải Nhất) cũng đánh dấu một thời kỳ khởi động những câu chuyện gai góc, biến ảo, mới lạ thoát khỏi cách viết mang yếu tố tả thực, hiền lành, không nêu được ý tưởng gì trong thời bao cấp. Chính thời kỳ này, nhà văn Trần Huy Quang đã có những truyện ngắn và tiểu thuyết được đánh giá cao như: Sự trắc trở đã qua (Tập truyện ngắn - 1984), Người làm chứng (Truyện ngắn và ký - 1988); Ngày mai (Tiểu thuyết - 1985); Nước mắt đỏ (Tiểu thuyết - 1988); Mối tình hoang dã (Tiểu thuyết - 1990); Những cô gái Đồng Lộc (Tiểu thuyết - 1998)… và mới nhất là Chân trời xa thẳm (Tiểu thuyết - 2008). Đặc biệt, anh gây ấn tượng mạnh ở những truyện ngắn như Linh nghiệm; Ám ảnh có thật, hay tiểu thuyết Nước mắt đỏ.

Lẽ dĩ nhiên, dù anh không muốn nhắc lại đến Linh nghiệm in Văn nghệ - 1992 - một tai nạn văn chương mà anh hứng chịu, nhưng người đọc cũng phải công nhận truyện ngắn của anh có sự ám ảnh và phiêu ảo với bút pháp mới lạ của một tác giả có tài. Thấy tôi định nói đến chuyện xảy ra với anh cách đây đã hơn 26 năm, anh chợt gạt đi và nói, báo Văn Nghệ có nhiều phen phải kiểm điểm lắm chứ không riêng gì mình. Biết sao được, anh chỉ phân vân với những suy diễn hay ám chỉ “sát hại” phía sau, làm tác giả phải hứng chịu nhưng không có cơ quan nào đứng ra bênh vực, bảo vệ. Họ chính là những người cô đơn, yếu thế phải cam chịu mà không biết bày tỏ ở nơi nào. Mỗi thất bại cho dù cay đắng sẽ làm cho họ trưởng thành.

Nhà văn Trần Huy Quang chợt mỉm cười, vui vẻ nói báo Văn Nghệ là một “thương hiệu” nên nhiều tác giả muốn xuất hiện để được khẳng định tài năng. Trước đã vậy, nay vẫn thế, không chỉ những cây bút trẻ và cả những tác giả đã thành danh đều tự hào và lấy làm sung sướng khi được in tác phẩm trên báo Văn Nghệ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những truyện ngắn chưa thu hút nhiều bạn đọc, có thể đây là những tác phẩm không phải xoàng nhưng vì không có đột phá mới lạ. Âu đó cũng là quy luật nếu không nói là cơ hội cho sự xuất hiện những tài năng chưa tới. Tuy nhiên, “thương hiệu” báo Văn Nghệ cần phải được giữ gìn, phát huy tối đa có thể. Đó là những tác phẩm hay và đời sống văn học trẻ cần được mở rộng, khích lệ. Cuộc thi nào cũng không hẳn là những thành công như mong đợi nhưng báo Văn Nghệ là cái nôi nuôi dưỡng những tài năng trẻ và đem lại hy vọng cho họ.

Nhà văn Trần Huy Quang tỏ ra rất vui khi được làm việc và phát huy tài năng trong suốt những năm tháng sôi động của thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, trong mươi năm đầu, báo Văn Nghệ gặp không ít “sự cố” nhưng lại là bước tiếp nối cho công cuộc tạo dựng “thương hiệu” vang danh trong suốt 70 năm của báo (1948-2018). Đó là niềm vinh dự đáng tự hào. Anh cười hằn lên những vệt thời gian khắc khổ của một đời văn chương. Tôi như bắt gặp phía sau những nét xù xì kia là sự mơ mộng đến không cùng của một tấm lòng hướng thiện cầu mong cho cuộc sống an lành. Những câu chuyện qua các bài báo và truyện ngắn cùng tiểu thuyết của anh đã nói lên điều đó. Sự sẻ chia nhân ái. Sự phẫn nộ với những bất công trong cuộc sống. Cuối cùng là đấu tranh đòi trả lại cuộc sống những gì vốn có của nó. Nhiều người còn nhớ lời tự bạch của anh: “Để nhằm an ủi một người thiệt thòi là tôi, nâng tôi lên trong cơn tuyệt vọng, đưa tôi vượt qua sự chán nản và đừng ngã lòng trước những hiểm họa và thất vọng” (Khoảng trống - 2008). Tôi yêu Trần Huy Quang ở lẽ đó.


Bài và ảnh: Vương Tâm
Ý kiến của bạn