Hà Nội

Nhà văn Tống Phước Bảo: Chữ thương trên trang viết

06-06-2021 21:45 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - “Cứ gieo thật nhiều giống tốt trên quãng đường mình đi qua. Rồi ắt có ngày, từ đó hạt thương sẽ nảy mầm. Chỉ khi con người ta biết thương nhau mà sống. Mọi điều trong cuộc đời này mới nhẹ như không”- Một đoạn trong tác phẩm của nhà văn trẻ thế hệ 8X Tống Phước Bảo.

Và đó cũng như là cách sống cũng như những gì thể hiện trên trang viết của nhà văn trẻ Tống Phước Bảo- còn có bút danh Trúc Thiên, một cái tên không còn lạ với giới văn trẻ Việt Nam hiện tại. Như một sự xuyên suốt “ giữ tiếng thương trên từng năm tháng”, các tác phẩm của Bảo cho dù là thể hiện những đắng đót thân phận, là ngặt nghèo số phận, là thắt thẻo chông chênh phận đời, thì vẫn ẩn sâu một chữ “thương” đến thao thiết từ trái tim, từ tâm hồn.

Nhà văn trẻ Tống Phước Bảo.

Trình diện làng văn Việt đương đại không lâu, nhưng Bảo đã sở hữu non chục giải thưởng văn học trong vòng 4 năm từ 2018- 2021: Giải Khuyến khích Truyện ngắn hay năm 2018- báo Tiếp Thị Gia Đình, Giải Khuyến khích Truyện ngắn hay năm 2019- báo Người Lao Động, Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn “Một nửa làm đầy Thế giới” - NXB Văn Hóa Văn Nghệ năm 2019, Giải Ba cuộc thi Tạp bút “Kí ức Tết” - 2020, Giải Nhất cuộc thi Tạp bút “Thành phố tôi yêu” - Báo Thanh Niên- 2020, Giải Nhất cuộc thi Tạp bút “Quê nhà dấu yêu” - Báo Áo Trắng- 2020, Tặng thưởng Truyện ngắn hay nhất năm 2020 của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Giải Khuyến khích cuộc thi “Ăn Tết thời COVID”- 2021…

Bảo còn có cả trăm truyện ngắn, thơ, tản văn đăng trên báo: Nhân dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công An, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Tiếp Thị Gia Đình, Phụ Nữ, Áo Trắng, Văn Nghệ Cà Mau, Tạp Chí Sông Lam, Long An, Quảng Ngãi, Nghệ An, Đà Nẵng….

Một tác phẩm của nhà văn 8x Trúc Thiên (Tống Phước Bảo)

Với văn phong đặc sệt chất sông nước Nam bộ, đặc biệt là rất nhiều từ ngữ tưởng chừng đã ở thì quá khứ trong bảo tàng, nay lại được “khai quật” lại ở thời văn chương 4.0, những tác phẩm văn chương của Bảo mang một sắc thái biểu cảm đến người đọc đôi khi cũng thắc thỏm tò mò thú vị bởi những khám phá về đất và người Nam bộ, bàng bạc xưa và nay đan xen .

Tống Phước Bảo là một chàng trai trẻ thế hệ 8X, gương mặt rất hiền lành, phong cách thanh nhã nhưng không xa với những “gu” thời trang trẻ của giới trẻ hiện tại... Đọc văn của Bảo, cảm giác ban đầu là một người từng trải, va đập nhiều, sống nội tâm, nhiều trắc trở gai góc, xù xì đường đời… Đó cũng chỉ là cảm giác ban đầu, như một lớp vỏ bao bề ngoài tác phẩm, để khi càng đọc văn của Bảo càng thấy trong đó thấm đẫm thương yêu, thấm đẫm tình người, mà như chính tên tập truyện ngắn đầu tiên xuất bản năm 2018 của Bảo mang tên “Cả một trời thương”.

Sang đến tập truyện ngắn thứ hai “Mình gọi nhau là cưng”- 2019, là 15 câu chuyện tình yêu, tình thương da diết trong đó man mác như 4 cung bậc: Điệu Bắc, điệu Nam, điệu Hạ, điệu Oán, trong nhạc tài tử miệt sông nước Nam bộ. Tới tập thứ tư “Đừng vội ghét khi chưa kịp thương”- 2020, thì tiếng “thương” đã nhiều lắm các cung bậc mênh mang khó mà cảm cho hết. Và rồi tập truyện ngắn- tản văn thứ năm nghe “thương” chất chứa tràn đầy, quặn thắt từng nhịp thở “Sài Gòn còn thương thì về”- 2021, chưa tính tập truyện ngắn thứ ba “Les từng centimet”- 2020, trong đó là một tình thương đầy chia sẻ những ẩn ức cảm xúc của những số phận trong giới LGBT…

Nhà văn Tống Phước Bảo với người bạn xương thủy tinh

Tống Phước Bảo không chỉ “thương” trên trang viết, mà còn thể hiện tình thương thứ thiệt bằng những việc nhân ái cụ thể. Cả 10 năm nay, Bảo đã bảo trợ cho rất nhiều trường hợp xương thủy tinh ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và hiện tại là giúp đỡ các bạn trong nhóm xương thủy tinh ở ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi- TP Hồ Chí Minh.

Bảo chia sẻ, thường khi đêm về, Bảo mới ngồi viết, nhiều lúc mệt rũ người vì công việc ở công ty, nhưng cứ nghĩ mình cố một chút… Bảo dành nhuận bút hay lợi nhuận từ sách của mình để làm một quỹ riêng cho việc hỗ trợ các bạn xương thủy tinh. Tết năm nay 2021, do cả một năm COVID 2020, nói chung việc làm ăn các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, công ty của Bảo làm thu nhập cũng hắt hẻo, không dư dả rủng rỉnh như các năm trước, rồi nghe Bảo tâm sự, ráng “cày” một vài truyện đăng Tết, để kiếm ít nồi bánh tét, hộp mứt, con gà, ký thịt, hột vịt… tặng các bạn xương thủy tinh ăn Tết.

Mùa COVID-19 năm 2020, trong thời gian giãn cách xã hội, Bảo đã không lãng phí thời gian, chăm chỉ ngồi viết, để xuất bản 2 cuốn sách của cá nhân mình, chưa tính còn in chung mấy cuốn khác. Và lợi nhuận sách của Bảo đã dành cho việc ủng hộ bão lũ miền Trung.

Còn mùa COVID-19 lần thứ hai ở TP Hồ Chí Minh, hỏi Bảo làm gì, vẫn là một chữ “thương”. Bảo thương những phận lao động nghèo, thương những người bán  hàng rong làm sao qua được thời khắc khó khăn này...  Và cũng như “mùa” năm ngoái, Bảo lại tranh thủ thời gian để viết, từ tản văn, đến truyện ngắn gửi các báo, tạp chí …Và chắc sẽ có thêm tập truyện mới về năm COVID-19- 2021.


Hoài Hương
Ý kiến của bạn