Một lần, tôi đến đặt nhà văn Tô Hoài viết cho một bài báo về Hà Nội xưa. Nhà văn đang lúi húi bên chồng sách vừa tái bản và soạn lại bản thảo mấy cuốn dự kiến tái bản theo yêu cầu của mấy nhà xuất bản nhân kỷ niệm Giải phóng thủ đô sắp tới. Tôi xuýt xoa: “Trời! Có lẽ cụ chẳng cần viết gì thêm nữa, chỉ lo tổ chức xếp sắp, tái bản những cuốn đã viết hoặc làm các tuyển tập là đủ tiêu hết quãng thời gian còn lại…”.
Cụ bảo: “Ấy chết! Còn sống còn phải viết chứ! Tôi đang định viết một cuốn về thời bao cấp, lắm điều thú vị lắm!”.
Cụ chỉ vào chồng tiểu thuyết dịch, phía trên cùng là cuốn Đônkihôtê của Xécvăngtét (cuốn sách được một tổ chức quốc tế bình là cuốn sách hay nhất của mọi thời đại): “Trước khi bắt tay vào cuốn đó, tôi phải đọc lại, nghiên cứu xem thiên hạ dùng những “võ” gì, hoặc để tránh người hoặc để học người…”. Rồi cụ ôn tồn: “Nhưng trước tiên mình phải có vốn sống về vấn đề ấy đã! Tôi đã có 7 năm làm Tổ trưởng dân phố ở Đoàn Nhữ Hài (1965-1972) mà! Ông Xécvăngtét có được Đônkihôtê cũng nhờ đã làm nghề thu thuế, đi khắp đất nước, có ngồi một chỗ mà bịa được đâu!”.
Tôi nhớ nhà văn Tô Hoài đã từng làm cán bộ cải cách ruộng đất, hết dự tổng kết cải cách ở Thái Bình, Thanh Hoá lại về làm Đội phó phụ trách tòa án ở Hải Dương…
Phòng viết của cụ ở Nghĩa Đô là căn phòng xây thêm ra ngoài vườn, trông ngoài như cái lô cốt, mùa rét đóng cửa trông bịt bùng lắm. Nhưng khi ngồi bên bàn viết tiếp tôi, cụ mở cánh cửa sổ trong, hoá ra bên ngoài là một căn phố nhỏ, bên kia đường là một quán nước có mấy người công nhân xây dựng áo quần lấm lem vôi vữa, đang tranh luận gì hăng hái lắm. Nếu cụ mở nốt cửa kính, chắc sẽ nghe rõ họ nói gì.
Hoá ra, cụ vẫn “đặt bàn viết giữa cuộc đời” cả theo nghĩa đen như nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã viết về cụ, dù cụ không còn tham gia công tác đường phố như trước.
Phương Nguyên