Là tác giả có số lượng đầu sách xuất bản lớn nhất Việt Nam (gần 200 cuốn), hiển nhiên nhà văn Tô Hoài phải là người rất quý trọng thời gian. Đã thành thông lệ, muốn tiếp xúc với ông, nếu không liên hệ điện thoại trước và được ông đồng ý, khách đến nhà hẳn sẽ nhận được câu trả lời thường trực của phu nhân nhà văn rằng, “ông Tô Hoài đi vắng rồi”... Ấy thế nhưng, riêng với việc đọc sách, đọc báo thì nhà văn Tô Hoài không khi nào tiếc thời giờ. Điều lạ là, người bình thường khi cầm trên tay tờ báo, ngoài nhiệm vụ chuyên môn bắt buộc phải đọc ra, thường họ chọn vấn đề họ quan tâm. Và khi đọc, nếu thấy không hay, không “vào”, họ bỏ báo ngay lập tức. Song Tô Hoài khác biệt với tất cả mọi người ở chỗ: Hễ có trên tay bất kỳ tờ báo nào, dù là do tòa soạn gửi biếu, hoặc bỏ tiền mua, ông đều đọc một cách chăm chú, từ dòng đầu tiên tính từ măng - séc xuống cho đến dòng cuối cùng từ mục giá báo lên. Nghĩa là đọc tuốt tuồn tuột, không bỏ sót một chữ nào. Vui thì có thể khẽ nhếch mép cười, mà không vui, không hay thì cũng cứ thản nhiên đọc tiếp, không hề có chút biểu hiện như thể người ăn cơm bỗng khựng lại vì nhá phải một miếng sạn.
Nhà văn Tô Hoài. |
Mà cách đọc của nhà văn Tô Hoài cũng có nhiều điểm lạ.
- Tôi không bao giờ đọc nửa chừng rồi vứt báo đi. Và khi đọc, tôi đọc lần lượt theo thứ tự trang, không lựa cái gì đọc trước, cái gì đọc sau, cho dù tác giả có là Ma Văn Kháng hay một tác giả mới toanh nào đi nữa cũng thế.
Tất nhiên, nói lý nói lẽ thì cái gì cũng có mặt hữu ích của nó, song vấn đề là cuộc đời con người đâu có dài. Bởi vậy mà phải lựa chọn những gì thật cần thiết cho công việc của mình. Ấy là tôi nghĩ vậy, song với nhà văn Tô Hoài thì mọi việc khác hẳn:
- Đọc một tờ báo, dù bài hay, dở đến đâu, bao giờ nó cũng cho mình biết thêm một cái gì: Về tình hình xã hội, giá cả thị trường và thấp nhất là cho mình biết... trình độ người viết. Nó như một thứ vốn, không vào mình ngay một lúc mà vào dần dần.
Cũng theo Tô Hoài, qua báo chí, thường ra ông hay thu lượm được một số từ ngữ mới:
- Thí dụ, đọc truyện ngắn của cô Dạ Ngân, tôi biết thêm một số chữ Nam Bộ. Có thể một lúc nào đấy nó sẽ lẳng lặng “vào” trong trang sách của mình.
Như để chứng thực việc “thượng vàng hạ cám” gì cũng đọc của mình, nhà văn Tô Hoài quay sang “phê” báo Văn nghệ về việc sắp xếp tên cộng tác viên ở mục “Hộp thư” chưa được khoa học:
- Những người viết ở khu vực Hà Nội phải để vào một góc, chữ in rải ra như thế lộn xộn quá, làm mất thì giờ (ý nói của những người như ông, qua mục “Hộp thư” muốn ngó xem ở Hà Nội ai hay gửi bài).
Nhân nói chuyện về mục “Hộp thư” này, tôi lại nhớ cách đây mấy năm, khi chúng tôi đến đặt ông bài viết cho số báo Tết, ông có nêu hiện tượng ông Bùi Công Bính ở Thái Bình gửi bài Tết “vô địch cả nước, chẳng khác gì cái cậu Trần Hữu Nghiễm ở Cà Mau khi xưa, đọc bất kỳ mục Hộp thư của báo nào cũng thấy tên”. Trong câu chuyện hôm nay, nhà văn Tô Hoài cũng có nhắc đến ông Bùi Công Bính, nhưng thoáng có chút gì ngùi ngẫm:
- Tôi đoán ông này hồi này chắc già rồi, thấy... gửi ít.
Trả lời câu hỏi những báo nào ông hay mua đọc, nhà văn Tô Hoài cho biết:
- Tôi thường mua mấy tờ Lao động, An ninh thế giới, Xưa và nay. Với tờ Xưa và nay, mặc dù thân với anh Dương Trung Quốc nhưng tôi không xin.
Có một điều đặc biệt nữa trong việc đọc báo của nhà văn Tô Hoài, khác hẳn với tất cả mọi người, ấy là khi tâm trạng không được vui, ông thường lấy tờ báo có đăng những bài thơ... dở để đọc lại. Và một trong những tác giả được ông lựa chọn để dùng cho “khoảnh khắc hiếm hoi” này là nhà thơ N.X.S. Theo Tô Hoài, thơ N.X.S ít chữ, đơn điệu, thường nói những điều quá hiển nhiên, như thể trời sáng thì có tiếng... gà gáy, cho nên dễ gây cho ông cảm giác khi đọc phải bật cười, cũng là một cách hiệu nghiệm để xua đi những phút giây buồn chán.
Nói vậy, song ở Tô Hoài lại có một điều lạ, tưởng chừng rất mâu thuẫn với những đặc điểm đã kể trên. Ấy là, ông đọc kỹ đến thế từng tờ báo ông có trong tay, song với các cuốn sách của ông, khi được in ra, không bao giờ ông đọc lại nữa, dù để xem nhà in in sai hay đúng. Và ông chỉ đọc lại nó để soát xét, sửa chữa trước mỗi dịp tái bản. Điều này có thể lý giải rằng: Với Tô Hoài, ông chỉ đọc những gì cần cho cuộc sống tiếp theo của mình.
Phạm Khải