Hà Nội

Nhà văn Sơn Tùng: Trọn đời viết về Bác từ tinh thần Bộ đội Cụ Hồ

12-05-2016 17:45 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhà văn Sơn Tùng không xa lạ với bạn đọc cả nước và ông được biết đến là cây bút viết về Bác Hồ nhiều nhất, thành công nhất. Ông tàn nhưng không phế...

Nhà văn Sơn Tùng không xa lạ với bạn đọc cả nước và ông được biết đến là cây bút viết về Bác Hồ nhiều nhất, thành công nhất. Ông tàn nhưng không phế, thậm chí nhiều người nhận định, khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh không ai vượt qua được “cây đại thụ Sơn Tùng” ở xứ Nghệ. Và có lẽ điều này đúng khi  nhà văn Sơn Tùng cho biết, ông sẽ viết về Bác đến khi nào đổ bóng...

Từ dấu ấn đời lính...

Người ta biết đến Sơn Tùng với tư cách một nhà văn. Nhưng văn chương không phải là con đường đưa ông đến với nghiệp viết. Năm 1955, sau khi Hà Nội hoàn toàn giải phóng, chàng thanh niên trẻ Bùi Sơn Tùng khi ấy quyết tâm theo học Đại học Nhân Dân. Nơi đây có thể coi là trường đại học đầu tiên của nước ta được xây dựng sau chiến thắng Điện Biên Phủ với mục đích bồi dưỡng tư tưởng Mác-Lênin và lý luận chính trị cho tầng lớp thanh niên mới giàu lý tưởng cách mạng, lâu nay bị kìm kẹp trong vùng địch chiếm. Bạn đồng môn của Sơn Tùng khi đó có những người sau này đã trở thành những cái tên lớn của nền báo chí nước nhà như nhà báo Hàm Châu.

Nhà văn Sơn Tùng.

Sơn Tùng sau đó đến với nghề báo nhưng đời làm báo của ông khá ngắn ngủi, chỉ kéo dài khoảng hơn mười năm. Nhưng người con xứ Nghệ ấy luôn hăng hái trên nhiều mặt trận. Ở đâu ông cũng vững cây bút và trở thành một phóng viên xông xáo, năng nổ. Năm 1961, Sơn Tùng viết cho báo Nông Nghiệp đến cuối năm 1962 thì về làm phóng viên cho báo Tiền Phong. Năm 1967, ông được điều vào Nam phụ trách và thành lập tờ Thanh niên Giải phóng. Tuy không trực tiếp cầm súng nhưng làm báo giữa lòng chiến trường ác liệt, người phóng viên phải chịu hiểm nguy không thua gì một người lính.

Năm 1971, tại căn cứ Tà Nốt, chiến khu B (nay thuộc tỉnh Tây Ninh) khi Sơn Tùng cùng các đồng nghiệp chuẩn bị lên khuôn cho số báo đặc biệt kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thì máy bay Mỹ ồ ạt ném bom. Trong trận càn ác liệt đó, ông bị nhiều mảnh đạn M79 găm khắp cơ thể. Đến nay 3 mảnh đạn còn nằm trong sọ não của nhà văn.

Trở về từ chiến trường, Sơn Tùng mang theo trong mình 14 vết thương, nửa người bên phải gần như bị liệt, bàn tay bị mất ba ngón, mắt phải chỉ còn 1/10 thị lực. Từ một phóng viên xông xáo, Sơn Tùng trở thành một thương binh nặng hạng 1/4. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, hằng ngày Sơn Tùng vẫn miệt mài luyện tập khí công để nâng cao sức khỏe, tiếp tục cống hiến cho đất nước. Bằng bàn tay chỉ còn ba ngón, ông đã cho ra đời hàng chục cuốn tiểu thuyết.

Các tác phẩm viết về Bác Hồ đã xuất bản của nhà văn Sơn Tùng.

Đến những trang sách gắn liền với Bác Hồ

Nhắc tới nhà văn Sơn Tùng là chúng ta nhớ tới cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh, tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn, được xuất bản lần đầu năm 1982. Ngay từ khi mới xuất bản cuốn đã bán ra được hơn 300.000 bản và trở thành một “hiện tượng” xuất bản của nền văn học nước nhà lúc bấy giờ. Búp sen xanh được nhà văn thai nghén trong suốt gần 40 năm trời. Từ giai đoạn những năm 40, nhà văn Sơn Tùng đã gặp thân nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm để thu thập các tư liệu về Bác. Búp sen xanh được nhà văn bắt đầu viết từ những năm 1948 đến năm 1980 mới hoàn thành, đây không phải là việc đơn giản mà người cầm bút nào cũng làm được.

Chúng ta không chỉ nhìn nhận nhà văn Sơn Tùng dưới góc độ của một nhà văn và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một “nhân vật” trong sáng tác của ông. Bằng ngòi bút trau chuốt, cẩn trọng mà chứa đầy tình cảm, Sơn Tùng đã trở thành một “người chép sử” về Bác bằng chính những cuốn tiểu thuyết của ông. Cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách Hồ Chí Minh từ thuở thiếu thời được tái hiện một cách chân thực, rõ nét và gần gũi qua ngòi bút của Sơn Tùng. Trong từng câu, từng chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên không chỉ với tư cách một nhân vật văn học. Viết về Bác, nhà văn này đã vẽ nên một bức chân dung sắc sảo về một nhà văn hóa, một danh nhân kiệt xuất từ thuở thiếu thời. Tuy có độ lùi về lịch sử đến hơn nửa thế kỷ, nhưng đọc Búp sen xanh Bông sen vàng, độc giả cảm nhận được sự chân thực trong những trang văn của tác giả như thể chính nhà văn đã cùng trải qua những năm tháng thiếu thời quý báu đó với Bác.

Là một người con xứ Nghệ, mảnh đất Nghệ An đi vào trang văn của Sơn Tùng một cách thật dung dị và tự nhiên. Từ cảnh sắc của làng Sen, làng Hoàng Trù từ cuối thế kỷ XIX cho đến những phương ngữ đặc trưng của người dân xứ Nghệ đều được nhà văn nghiên cứu, sắp xếp để sử dụng một cách hợp lý nhất. Cẩn trọng như cách một họa sĩ sắp xếp bố cục trong một bức tranh tĩnh vật. Nhà văn đã đem hình ảnh Bác Hồ đến gần hơn với độc giả, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi, đối tượng chỉ được biết đến Người qua truyện kể, các tác phẩm văn học hay những thước phim tư liệu.

Các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Sơn Tùng viết về Bác có thể kể đến như: Búp sen xanh, Bông sen vàng, Từ làng Sen, Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng, Ánh sáng tâm đăng Hồ Chí Minh... Thời gian gần đây, NXB Kim Đồng ấn hành tác phẩm tiếp theo của nhà văn Sơn Tùng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là cuốn truyện dài Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh. Tác phẩm tái hiện một cách sinh động khoảng thời gian dài hơn 4 tháng từ tháng 10/1910 đến tháng 2/1911, Người đến dạy học ở trường Dục Thanh. Dõi theo câu chuyện của nhà văn Sơn Tùng ta thấy hiện lên trong từng trang viết là hình ảnh chàng thanh niên hai mươi mốt tuổi Nguyễn Tất Thành thông minh, điềm đạm, lễ phép và giàu lòng yêu nước, quyết tâm một lòng ra đi tìm đường cứu nước.

Không chỉ có vậy, Nguyễn Tất Thành còn được nhà văn Sơn Tùng khắc họa dưới hình ảnh một nhà giáo. Một người thầy với nhiều tư tưởng đổi mới trong giáo dục. Khi trở thành một nhà giáo, Người luôn kích thích tính sáng tạo, tinh thần độc lập, tự chủ trong học tập của học trò. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã khơi dậy trong lòng những học trò của mình tinh thần yêu nước, ý chí tự lập, tự cường. Tác phẩm này được hoàn thành năm 1989, nhưng vì nhiều lý do, mãi tới nay mới được xuất bản. Đây có lẽ là tác phẩm cuối cùng của nhà văn Sơn Tùng đến với bạn đọc yêu quý Bác và yêu văn ông.

Có thể nói, nhà văn Sơn Tùng đã dùng văn để chép sử và nhờ văn phong dung dị, đầy tình cảm của Sơn Tùng mà những câu chuyện lịch sử trở nên mềm mại, dễ đi vào lòng người.

Và còn sức còn viết về Người

Là một con người đa tài, ngoài viết văn, tác giả Búp sen xanh còn sáng tác hơn trăm bài thơ. Trong đó, có tác phẩm Gửi em chiếc nón bài thơ đã được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc và trở thành ca khúc đi vào lòng nhiều thế hệ người yêu mến dòng nhạc quê hương, qua sự thể hiện của các giọng ca nổi tiếng như: Trọng Tấn, Việt Hoàng, Đăng Dương...

Với những trang viết nổi tiếng, nhà văn Sơn Tùng được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, nay ông đã gần 90 tuổi. Cơn tai biến vào cuối năm 2010 đã khiến ông bị liệt hoàn toàn. Nhưng sâu thẳm trong con người đầy nghị lực ấy vẫn khát khao viết tiếp những tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và quê hương Nghệ An. Trở về từ những cuộc chiến đấu vì độc lập tự do dân tộc, do vết thương tái phát, sức khỏe của nhà văn Sơn Tùng giảm sút rất nhiều, nhưng ông vẫn cùng vợ vào trong các tỉnh phía Nam nơi Bác đã đi qua để thu thập tư liệu về Người.

Hằng ngày, con trai ông là Sơn Định vẫn giúp cha hoàn thành bản thảo. Con trai nhà văn chia sẻ, có những lần nghe lại những trang viết mà anh đã thay cha đánh máy và thu âm lại, nhà văn lặng lẽ khóc. Với nhà văn Sơn Tùng, không được viết có khi còn đau đớn hơn những vết thương đang dày vò thân thể. Nhà văn Sơn Tùng luôn nghĩ rằng, bom đạn kẻ thù có thể hủy hoại thân thể ông, nhưng không thể nào dập tắt ý chí mãnh liệt trong con người can trường ấy. Có lẽ, tình yêu dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc đã thôi thúc nhà văn sáng tác dẫu chỉ còn một hơi thở nhỏ nhoi. Và đối với ông, viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không còn là một công việc hay một niềm đam mê, đây dường như là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông.

Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh năm 1928 tại làng Hoa Lũy (nay là làng Kim Lũy) xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Nhà văn xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo, hiếu học, trọng chữ nghĩa. Thuở nhỏ nhà văn Sơn Tùng vẫn thường ra biển cùng những người dân làng kéo cá sau buổi thả lưới thâu đêm. Chính cái bao la, mặn mòi, mênh mông quyết liệt của biển đã tạo ra một cá tính nghệ sĩ đa chiều trong con người Sơn Tùng: vừa tình cảm và sâu sắc nhưng cũng rất quyết liệt mà kiên cường.


Quỳnh Anh
Ý kiến của bạn