Nhà văn Phạm Việt Long: Tuổi 70 vẫn cuốn người khác sống trẻ theo mình

16-03-2017 17:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi là người đã cùng công tác ở Bộ Văn hóa với ông đã nhiều năm, từng đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác về những đóng góp chuyên môn và cả văn học nghệ thuật của ông...

Tôi là người đã cùng công tác ở Bộ Văn hóa với ông đã nhiều năm, từng đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác về những đóng góp chuyên môn và cả văn học nghệ thuật của ông, cảm nhận thấy sự năng động, ham làm việc nơi ông vẫn như không hề thay đổi.

Thật khó để gọi đúng nghề nghiệp của ông Phạm Việt Long. Thời đang công chức, ông đã kinh qua rất nhiều công việc, rất nhiều chức vụ... Năm 1966, 1967 khi mới tuổi hai mươi, ông đã là phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã, trực tiếp sống và làm việc tại chiến trường Khu V quãng thời gian cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta diễn ra vô cùng khốc liệt. Sau gần mười năm sống và làm việc tại đây, khi hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về cơ quan cũ rồi sau đó được chuyển sang Bộ Văn hóa - Thông tin, từ chuyên viên lên Trưởng phòng rồi Phó Văn phòng và cuối cùng trở thành Chánh Văn phòng. Thời gian công tác ở Việt Nam Thông tấn xã ông chỉ mới tốt nghiệp đại học. Nhưng khi sang Bộ Văn hóa ông đã kiên trì theo học thêm để có bằng thạc sĩ và sau đó bảo vệ thành công tiến sĩ văn hóa. Khi cơ quan tiến hành tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cho cương vị Thứ trưởng, ông đạt số phiếu rất cao nhưng hiềm nỗi khi ấy ông đã cao tuổi, không đủ cho một nhiệm kỳ nên lãnh đạo Bộ đã chuyển ông sang giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty sách Việt Nam, khi ấy đang có những khó khăn. Và ông đảm nhiệm cương vị ấy cho đến khi nghỉ hưu.Nhà văn Phạm Việt Long.

Nhà văn Phạm Việt Long.

Nhưng bất ngờ với nhiều người khi biết ông đang bận rộn với công việc chuyên môn nhưng đã liên tục cho ra mắt những tác phẩm, cả văn học và âm nhạc. Thông thường, người dính vào công việc hành chính, sự vụ thường rất khó khăn khi đến với công việc sáng tác văn học nghệ thuật. Càng khó để vươn tới đỉnh cao. Nhưng trường hợp ông Long thì ngược lại. Trong lĩnh vực văn học, ông đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết tư liệu B trọc, mà nội dung được tác giả kể lại hoàn toàn những điều mắt thấy tai nghe với tư cách người trong cuộc trong những năm tháng sống nơi chiến trường. Tác phẩm B trọc ngay khi ra đời đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt, liên tục được tái bản suốt những năm 2001, 2002, 2003 và sau đó được nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam và nhiều giải thưởng văn học cao quý khác. Cùng thời gian này Phạm Việt Long còn có thêm 2 tập truyện ngắn Âm bản Ngờ vực và cũng liên tục được tái bản. Ngày ông Phạm Việt Long có dịp được sang Mỹ và khi về nước ông liền cho ra mắt cuốn sách: Du khảo Hoa Kỳ sau thảm họa 11 tháng 9 và đặc biệt  sau đó ông còn có thêm tiểu thuyết Giã từ dày trên 400 trang lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn tổ chức. Nhà văn Ma Văn Kháng đã nhận xét: “...Đây là một cuốn sách có khuynh hướng cao, thể hiện rõ quan điểm của nhà văn, có màu sắc tố cáo và chống lại một cách không khoan nhượng những cái xấu, những cái tiêu cực... Phạm Việt Long trong suy nghĩ của tôi lúc này đã là một tiềm năng sáng tạo đáng nể trọng”. Phạm Việt Long trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Càng bất ngờ hơn khi thấy Phạm Việt Long chợt xuất hiện trước bạn bè đồng nghiệp trong cơ quan và công chúng với tư cách một nhạc sĩ, đã trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam khi ông liên tiếp cho ra đời các CD ca nhạc: Mơ hình bóng quê nhà, Những bản tình ca mới, Giàn thiên lý... và đặc biệt là 2 chương trình biểu diễn riêng các tác phẩm âm nhạc của ông vào năm 2009 với tên gọi Nhớ một thời cùng 2 chương trình chuyên đề trên VTV1 giới thiệu về những đóng góp của ông với sự nghiệp văn học và âm nhạc trong chuyên mục Người của công chúng Quán âm nhạc.

Cùng cảnh hưu, nhưng muốn gặp lâu cùng ông lại vẫn thấy khó. Đến nhà thấy ông thường đi vắng, vợ con bảo ông ấy (hoặc bố cháu) chạy quanh đâu đấy chắc về ngay. Mời bác ngồi chơi chờ nhà tôi (hoặc bố cháu) một lát... Nhưng đấy là cách nói vì sau khi hưu ông đã tự tổ chức rồi tham gia nhiều công việc mà đều chiếm của ông khá nhiều thời gian và trí lực. Bên cạnh tư cách là người tham gia trực tiếp tổ chức và lãnh đạo Tạp chí Văn Hiến Việt Nam, sau đó ông còn được cử giữ cương vị Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam. Phải nói, đó là một công việc không hề đơn giản. Vẫn chưa hết, ông còn tham gia thành lập và trong ban lãnh đạo Nhà xuất bản Dân Trí, một nhà xuất bản tổng hợp khá lớn, tạo được uy tín trong ngành xuất bản. Nhiều người còn được nghe những chương trình ca nhạc, trong đó luôn có thêm các tác phẩm mới của Phạm Việt Long, cùng những bài báo của ông nói về âm nhạc. Năm 2016, Phạm Việt Long được vinh dự nhận giải thưởng loại A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng cho cuốn sách chuyên luận âm nhạc Hát mãi Trường Sa ơi. Tập sách bao gồm 59 bài nghiên cứu, phê bình, cảm nhận về âm nhạc. Âm nhạc dường như đã cuốn hút tất cả tâm hồn và tình yêu của ông. Cũng cần nói thêm, sau thành công của Phạm Việt Long trong âm nhạc, người cùng cơ quan trong Nhà xuất bản Dân Trí là nhà thơ Nguyễn Phan Hách cũng học theo để đi vào sáng tác ca nhạc. Có người khen ca khúc của Nguyễn Phan Hách thì ông bảo, tôi học tập kinh nghiệm từ ông Phạm Việt Long đấy.Tại vùng núi Bà, giáp ranh thị xã Quy Nhơn, sau trận bom B52 của địch, suýt chết, Phạm Việt Long chỉ cân nặng 39kg.

Tại vùng núi Bà, giáp ranh thị xã Quy Nhơn, sau trận bom B52 của địch, suýt chết, Phạm Việt Long chỉ cân nặng 39kg.

Tưởng như thế đã là quá nhiều với một người đã nghỉ hưu từ hơn chục năm nay nhưng cuối năm 2016, bạn bè lại bất ngờ nhận được lời mời của chính Phạm Việt Long tới Văn phòng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để được nghe các cháu thiếu nhi quận Hoàn Kiếm hát những bài hát dành cho tuổi nhỏ do ông sáng tác và  đặc biệt để được ông giới thiệu thêm một bộ sách mới. Bộ sách viết cho thiếu nhi dày 5 tập, mỗi tập mang tên khác nhau như: Bỏ bỉm, Mặt đen tia chớp, Chuồn chuồn cắn rốn, Khám phá rừng thiêng, Thám hiểm vườn cổ tích dày hơn 1.000 trang có tên chung là Bi Bi và mặt đen. Với một giọng văn trong trẻo, tươi xanh, mạch lạc, giản dị nhưng sâu sắc mà tác giả đem lại cùng với độ dày của tập truyện đã khiến mọi người ngỡ ngàng lẫn khâm phục vì sức làm việc như không biết mệt mỏi của một người tuổi đã ngoài 70.

Tâm lý chung cứ một ai khi đã bước vào tuổi xưa nay hiếm thường ít nhiều có một chút nào đó ngại việc. Họ chỉ phải làm nếu buộc phải có nhu cầu nhiều về vật chất, tiền bạc. Với Phạm Việt Long, chuyện tiền bạc hẳn không là một áp lực. Vậy điều gì khiến ông vẫn tham công tiếc việc, không ngần ngại cả khi mạnh dạn xông vào những lĩnh vực khó khăn? Ông cho biết, mình muốn luôn mạnh dạn đi vào những cái mới, khi khám phá vào nó mình sẽ hiểu được mình hơn và quan trọng nó đem lại cho mình thêm niềm vui. Bây giờ có tuổi, niềm vui là quan trọng nhất.

Ông tâm sự: Tôi may mắn có bà vợ cũng dân chiến trường năm xưa với nhau, hiểu mình nên chia sẻ ủng hộ hết lòng và còn động viên nữa. Thành có động lực.  Người cao tuổi mà không vận động thường xuyên thì nguy hiểm lắm. Bây giờ, bận gì thì bận nhưng hàng ngày, xưa thì vẫn giúp vợ đi đón con - sau này đi đón cháu ngoại khi chúng tan học về. Và đêm đêm còn giáo dục con cháu bằng những câu chuyện cổ tích?! Tất cả các câu chuyện ấy được ông bổ sung, sửa chữa thêm rồi đưa in vào bộ sách của ông mới hoàn thành Bi Bi và Mặt  đen.

Chính vì luôn phải bận rộn cho công việc, phải vận động nhiều, tiếp xúc nhiều bạn bè, lao động cả trí óc và chân tay nên khi về hưu ông lại như khỏe ra, chẳng thấy đau ốm gì. Ông bảo, cứ nằm một chỗ, không vận động, không quan hệ với ai có khi mình lại yếu đi, thậm chí còn sinh bệnh sinh tật không chừng. Ông dẫn ra những bài học, giáo sư Vũ Khiêu đã một trăm tuổi nhưng hàng ngày vẫn đọc sách, vẫn viết bài, hay giáo sư Hoàng Chương ngoài tám mươi rồi mà vẫn còn rất tráng kiện, làm việc không biết mệt mỏi bởi hàng ngày cụ vẫn dành ra 2 tiếng đồng hồ để tập thể dục.


Huy Thắng
Ý kiến của bạn